Chư Păh vươn mình phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù đại dịch COVID-19 khiến kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện Chư Păh cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nên tính đến giữa nhiệm kỳ của huyện đã đạt được nhiều kết quả vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Chư Păh là địa phương có nhiều lợi thế về du lịch khi được được thiên nhiên ưu đãi cho núi lửa Chư Đăng Ya, hàng thông cổ thụ, bạt ngàn Biển Hồ Chè, chùa Bửu Minh. Đây là cụm danh lam thắng cảnh nổi tiếng, chỉ cách phố núi Pleiku hơn chục cây số. Thắng cảnh của Chư Păh có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Biển Hồ Chè có từ thời Pháp nổi tiếng của cao nguyên lúc bấy giờ. Người Pháp đã trồng lên hàng thông từ thời ấy, với tuổi đời hơn 100 năm; chùa Bửu Minh - ngôi chùa được xây dựng rất sớm ở Gia Lai. Dấu cũ, chuyện xưa khiến thắng cảnh này luôn được du khách tìm đến khi đặt chân đến Gia Lai. Rồi Thủy điện Ia Ly, hay suối đá đĩa mới phát hiện ở thị trấn Ia Ly cũng là một điểm đến hấp dẫn của huyện Chư Păh.

Chư Păh vươn mình phát triển ảnh 1

Chùa Bửu Minh có lịch sử lâu đời nhất ở Gia Lai bên đồi chè bạt ngàn. Ảnh: Nguyễn Quốc Vĩnh

Từ Kế hoạch số 143 ngày 10/12/2021 của UBND huyện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 5 năm giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung triển khai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hướng đi đúng đắn cùng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương mà huyện đã đạt được những kết quả vượt bậc. Cụ thể, tổng diện tích các loại cây trồng đến tháng 6/2023 là 26.963,4 ha đạt 99,7%% so với kế hoạch huyện, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện để làm cơ sở triển khai thực hiện hằng năm, bởi vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 19 sản phẩm của 8 chủ thể sản xuất, qua đánh giá đạt 18 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện và 1 sản phẩm đạt 4 sao đã được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá đạt theo quy định.

Huyện đã trồng mới được 758,43 ha rừng (rừng sản xuất 11,79 ha, rừng phòng hộ 238,51ha, ngoài quy hoạch 186,34 ha) và 172.000 cây phân tán các loại. Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổng giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 3.578,81 tỷ đồng, tăng 1,05 lần so với giữa nhiệm kỳ trước, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện đã được cơ quan thẩm quyền cho 7 doanh nghiệp thuê 18,56 ha để thực hiện 6 dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp, tăng 6,07ha, nâng tỷ lệ lấp đầy đất xây dựng nhà máy công nghiệp lên 49,9%.

Đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.433,24 tỷ đồng, tăng 1,63 lần so với giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Cũng trong giai đoạn này, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động từ các nguồn vốn đầu tư khác đã tập trung đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp để thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa mặt đường các tuyến đường do huyện, xã quản lý. Nhìn chung các công trình hạ tầng giao thông sau đầu tư đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Tính đến giữa nhiệm kỳ (số liệu đến 31/5/2023) tổng thu ngân sách huyện hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2023 được 123,63 tỷ đồng, đạt 74,03% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Hoạt động văn hóa-thông tin đã tập trung tuyên truyền việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chính trị và các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của huyện, tỉnh. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Đến nay huyện có 16.809/20.017 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt 80.4%, tăng 3.4% so với đầu nhiệm kỳ; 104/109 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, đạt 95.4%, tăng 5.4% so với đầu nhiệm kỳ.

Đặc biệt, huyện luôn quan tâm tới bảo tồn phát triển văn hoá của người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, qua thống kê, huyện còn lưu giữ 346 bộ cồng chiêng với 5.116 chiếc; 22 đội nghệ nhân cồng chiêng, có 3 nghệ nhân ưu tú, 4 lễ hội truyền thống còn lưu giữ (lễ bỏ mả, lễ cúng giọt nước, đâm trâu và lễ mừng lúa mới); 71 nhà rông, 3,584 nhà sàn, 44 hội trường thôn, 36 nhà sinh hoạt cộng đồng... Huyện cũng đã duy trì và bảo tồn 275 bộ cồng chiêng; 22 đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang; 67 nhà rông (41 nhà rông truyền thống; 26 nhà rông văn hóa); 25 nhà sinh hoạt cộng đồng; 43 hội trường thôn; phục dựng 1 nhà sàn; 1 nhà mồ; 02 nhà văn hóa cấp xã (Ia Nhin, Ia Khươl).

MỚI - NÓNG