Dự báo đến 16h ngày 29/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa.
Sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức khoảng 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Từ trưa nay, vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão cấp 8 – 9, giật cấp 10 – 11. Sóng biển cao 2 – 4m. Biển động rất mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp ba).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì họp khẩn cấp ứng phó bão số 4. Ảnh: Hoài Văn.
Bộ đội biên phòng và Chi Cục Khai thác & Bảo vệ thủy sản Bình Định cho biết: Hiện, 4.049 tàu hoạt động ven bờ đã vào khu neo đậu an toàn; 523 tàu hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa với 3.311 ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển từ Phú Yên – Bình Thuận, TT Huế - Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu – Kiên Giang đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tình hình các hồ chứa: Tổng dung tích các hồ 270/575 triệu m3, đạt 47% thiết kế, 86% cùng kỳ năm trước. Hồ Định Bình 151/349 triệu m3 đạt 43% thiết kế.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố từ chiều ngày 28/11 triển khai công tác ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-PCLB ngày 28/11/2014 chỉ đạo ứng phó với bão số 4.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo tất cả các địa phương, ban, ngành túc trực 24/24h xử lý kịp thời các tình huống.
Đặc biệt ưu tiên số 1 cho tàu thuyền, ngư dân. Nhận định tình hình các hồ chứa có nguy cơ thiếu nước cho mùa tới, tỉnh đề xuất phương phương án tích nước đối với các hồ chứa.
Ngư dân rốt ráo với mẻ cá cuối cùng trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Hoài Văn.
UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo lên phương án đảm bảo an toàn cho các vùng có nguy cơ sạt lở như An Lão, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, Hoài Ân. Đối với vùng có nguy cơ bị chia cắt triển khai phương án “bốn tại chỗ”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình tàu thuyền ứng phó bão số 4, tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Hòa Văn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo, cần nắm bắt và phản ứng linh hoạt, chủ động trong mọi tình huống. Đặc biệt chú ý đến an toàn của ngư dân và tàu thuyền. Lập tức thông qua lệnh cấm biển, đưa toàn bộ ngư dân và tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, kiểm tra các lồng bè và người dân sống ở các lồng bè đến nơi an toàn.
Đồng ý chủ trương vẫn cho đóng đập, tích nước đồng thời theo dõi chặt chẽ để kịp thời phản ứng. Bộ trưởng lưu ý không để tình trạng chết sau mưa, bão lũ đi qua nhưng người dân thì chết đói trên nóc nhà, cành cây. Do đó, tất cả các địa phương phải chuẩn bị phương tiện đến từng thôn xóm, chủ động ứng phó tại chỗ.