Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân tích, với diễn biến dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam hiện nay, chưa có dự báo nào về thời điểm dịch bệnh kết thúc. Nói như vậy để xác định công việc phòng, chống dịch còn kéo dài chứ không phải chỉ 1 – 2 tháng.
“Trung Quốc trải qua 12 tuần, Italia mới được 4 tuần mà chưa lên tới đỉnh điểm. Mỹ mới được tuần thứ 2, Tây Ban Nha tuần thứ 3, Malaysia tuần thứ 2, Campuchia tuần thứ nhất, Lào tuần thứ nhất. Nga mới tuần thứ 2. Một loạt nước mới ở tuần thứ 2, có nghĩa là còn nối tiếp nhau, còn dai dẳng và còn rất dài”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, hiện nay có nước đã cảnh báo và thiết quân luật đến hết tháng 6/2020. Vì thế, cần phải chuẩn bị phương án cho dài hạn chứ không phải chỉ trong ngắn hạn.
Ông Chung cũng cảnh báo, nếu dịch bệnh diễn ra ở các nước kém phát triển thì mức độ tàn phá còn lớn hơn bởi đáp ứng y tế kém hơn, sinh hoạt cộng đồng cũng kém, dẫn đến các hệ lụy lớn.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hiện vẫn có thông tin cho rằng người trẻ cỏ thế tự khỏi bệnh này, nhưng “câu chuyện tự khỏi là rất khó khăn, tự khỏi là không có”.
“Ở Pháp người tử vong trẻ nhất là 17 tuổi, đang rất khỏe mạnh mà tử vong. Dịch bệnh này đang lây nhiễm không trừ một độ tuổi nào. Chỉ có điều nếu người già có bệnh nền thì tỷ lệ tử vong cao hơn”, ông Chung nói.
Ông Chung cho rằng, phải tuyên truyền để người dân biết, tránh tâm lý chủ quan, thấy mình không có hiện tượng gì sẽ không đi xét nghiệm, nhưng nhiều khi đã ủ bệnh rồi.
Thực tế cho thấy, vừa qua nhiều nhân viên nấu ăn trong Bệnh viện Bạch Mai khỏe mạnh bình thường nhưng xét nghiệm lại dương tính. Hay như các trường hợp ở Hoài Đức, Thanh Oai, do đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai thì mới đi xét nghiệm, chứ không người vẫn khỏe mạnh bình thường.
Ông Chung cho biết dịch bệnh tác động rất lớn đến tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, nếu diễn ra trong dài hạn thì tác động rất lớn.
“Ví dụ như hệ thống giáo dục, học sinh chắc chắn không thể đi học trước tháng 4 với tình hình thế này. Ngành Hàng không đầu tháng 3 còn tưng bừng nhưng hiện nay 97% đã dừng, nửa triệu lao động thất nghiệp ngay lập tức. Hay toàn bộ ngành Dịch vụ khách sạn đã không có công ăn việc làm. Dịch bệnh diễn ra nhanh, tác động đến kinh tế- xã hội rất nhanh. Nó nằm ngoài tất cả những gì chúng ta đã nghĩ và đã học”, ông Chung nói.
Ông Chung cho rằng, cần cái nhìn thực tiễn hơn, quan sát tình hình thế giới và Việt Nam nghiêm túc hơn để nhận thức rõ diễn biến dịch bệnh, nguy cơ, dự báo được để có hành động đúng.
“Nếu không dự báo đúng thì sẽ đi sai đường, sai phương pháp. Mà nếu sai phương pháp thì sẽ trả giá bằng chính sinh mạng của người dân, người thân của chúng ta. Phải ý thức được, với dịch bệnh này nếu không làm quyết liệt sẽ trả giá bằng mạng sống chứ không phải là kinh tế”, ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội nêu thực tế, dịch bệnh đang tạo ra khủng hoảng về y tế, các nước đang thiếu thốn về y tế. Vì vậy, phải rà soát lại, ngành Y tế chuẩn bị như thế nào, không chỉ trước mắt cho phòng chống dịch bệnh mà còn đáp ứng khám chữa bệnh trong thời gian dài cho người dân.
Ông Chung nhắc lại, hiện nay đang bước vào giai đoạn phức tạp và nghiêm trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Như ở TP HCM đã kiểm soát tốt ổ dịch là quán bar Budda. Ở Hà Nội, ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai rất nguy hiểm. Thậm chí, có nhiều người từ Bệnh viện Bạch Mai đã bay ra bay vào TP HCM, các tỉnh từ ngày 9/3 đến nay.
“Rất có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các ca nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai, lây nhiễm ra người bệnh, người nhà, người khác chỉ trong thời gian ngắn thôi. Rất có thể, mà việc này nhìn thấy hiển hiện chứ không còn nghi ngờ gì nữa”, ông Chung nói.
Ông Chung phân tích, nếu đã lây lan và phát tán thì sẽ rất nhanh. Những người vừa qua đã ra xã hội thì còn đang âm ỉ, chưa phát bệnh ra. Trên địa bàn thực sự là nguy cơ tiềm tàng có thể lây nhiễm cho rất nhiều người. Thực tế đã có bệnh nhân 36, rồi bệnh nhân ở Lai Châu, rồi nhân viên Cty Trường Sinh về lây cho vợ…
“Quan điểm là phải hành động nhanh chóng và dứt khoát. Dịch không cho phép thời gian để bàn, không có nhiều thời gian để bàn. Nếu có yếu tố tiếp xúc với người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, người trong Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân với người nhà bệnh nhân, với người đi thăm là phải nghĩ ngay con đường lây đến mình. Thì phải dứt khoát đưa đi cách ly, phải tự giác ngay”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý: “Các đồng chí chưa nghĩ đến một nhóm đối tượng. Ví dụ, tôi có người quen trong đó, hay lãnh đạo cấp sở có bố mẹ ở trong đó, trách nhiệm là vào thăm thôi. Người thì rõ ràng bình thường nhưng có khi lây đến cả thành phố. Liệu có cái này không. Tôi tin là có nhiều. Hay là những trường hợp bố mẹ của những người đang làm việc này, đến thăm từ ngày mùng 9/3. Có không, tôi tin là có chứ, không loại được. Số này phải cách ly ngay và lập tức. Không có thời gian để bàn luận. Nếu có yếu tố đó thì cách ly ngay và lập tức để giữ cho mình và tránh cho người thân. Hành động phải nhanh và dứt khoát”.
Ông Chung cũng lưu ý, nếu không hành động nhanh thì không kịp với diễn biến của dịch. Thời gian vừa qua các quận, huyện đã làm rất tốt. Khi điều tra được các F1, F2, liên quan đến các đơn vị khác thì trao đổi qua viber, zalo. Ở tỉnh khác thì gọi điện trực tiếp.
“Tôi biểu dương Thanh Oai và Chương Mỹ, phát hiện các trường hợp người nhà của bệnh nhân là gọi điện ngay cho Quảng Ninh. Có 7 trường hợp F1 ở Quảng Ninh. Nếu chần chừ thì lại phát tán ra các tỉnh rất nhanh. Các đồng chí cứ tự động chuyển thông tin cho nhau và triển khai xác minh cách ly ngay lập tức”, ông Chung chỉ đạo.