Chủ động thích ứng trước khủng hoảng, hàng không Việt đồng lòng vượt khó

Hiện trạng đặt ra yêu cầu cấp thiết, trong đó doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để tìm ra những giải pháp thích hợp
Hiện trạng đặt ra yêu cầu cấp thiết, trong đó doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để tìm ra những giải pháp thích hợp
Các chuyên gia cho rằng các giải pháp hỗ trợ hàng không cần mang tính thị trường, công bằng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hàng không cùng đoàn kết, nỗ lực vượt qua khủng hoảng.

Sáng 26/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) phối hợp với Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ (SETI) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe báo cáo, tham luận và ý kiến về thực trạng, cùng tìm giải pháp để đưa hàng không Việt Nam vượt khủng hoảng Covid-19. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhận định, chủ trương phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam là “hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân”. Do đó, các hoạt động vận tải hàng không trong nhiều tháng đã phải ngừng quyền lợi vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương “giãn cách xã hội”, “khoanh vùng dập dịch”.

Cùng lúc đó, các doanh nghiệp hàng không, các tổ chức kinh tế - xã hội trong ngành hàng không Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng ngành hàng không vẫn đang đứng trước những khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn đang bị đình trệ.

Do vậy, hiện trạng đặt ra yêu cầu cấp thiết, trong đó doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để tìm ra những giải pháp thích hợp.

Sức bật tổng lực

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Bamboo Airways đã phát biểu trình bày những khó khăn, vướng mắc trong khủng hoảng, nỗ lực vượt khó cũng như đề xuất giải pháp khắc phục thách thức, phục hồi hoạt động trong giai đoạn tới của Hãng hàng không.

Cụ thể, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải cho biết Covid-19 xảy đến ngay trong giai đoạn Hãng bay này đang đạt trên đà phát triển nhanh và mạnh mẽ. Chỉ sau hơn một năm tính từ ngày khai thác chuyến bay đầu tiên, hãng đã vận chuyển 6 triệu lượt khách an toàn tuyệt đối trên 53 đường bay nội địa và quốc tế. Bamboo Airways đã được khách hàng và truyền thông bình chọn là Hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất, hãng hàng không khu vực dẫn đầu châu Á.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, Bamboo Airways đã chịu nhiều thiệt hại lớn về doanh thu, do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá nội địa cũng như quốc tế sụt giảm.

Để góp phần hỗ trợ khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và phát triển bền vững sau đại dịch, về cơ chế chính sách, đại diện Bamboo Airways kiến nghị: Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hãng hàng không các gói hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi, đơn cử như phương thức tái cấp vốn thông qua cho vay lại hồ sơ tín dụng; gia hạn cách chính sách miễn, giảm hoặc một số loại thuế, phí trong đó có phí cất hạ cánh, phí điều hành bay, thuế xăng dầu cho đến năm 2021, hay giãn một số loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế nhập khẩu trang thiết bị như tàu bay v.v…

Về cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Khắc Hải cũng đề nghị Chính phủ và các Cơ quan ban ngành liên quan có các giải pháp sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới hạ tầng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, như nâng cấp đường cất, hạ cánh ở Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; đồng thời hỗ trợ hãng bay trong việc mở rộng và phát triển quy mô đội tàu bay; đề xuất Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, cơ quan y tế, an ninh, quốc phòng… có cơ chế hỗ trợ xuất nhập cảnh, cách ly lưu trú đối với nhân lực của ngành hàng không.

“Chúng tôi mong muốn những giải pháp, hỗ trợ này không chỉ dành riêng cho Bamboo Airways hay bất cứ một hãng duy nhất nào, mà tiếp cận được tất cả các hãng hàng không nội địa, để tạo thành sức bật tổng lực cùng tiến trong toàn ngành”, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói.

Chủ động vượt khó

Ông Nguyễn Khắc Hải cũng cho biết, thời gian qua Bamboo Airways vẫn đã và đang tích cực, chủ động triển khai các giải pháp nỗ lực tự vượt khó.

Thứ nhất, Hãng chủ động huy động vốn để tăng cường năng lực tài chính, bao gồm huy động vốn từ các cổ đông lớn, trong đó có công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh các điều khoản tài chính cho phù hợp. Bên cạnh đó, Bamboo Airways luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án kinh doanh khả thi và tài sản bảo đảm.

Thứ hai, Bamboo Airways đã tích cực thương thảo với các đối tác, nhà cung cấp dịch vụ để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp, đảm bảo sức khỏe tài chính cho Hãng.

Thứ ba, Hãng đã tái hoạch định, tiếp tục củng cố mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của FLC.

Thứ tư, Hãng đã tích cực triển khai một loạt các sản phẩm, combo mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường và hành khách ở thời điểm đặc thù, cải thiện đáng kể doanh thu và đóng góp tích cực vào đà hồi phục chung của thị trường.

Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp nêu trên, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Bộ, ban, ngành chức năng, Bamboo Airways tự hào chứng minh sức bền dẻo dai và đà bứt tốc thuyết phục hậu Covid-19, không những khôi phục lại hoạt động của toàn bộ đội tàu, mà còn tăng số lượng tàu lên 26 tàu, tiến tới nâng lên ít nhất 30 tàu vào cuối năm nay.

Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể chỉ định cụ thể hai ngân hàng có tiền lực mạnh để họ có thể tham gia hỗ trợ cho ngành hàng không. “Sau 3-5 năm được trả lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp hàng không sẽ có thể vượt qua khó khăn”, bà Hồ Ngọc Yến Phương cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, cũng thừa nhận sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không, trong đó có hãng này. Đại diện Vietnam Airlines đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ ngành như duy trì và tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khủng hoảng của đại dịch.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị Nhà nước có giải pháp đặc biệt nhằm vực dậy ngành hàng không trong cuộc khủng hoảng lớn này, bởi đây là ngành không chỉ có vai trò quan trọng trong việc kết nối quốc tế mà còn phục vụ lợi ích chung của đất nước. PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng giải pháp đưa ra cần mang tính thị trường, công bằng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hàng không cùng đoàn kết, nỗ lực vượt qua khủng hoảng.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Tòa tháp 88 tầng sắp được gỡ vướng; người trẻ cần bao năm thu nhập để mua nhà 3 tỷ?
Địa ốc 24H: Tòa tháp 88 tầng sắp được gỡ vướng; người trẻ cần bao năm thu nhập để mua nhà 3 tỷ?
TPO - Tạm giữ đối tượng trả 30 tỷ đồng/m2 để 'phá' phiên đấu giá đất ở Sóc Sơn; Bình Định đấu giá khu đất Trung tâm đào tạo giao thông làm dự án 'nghìn tỷ'; Tòa tháp 88 tầng cao nhất TP.HCM sắp được gỡ khó; Người trẻ 9X cần 26 năm thu nhập để mua căn hộ 3 tỷ đồng;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 4/12.