Chủ dự án tranh “Cội Xưa” trốn nợ

Bà Phạm Thị Hoài thuyết trình về bức tranh trong buổi lấy ý kiến các nhà khoa học và mỹ thuật, ngày 15/5/2010. Ảnh: Trần Thanh
Bà Phạm Thị Hoài thuyết trình về bức tranh trong buổi lấy ý kiến các nhà khoa học và mỹ thuật, ngày 15/5/2010. Ảnh: Trần Thanh
TP - Bức tranh thêu “Cội Xưa” - một sản phẩm văn hóa từng chạy đua làm quà tặng đại lễ ngàn năm Thăng Long – đang để lại cả núi nợ nần cho nghệ nhân và thợ thêu cũng như gây nhiều hệ lụy cho làng thêu 700 năm tuổi nổi tiếng miền Bắc: Văn Lâm (thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Đổ nợ vì tin tác giả tranh khủng

Cty Cội Xưa (từ tháng 5/2010 về trước mang tên doanh nghiệp Hoài Anh) đưa ra ý tưởng làm tranh Cội Xưa như một sản phẩm văn hóa của tỉnh Ninh Bình chào mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long.

Tranh mang chủ đề tái hiện lịch sử cố đô Hoa Lư, khổ lớn 5,5x31m, thêu trên nền vải line, do các nghệ nhân làng thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thực hiện.

Kinh phí sản xuất bức tranh được Cty Cội Xưa dự toán khoảng hơn 4,8 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng một nửa, vốn tự có 1,5 tỷ đồng, xin UBND tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 1 tỷ đồng.

Chủ dự án tranh “Cội Xưa” trốn nợ ảnh 1

Ông Vũ Thanh Luân bị tác giả Cội Xưa lừa 160 triệu đồng

Ngày 4/5, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Thanh Luân – trưởng ban chấp hành làng nghề Văn Lâm bày tỏ nỗi bức xúc vì người đứng ra thực hiện bức tranh Cội Xưa đã cao chạy xa bay, để lại cho ông món nợ không biết bao giờ thu hồi được:

“Khoảng cuối năm 2009, chị Phạm Thị Hoài – giám đốc Cty Cội Xưa đăng ký trụ sở tại Hoa Lư, Ninh Bình đã đến nhà tôi, và cho biết sẽ thực hiện bức tranh thêu mang tên Cội Xưa để tặng Thành phố Hà Nội nhân đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhờ tôi giúp đỡ về nguyên vật liệu, đóng góp ý kiến và kêu gọi nghệ nhân thêu giỏi.

Tôi vốn có quen biết sơ sơ với người nhà của chị Hoài, lại nghĩ việc làm tranh này sẽ góp phần quảng bá tôn vinh làng nghề thêu Văn Lâm, nên tôi đồng ý ngay. Bức tranh được thực hiện cả năm trời tại Ninh Bình, với hàng chục nghệ nhân, công nhân, trong đó hơn nửa năm gia đình tôi nuôi cơm các họa sỹ và nghệ nhân phác thảo bức tranh tại nhà tôi”.

“Vin vào một sản phẩm văn hóa, nhân danh nó để làm những điều trái đạo đức, đó là chị Phạm Thị Hoài - một người không thể chấp nhận”.

Ông Vũ Thanh Luân

Đặc biệt, chị Phạm Thị Hoài đã vay tiền ông Luân nhiều lần, tổng số tiền mặt và chi phí mua vật liệu (chỉ thêu) mà ông Luân bỏ ra cho chị Hoài và êkip là khoảng 160 triệu đồng. Ông Luân đã nhiều lần liên lạc đòi nợ nhưng không thu được. Trong quá trình thêu và mãi đến bây giờ, nhiều nghệ nhân và công nhân làng thêu Vân Lâm vẫn chưa được trả tiền công.

Ông Luân nói, việc thiếu nợ của Phạm Thị Hoài làm mất uy tín cá nhân ông trong làng nghề và gây khó khăn cho ông về vốn sản xuất.

Tranh dở, không chịu sửa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bức tranh ban đầu nhận được sự đồng ý về chủ trương đài thọ một phần kinh phí từ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Sau đó, lãnh đạo tỉnh và Sở VH, TT&DL Ninh Bình yêu cầu tác giả bức tranh và Cty Cội Xưa chỉnh sửa rất nhiều chi tiết thiếu xác thực và thiếu sinh động ở bức Cội Xưa, ví dụ bức tranh chỉ có lác đác vài con người, lá cờ Thái Bình của đền Đinh và cờ Thiên Phúc của đền Lê chưa đúng, phong cảnh xưa và phong cảnh nay lẫn lộn, tính nghệ thuật chưa cao…

Ngay tại cuộc họp ở trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình tháng 1/2010, nhiều ý kiến sở ban ngành đã cho rằng phác thảo bức tranh mang tính “đơn tuyến bình đồ”, là kiểu phác thảo chỉ dành cho tranh khắc, không phải tranh thêu.

Mặt khác, thợ thêu vừa thêu vừa sáng tác thêm trên tranh là không chuyên nghiệp và gây mất uy tín làng thêu Văn Lâm. Lãnh đạo tỉnh kết luận: Bức tranh Cội Xưa không phải là sản phẩm đặt hàng của tỉnh Ninh Bình gửi tặng Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội nhân đại lễ ngàn năm Thăng Long.

Tuy nhiên, nhằm phát triển làng nghề, tỉnh vẫn bố trí 1 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện bức tranh Cội Xưa. Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp Hoài Anh (Cty Cội Xưa) trả nợ ngay tiền công cho người lao động, tranh khiếu kiện phức tạp do nợ nần.

Nghệ nhân và nhân công làng thêu bị nợ đầm đìa kéo dài, phải đi khiếu nại, khiến tỉnh Ninh Bình phải nhắc nhở Cty: Nếu năng lực tài chính không có thì nên dừng thực hiện bức tranh. Tuy nhiên sau đó, nó vẫn được hoàn thành, rồi không ai rõ nó được mang đi đâu.

Không biết tranh đã đi đâu

Cách đây 4 năm, ngày 15/5/2010, PV Tiền Phong dự buổi góp ý kiến cho bức tranh Cội Xưa do Hội Truyền thông Hà Nội và Cty Cội Xưa tổ chức tại số 185 Giảng Võ - Hà Nội.

Buổi góp ý có sự hiện diện của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo. Các ý kiến đánh giá cao tinh thần vì Thăng Long của những người thợ đất Hoa Lư, với bút pháp dân gian mộc mạc đã mô tả phần nào bối cảnh tươi đẹp thanh bình của Hoa Lư. Ông Bảo và ông Phúc đã phát hiện nhiều chi tiết sai và bất hợp lý về mỹ thuật và lịch sử của bức tranh.

Nghệ nhân và nhân công làng thêu bị nợ đầm đìa kéo dài, đành đi khiếu nại, khiến tỉnh Ninh Bình phải nhắc nhở Cty: Nếu năng lực tài chính không có thì nên dừng thực hiện bức tranh. Tuy nhiên sau đó, nó vẫn được hoàn thành, rồi không ai rõ nó được mang đi đâu.

Theo nhiều nghệ nhân Văn Lâm, bà Phạm Thị Hoài trú tại phường Phúc Thành, TP Ninh Bình, không phải là người thôn Văn Lâm, cũng không biết gì về nghề thêu. Trước khi đến với tranh thêu, bà Hoài đã nhận nhiều tiền của nhiều người lao động để lo cho họ xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhưng công việc không thành, bà Hoài bị vỡ nợ.

Vậy, sau đó bức tranh đã đi đâu, được bán hay trao tặng, và bây giờ được treo ở đâu? Để trả lời những thắc mắc này, chúng tôi hỏi nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo – người được mời dự góp ý cho bức Cội Xưa.

Nhưng ông Bảo cho biết: “Tôi cũng không biết sau đó nó đi đâu. Gần đây có người nói nó đã được mua với giá cao. Nhưng rồi lại có thông tin không bán được vì tranh mắc một số lỗi, và chị Hoài đã chuyển nhiều nghề”.

PV liên lạc với số máy được Cty Cội Xưa kê khai trong đăng ký kinh doanh, nhưng không ai trả lời.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Hội Truyền thông Hà Nội – đơn vị mời báo chí dự cuộc lấy ý kiến cho bức tranh (diễn ra tháng 5/2010), ở số điện thoại 043. 5123194 nhưng đáp lại chỉ là âm báo của máy fax.

MỚI - NÓNG