Vụ người Trung Quốc giấu mặt mua gom đất Đà Nẵng:

Chủ nhân 12 lô đất biệt thự ở... nhà cấp bốn

Căn nhà cấp 4 tại thôn Dương Sơn của gia đình anh Lý Phước Cang.
Căn nhà cấp 4 tại thôn Dương Sơn của gia đình anh Lý Phước Cang.
TP - Người đứng tên sở hữu 12 lô đất vệt biệt thự ven biển, xung quanh khu vực sân bay Nước Mặn là anh Lý Phước Cang (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng). Thực tế, gia đình anh đang ở trong căn nhà cấp 4.

Việc mua đất ven biển không có gì trái pháp luật. Vì thế, cơ quan chức năng làm bìa đỏ cho người dân là điều không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, khi thành phố đã “khoanh vùng nhạy cảm”, lập danh sách những người sở hữu bất thường nhiều lô đất đẹp nghi người Trung Quốc góp tiền đầu tư thì chắc chắn, cần phải xem lại quy hoạch và cách thức quản lý chuyện mua đất như thế này.

Người thân bất ngờ

Căn nhà cấp 4 của gia đình anh Lý Phước Cang nằm sâu trong thôn Dương Sơn. Vợ chồng anh đang sống cùng với cha mẹ. Bà Nguyễn Thị Vọng, mẹ anh Cang rất bất ngờ khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện con trai bà sở hữu 12 lô đất vệt biệt thự xung quanh sân bay Nước Mặn, trị giá hàng chục tỷ đồng. Bà coi đó là chuyện đùa, ai đó dựng lên nói cho vui.

“Làm chi có chuyện đó. Không bao giờ tui tin. Tiền đâu mà nó mua” – bà Vọng nói. Bản thân con trai làm lương tháng chưa tới 5 triệu, vợ làm hộ lý bệnh viện. Lương hai vợ chồng chưa đủ nuôi con, xăng xe, lễ lạt cưới hỏi, mua một lô nhỏ làm nhà còn khó, đừng nói chuyện mua 12 lô.

Bà Vọng tiết lộ, mới đây Cang còn vay tiền để đi mua xe máy. Bản thân gia cảnh của bà Vọng cũng khó khăn, hiện số nợ ngân hàng 20 triệu vay từ năm 2006 tới nay mới chỉ trả được 2 triệu. Nhìn ngôi nhà, vườn tược của cả gia đình, chúng tôi không thể tin được rằng, con trai bà Vọng đang là tỷ phú.

Khi chúng tôi đưa danh sách có 12 cái tên Lý Phước Cang đứng chủ 12 lô đất biệt thự ven biển, bà Vọng lặng người. “Không thể tin nổi. Cái này để tôi hỏi lại nó. Trước tới nay có bao giờ nghe nói đâu, cả nhà không ai biết hết. Nếu có thật thì khả năng nó đứng tên mua cho ai đó thôi”. Những người thân của anh Cang như em gái anh, những người hàng xóm, tỏ ra rất ngỡ ngàng khi có người trong thôn Dương Sơn lại sở hữu tài sản lớn như thế, đặc biệt là anh Lý Phước Cang.

Bà Nguyễn Thị Tánh – trưởng thôn Dương Sơn xác nhận với chúng tôi, mặc dù không phải hộ nghèo, cận nghèo nhưng quả thật nhà bà Vọng rất khó khăn. Hiện cả nhà cũng đang ở tạm trên mảnh đất của ông bác bên ngoại.

“Mua đất cho một người ở Hà Nội” 

Sáng qua, khi tới nhà anh Cang, anh đang bận đi làm. Kết nối liên lạc qua điện thoại, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, anh Cang thừa nhận anh mua 12 lô đất biệt thự ven biển. “Tôi mua bằng tiền của tôi chứ của ai. Tiền của gia đình tôi”. Khi chúng tôi cho biết đang đứng ở nhà anh và hỏi về câu chuyện có hay không người Trung Quốc “bơm tiền”. Anh Cang khẳng định: “Không! Không hề có chuyện đó”.

Phải đến khi em gái anh Cang gọi điện thắc mắc vì sao mua tới 12 lô đất mà gia đình không biết, lúc đó anh Cang mới chủ động gọi lại cho bà Nguyễn Thị Tánh (trưởng thôn) để phân bua. Bà Tánh kể lại nội dung cuộc điện thoại, cho biết Cang thừa nhận đứng tên mua đất giùm cho người khác, tuy nhiên đó là một người ở Hà Nội chứ không phải của người Trung Quốc.

“Cang thừa nhận với tôi, đó là mua cho một bà chị ở Hà Nội và Cang đã làm thủ tục chuyển nhượng lại hết rồi, không còn đứng tên lô nào nữa” – bà Tánh nói. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, liệu là một người Việt Nam, pháp luật không cấm mua đất, sao lại phải nhờ một người khác sở hữu giùm 12 lô đất trị giá hàng chục tỷ, bà Tánh cũng cho rằng, có chuyện gì rất phi lý ở đây.

“Thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi, tôi sẽ tìm cách nói với Cang, khuyên cháu nó, nếu đứng tên mua giùm cho ai là người Việt thì được chứ mua giùm cho người Trung Quốc thì không nên”, bà Tánh nói.

MỚI - NÓNG