Chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị, đánh giá đúng về chủ quyền biển đảo để có quyết sách đúng. Ảnh: Như Ý.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị, đánh giá đúng về chủ quyền biển đảo để có quyết sách đúng. Ảnh: Như Ý.
TP - Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội ngày 1/4, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề nghị, các lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước sau khi được QH bầu cần tuyên thệ khẳng định quyết tâm trong việc chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Xâm phạm chủ quyền ngày càng tăng

Theo ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam), việc báo cáo của Chính phủ, của các cấp ngành có liên quan đánh giá: Chủ quyền an ninh quốc gia, chủ quyền biển đảo được giữ vững là chưa đúng. Thực tế, có quốc gia đang ra sức biến đảo ngầm thành đảo nổi rồi xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích ra. Quốc gia đó cũng luôn o ép, cướp bóc, thậm chí là giết hại ngư dân Việt Nam. “Những hành vi đó không thể có từ nào khác hơn là xâm hại nghiêm trọng chủ quyền quốc gia”, ông Lai nói.

“Cái tên Diên Hồng ở hội trường này bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử  minh chứng cho một chân lý hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn chống lại những kẻ ngoại xâm mạnh hơn, cuối cùng chúng ta đã thắng lợi vì nuôi dưỡng và tập hợp được lòng yêu nước của toàn dân, khối đại đoàn kết dân tộc”. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Vị ĐB này đưa ra một cảnh báo hết sức nguy hiểm là tần suất vi phạm chủ quyền biển đảo dường như đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Cụ thể, nếu như trước đây, chủ quyền nước ta bị xâm phạm với tần suất 20 năm/một lần thì tần suất xâm phạm đó, gần đây ngày càng  nhanh. “Nếu chúng ta cứ nghiễm nhiên ngồi đây đánh giá là đã bảo đảm chủ quyền quốc gia thì liệu điều đó đúng không? Tôi thiết tha đề nghị xem xét lại vấn đề này. Chỉ có đánh giá đúng, chúng ta mới có chủ trương và kế sách đúng”, ông Lai đề xuất.

Theo ông Lai, Việt Nam sẽ không phát động chiến tranh, tránh đối đầu quân sự, nhưng việc đánh giá đúng là rất quan trọng. “Trong kháng chiến, người ta hỗ trợ chúng ta súng đạn, nhân lực, chúng ta hoan nghênh, cảm ơn… Nhưng bây giờ người ta có những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia thì chúng ta phải phản đối, chứ nhân dân không đồng tình đâu. Chúng ta phải có thái độ đúng đắn, thái độ đầy đủ thì mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử”, ông Lai nói và đề nghị, những lãnh đạo, cán bộ tới đây được QH bầu và phê chuẩn vào các cơ quan Nhà nước phải chống cho được giặc nội xâm (tham nhũng) và giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. “Chỉ cần làm được hai việc đó thì nhân dân sẽ tôn vinh các đồng chí lên đỉnh cao của lịch sử và sẽ không bao giờ quên”, ông Lai nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị, phải xác định cho đúng: ta, bạn, thù. Theo ông Nghĩa, ta chính là dân tộc Việt Nam, là nhân dân. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam  toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Thù là thế  lực thù địch đang cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và  an ninh của đất nước. Theo ông Nghĩa, nếu xác định không đúng “ta, bạn và thù” thì có khi, thay vì thêm bạn bớt thù, thì lại thêm thù bớt bạn. Coi bạn là thù, coi thù là bạn. Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta.

Không sợ mất cán bộ mới chống được tham nhũng

Đề cập đến nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) khẳng định, đó phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của năm 2016, cũng như nhiệm kỳ QH khóa XIV. “Tham nhũng, lãng phí đang thực sự là mối nguy đến sự hưng thịnh của quốc gia. Tham nhũng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm khác như tham nhũng về chính sách, cán bộ... Tham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết vững chắc, không chỉ ở một cấp, một ngành mà ngày càng đông hơn. Tham nhũng ở một khía cạnh nào đó đã trở thành việc bình thường, trở thành một thông lệ ở một số ngành, thật nguy hiểm cho quốc gia”, ông Hùng phản ánh.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, khi cơ chế “xin-cho” vẫn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu, vì đã “xin” phải có cái gì đó mới “cho” được. “Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt câu hỏi “cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy chạy ai, ai chạy?”. Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến, không cần phải “chạy” đến như hôm nay”, ông Tiến nói.

Chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm ảnh 1

ĐB Nguyễn Công Hồng cho rằng muốn chống được tham nhũng, lãng phí thì phải từ trên xuống và phải từ trong ra ngoài. Đặc biệt, không được sợ mất cán bộ. Ảnh: Như Ý.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, muốn chống được tham nhũng, lãng phí thì phải từ trên xuống và phải từ trong ra ngoài. Đặc biệt, không được sợ mất cán bộ. “Tôi nghĩ mất một vài cán bộ có thể rất đau xót nhưng để làm gương cho nhiều người, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì giá đó tuy có đắt nhưng xắt ra miếng và rất đáng làm”, ông Hồng nói.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị: “Tới đây, sau khi được QH bầu, tân Thủ tướng Chính phủ cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng có những tuyên bố rất rõ ràng, rất mạnh mẽ trước tình hình biển Đông”.

“Trên rải thảm, dưới rải đinh”

Đề cập đến vấn đề tạo lập môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh, ĐB Lê Như Tiến cho rằng, những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng đang bị khâu thực hiện vô hiệu hóa. Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng; một số người thi hành công vụ vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn… làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. “Đến nỗi trong thảo luận về kinh tế - xã hội, có ĐB phải thốt lên, đất lành chim đậu nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”, ông Tiến ví von.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị tiếp tục rà soát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch và công bằng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.