Chủ tịch Hà Nội nói gì về 'lỗ hổng' cách ly ca bệnh 243?

Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực liên quan đến bệnh nhân số 243 ở Hạ Lôi, Mê Linh Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực liên quan đến bệnh nhân số 243 ở Hạ Lôi, Mê Linh Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Yêu cầu chấn chỉnh ngay lỗ hổng rà soát ca bệnh 243, Chủ tịch Chủ tịch Nguyễn Đức Chung còn yêu cầu tất cả các chủ tịch xã, phường, thị trấn phải tiếp tục rà soát còn sót lọt trường hợp nào thì phải ra quyết định cách ly 14 ngày tính từ ngày phát hiện chứ không phải từ ngày họ vào Bệnh viện Bạch Mai.

Chiều 7/4, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, liên quan đến ca bệnh 243, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, cán bộ ngành y tế huyện vẫn hiểu là cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với F0.

Bệnh nhân đi Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3, ngày 28/3 mới triển khai công điện của Chủ tịch UBND thành phố, do đó, bệnh nhân này không cách ly tập trung, cũng không cách ly tại nhà. Theo ông Trọng, từ 30/3, bệnh nhân này không đi buôn bán hoa nhiều như trước đó, vì chợ hoa nghỉ. “Chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo thành phố có chỉ đạo để rà soát tiếp, nếu phải cách ly thì chúng tôi sẽ cách ly, kể cả đã qua 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc”, ông Trọng nói. 

Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh Quách Sĩ Dũng cho biết, xã cũng rà soát các trường hợp tiếp xúc gần, đến tối 6/4 có 67 trường hợp F1 ở địa bàn xã, đã được lập danh sách, lấy mẫu và chuyển đi cách ly. Trên địa bàn cũng có hơn 100 trường hợp diện F2.  “Nhân dân rất lo lắng, nhưng xã đã vận động nhân dân yên tâm, ở trong nhà, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ đồng thời triển khai các bước tiếp theo của công tác phòng, chống dịch”, ông Dũng nói. 

Theo ông Nguyễn Đức Chung, qua phát biểu của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh thì “có một điểm đang được hiểu rất nhầm lẫn”. “Trong công điện 01 và 02 yêu cầu xác minh toàn bộ người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi xác minh làm rõ các đồng chí phải ra quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm. 

Tối 28/3 thành phố có công điện. Các đồng chí bắt đầu rà soát từ ngày 29/3 cho đến bây giờ. Các đồng chí phát hiện ngày 29/3 thì phải ra quyết định cách ly tính từ ngày 29/3. Đủ 14 ngày thì phải đến 12/4 mới hết cách ly”, ông Chung nói. Theo ông Chung, với trường hợp bệnh nhân 243 “các đồng chí đang hiểu sai. Nếu như các đồng chí phát hiện ngày 30/3 ra quyết định thì đến tận ngày 13/4 bệnh nhân này mới được đi lại. Chứ không phải được đi lại như vừa rồi”. 

Ông Chung cho rằng, đây là một lỗ hổng cần phải chấn chỉnh ngay, yêu cầu tất cả các chủ tịch xã, phường, thị trấn phải tiếp tục rà soát xem còn sót lọt trường hợp nào thì phải ra quyết định cách ly 14 ngày tính từ ngày phát hiện chứ không phải từ ngày họ vào Bệnh viện Bạch Mai. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh ra quyết định phong tỏa thôn Hạ Lôi. Huyện Mê Linh và xã Mê Linh phải tổ chức các lực lượng công an, y tế, dân quân tiến hành phong tỏa theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả các trường hợp F1, F2 phải được lấy mẫu ngay lập tức. 

Tuyến đầu đang sơ hở?

Ông Chung nhấn mạnh, đến nay, dịch COVID-19 từ Bệnh viện Bạch Mai đã lan ra 13/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành. Theo đó, tất cả các trường hợp liên quan đến yếu tố Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn thành phố phải được lấy mẫu xét nghiệm.

Rút kinh nghiệm ở khu cách ly ĐH FPT có các trường hợp xét nghiệm lần 2 mới dương tính, tất cả các trường hợp F1 khi hết thời hạn 14 ngày cần tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm khẳng định lại. “Như việc xét nghiệm các trường hợp ở Bệnh viện Phụ sản và Viện Huyết học liên quan bệnh nhân 243 và 237 ở thời điểm 1 - 2 ngày thì chưa nói lên kết quả. Vì vậy phải cách ly triệt để”, ông Chung lưu ý. 

Cũng từ trường hợp bệnh nhân 237 và 243, ông Chung yêu cầu Sở Y tế và giám đốc các bệnh viện ở thành phố Hà Nội phải thực hiện biện pháp phòng vệ. “Đã có bài học từ Bệnh viện Hồng Ngọc, nhưng các trận tuyến bệnh viện sơ hở rất nhiều. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải tổ chức sàng lọc với tất cả các bệnh nhân đến thăm khám”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, đối với các bệnh nhân nặng chỉ cho phép một người vào trông nom, tuyệt đối không cho người vào thăm. Phải kiểm soát chặt bệnh nhân, phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, tất cả yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, có yếu tố người thân về từ nước ngoài…, phải tổ chức lối đi riêng và bảo vệ các nhân viên y tế.

“Mới có 3 bệnh nhân số 17, 237 và 243 mà Bệnh viện Hồng Ngọc có 21 bác sỹ, y tá phải cách ly, Bệnh viện Đức Giang 18, Bệnh viện Việt Pháp 22, Viện Huyết học 45, Bệnh viện Phụ sản 17, thêm 4 trường hợp của Bệnh viện E tham gia cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Nếu có vài chục ca thì sẽ giảm đi lượng y tá, bác sĩ. Đây là lỗ hổng và là ý thức liên quan đến phòng chống dịch, phải được phổ biến để các y, bác sĩ không được chủ quan”, ông Chung nói.

Sau khi bệnh nhân 243 nhiễm COVID-19 trú tại Mê Linh - Hà Nội được Bộ Y tế công bố, nhiều bệnh viện tại Hà Nội tiến hành quy trình khám, sàng lọc “một cửa”. Các bệnh viện lập chốt đón tiếp bệnh nhân, tất cả việc thăm người nhà tạm dừng. Ngoài ra, công tác khử khuẩn, sát trùng và yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang được tiến hành. Bên cạnh đó, tại chốt trực thuộc cổng chính bệnh viện được nhân viên khai thác yếu tố dịch tễ như: Có đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hoặc các biểu hiện ho, sốt, biểu hiện bất thường của sức khỏe... (Thái Hà)

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).