Tiết học Ngữ văn không có trong chương trình
Tiết học Ngữ văn của các học sinh lớp 8 Trường Phổ thông The Dewey (Hà Nội) diễn ra trong 45 phút nhưng học sinh vẫn “chưa thấy đã”. Bài học yêu cầu tìm hiểu Văn bản chính trị xã hội, cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Ngữ văn của trường, chia lớp thành 3 nhóm. Mỗi nhóm thảo luận sản phẩm của 2 nhóm còn lại. Sản phẩm của nhóm nào được nhiều bạn lựa chọn nhất được lên thuyết trình.
Với 3 văn bản được giao không nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 8 của Bộ GD&ĐT gồm Diễn văn Gettyburg của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln; ba bức thư gửi tới những người yêu chuộng hòa bình của Albert Einstein; vấn đề phương Đông và phương Tây của Phạm Quỳnh, các nhóm đã thay nhau thuyết trình. Dù chỉ có thời gian 10 phút nhưng những tư liệu, hình ảnh và thông tin các em mang lại đủ thấy công sức, năng lực tư duy cũng như khả năng diễn thuyết của mỗi nhóm.
Các thành viên còn lại của lớp phản biện, đánh giá sản phẩm và thậm chí “bật lại” luận điểm được các bạn đưa ra trong bài thuyết trình. Tiết học dường như không có khoảng cách giữa giáo viên - học sinh; học sinh - học sinh nên diễn ra rất nhanh khi tất cả học sinh được tham gia vào tiết học với vai trò chính, giáo viên chỉ là người gợi mở, “chữa khó” khi có em diễn đạt chưa thoát ý.
Tiết học Văn không có trong chương trình của Bộ GD&ĐT Ảnh: Nghiêm Huê |
Theo cô Thúy, để có được tiết học này, học sinh phải dành 1 tuần để tìm kiếm tư liệu, lựa chọn cách thể hiện và giáo viên cần thời gian 1 tiết nữa tổng hợp lại các ý kiến, chốt nội dung, kỹ năng học sinh cần đạt được.
Đề thi “đóng”, giáo viên không thể dạy “mở”
Đầu năm học, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các sở GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu. Đồng thời yêu cầu: “Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh”.
Cô Phương Nguyên, giáo viên Ngữ văn, Trường Marie Curie (Hà Nội) cho hay, năm nay là năm đầu tiên triển khai môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Khi tập huấn, cấu trúc đề kiểm tra đánh giá cơ bản không thay đổi. Nhưng việc không sử dụng văn bản có trong SGK để làm ngữ liệu cho đề thi có thể hạn chế triệt để tình trạng văn mẫu, học sinh tiếp thu thụ động.
“Cách đánh giá này chính xác hơn, phát huy được năng lực và sự chủ động của học sinh”, cô Nguyên nhận định. Cô khẳng định, việc đổi mới này sẽ phân hoá rõ khả năng cảm thụ văn học, diễn đạt của học sinh.
Cô Hoàng Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường The Dewey cho rằng, tình trạng văn mẫu tồn tại lâu năm trong nhà trường, khiến nhiều thế hệ học sinh ghét môn Văn - tiếng Việt vì không được thoải mái biểu đạt suy nghĩ của mình.
Theo đó, tư duy độc lập và sáng tạo, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của học sinh ít hoặc không được chú trọng trau dồi, rèn luyện. Học sinh chỉ viết được bài văn về tác phẩm đã ôn luyện, nếu gặp tác phẩm mới thì không biết làm thế nào để phân tích hay biểu đạt suy nghĩ của mình.