Vụ 40 nền móng biệt thự ở Sơn Trà:

Chủ đầu tư đưa phương án chống bùn, đất đỏ chảy xuống biển Tiên Sa

Từ nền móng 40 nền móng biệt thự “cày xới” bán đảo Sơn Trà, một khối lượng lớn bùn, đất đỏ chảy tràn xuống biển Tiên Sa. Ảnh Nguyễn Thành
Từ nền móng 40 nền móng biệt thự “cày xới” bán đảo Sơn Trà, một khối lượng lớn bùn, đất đỏ chảy tràn xuống biển Tiên Sa. Ảnh Nguyễn Thành
TPO - Chiều 20/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết: sáng ngày 20/7, Cty cổ phần biển Tiên Sa đã báo cáo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về giải pháp chống sạt lở tại 40 nền móng biệt thự của dự án khu nghỉ dưỡng biển Tiên Sa (tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng) do Cty này làm chủ đầu tư.

Để cụ thể hơn, chiều cùng ngày Sở xây dựng Đà Nẵng cũng đã làm việc với chủ đầu tư và nhà tư vấn về các giải pháp khắc phục này.

Theo đó, để khắc phục tình trạng sạt lở, bùn đất tràn xuống biển tại 40 nền móng biệt thự “cày xới” bán đảo Sơn Trà, chủ đầu tư sẽ tiến hành khắc phục tại các vị trí xung yếu để ngăn bùn đất, chảy xuống biển. Tuy nhiên theo ông Hùng mọi giải pháp đưa ra đang được bàn tính kỹ và phải khảo sát thực tế, cụ thể tại hiện trường. Trong vài ngày tới UBND TP sẽ có thông báo kết luận chính thức về việc này.

Chủ đầu tư đưa phương án chống bùn, đất đỏ chảy xuống biển Tiên Sa ảnh 1

Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, tại 40 nền móng biệt thự của dự án Khu nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa chưa có phép đã “cày xới” bán đảo Sơn Trà. Trong những ngày mưa lớn xuất hiện tình trạng bùn đất đỏ tràn xuống khu vực bãi biển Tiên Sa. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bãi biển này sẽ trở thành bãi bùn bởi lượng bùn đất quá lớn. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến rạng san hô và đa dạng sinh học quanh bán đảo Sơn Trà.

Ngay sau đó, ngày 14/7, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số văn bản 5319, yêu cầu Cty CP biển Tiên Sa (Chủ đầu tư dự án) đề xuất giải pháp, gửi Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND quận Sơn Trà và các đơn vị xem xét báo cáo UBND TP thống nhất trước ngày 20/7/2017 để triển khai thực hiện. Cũng trong ngày 14/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cũng đã có văn bản số 5320 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp chống sạt lở tại dự án Khu du lịch biển Tiên Sa.

Chủ đầu tư đưa phương án chống bùn, đất đỏ chảy xuống biển Tiên Sa ảnh 2

Ngày 19/3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (ngoài cùng, bên phải) trực tiếp kiểm tra hiện trường 40 nền móng biệt thự “cày xới” Sơn Trà và yêu cầu tạm dừng thi công.

Báo cáo Thủ tướng Chính Phủ, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: dự án Khu du lịch biển Tiên Sa (Thọ Quang, Sơn Trà, TP Đà Nẵng) hiện đang tạm dừng thi công theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng tại buổi kiểm tra thực tế ngày 19/3/2017.

Trên thực tế cho đến thời điểm tạm dừng thi công, chủ đầu đầu tư đã triển khai 40 móng biệt thự, hiện trạng mặt bằng thi công gồm nhiều vị trí đào xới dở dang, nguy cơ sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão sắp đến, vì vậy cần thiết phải có biện pháp khắc phục ngay. Qua những trận mưa cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra và được một số báo đã đề cập.

Chủ đầu tư đưa phương án chống bùn, đất đỏ chảy xuống biển Tiên Sa ảnh 3

Toàn cảnh khu vực 40 nền móng biệt thự “cày xới” bán đảo Sơn Trà

Hiện tại, UBND TP Đà Nẵng đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 6038 ngày 9/6/2017 của Văn phòng Chính phủ về rà soát các dự án trên bán đảo Sơn Trà, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2017. Để giải quyết tình trạng nêu trên, đặc biệt là nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, thống nhất chủ trương và giao UBND TP yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp chống sạt lở, trồng cây xanh để tôn tạo cảnh quan tại khu vực.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.