Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp, Quốc hội đã phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình Biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn.
Không để thiếu điện, gỡ khó cho ngư dân
Chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8 và giao nhiệm vụ cụ thể cho 4 lĩnh vực đã chất vấn. Đối với lĩnh vực NN&PTNT, Quốc hội yêu cầu có giải pháp hiệu quả thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền trong xây dựng nông thôn mới; sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong hỗ trợ đóng tàu; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách. Tăng cường ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp.
Với lĩnh vực Công Thương, Quốc hội đề nghị năm 2020, hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Sang năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện; khẩn trương rà soát, xử lý những bất cập trong quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời; khẩn trương kiểm tra, đánh giá để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý.
Rà soát các quy định về văn bằng, chứng chỉ
Đối với lĩnh vực Nội vụ, Quốc hội yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm; nghiên cứu chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Đối với lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Quốc hội yêu cầu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016; tiếp tục khẩn trương triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Khẩn trương ban hành quy định của pháp luật để quản lý hoạt động của tạp chí điện tử; trong năm 2020, ban hành hướng dẫn về liên kết trong hoạt động báo chí.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; xử lý nghiêm tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí…
“Có nhân sự đáp ứng được yêu cầu, Quốc hội sẽ phê chuẩn”
Chiều 27/11, tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự tại Bộ Y tế sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm. Về việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội chỉ là cơ quan phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, khi nào Thủ tướng chọn được bộ trưởng và đề nghị Quốc hội phê chuẩn, thì Quốc hội sẽ phê chuẩn. Ông Phúc nói thêm, vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được phân công phụ trách Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. “Khi nào có nhân sự đáp ứng được yêu cầu thì Quốc hội phê chuẩn. Còn thời gian nào thì do Chính phủ đề xuất”, ông Phúc nói.