Quy hoạch vỡ trận, ùn tắc như “cơm bữa”
KTS Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vấn đề giao thông tại Hà Nội và các đô thị lớn luôn được quan tâm, có lẽ nó chỉ sau các vụ án hình sự. Không có đô thị nào nhiều quy hoạch như ở Hà Nội. Từ năm 1884, người Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội theo kiểu châu Âu, tạo ra các tuyến đường ô bàn cờ. Lần đầu tiên người Việt chúng ta được nhìn thấy tàu điện bên cạnh phương tiện xe kéo tay. “Nói như thế để thấy, tại sao khi Hà Nội chỉ có 6-7 vạn dân đã có 6 tuyến tàu điện công cộng, trong khi hiện nay Hà Nội đã 7,5 triệu dân vẫn chỉ có xe buýt. Vậy rõ ràng vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch giao thông đang có vấn đề”, ông Tùng nhìn nhận.
Ùn tắc tại Hà Nội hiện có nguyên nhân từ các nhà cao tầng, chính quyền cần đánh giá tác động giao thông của tất cả các công trình xây dựng. Công trình xây lên phải biết được chúng có tác động thế nào đến giao thông, khu vực lân cận, phát sinh bao nhiêu chuyến đi, loại phương tiện gì...”.
TS Khuất Việt Hùng
TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia thẳng thắn: “Thực ra, các quy hoạch của Thủ đô rất đẹp. Về mặt tính toán tôi cho rằng không có gì sai, vấn đề là cần làm đúng quy hoạch. Ùn tắc tại Hà Nội hiện có nguyên nhân từ các nhà cao tầng, chính quyền cần đánh giá tác động giao thông của tất cả các công trình xây dựng. Công trình xây lên phải biết được chúng có tác động thế nào đến giao thông, khu vực lân cận, phát sinh bao nhiêu chuyến đi, loại phương tiện gì...”, ông Hùng đề nghị.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ví von thực trạng ùn tắc tại Hà Nội như “cơm bữa”. Theo ông, chỉ cần mưa là lại tắc đường. Rồi các sự kiện, va chạm, khởi công, khánh thành... cũng vậy. Nhiều vấn đề cùng tác động vào gây ùn tắc kéo dài trên phố. Để giải mã ùn tắc, theo ông có 2 nguyên nhân cơ bản là hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. “Hơn nữa, chúng ta cần phải phân biệt được khái niệm ùn và tắc. Vì ùn và tắc rất khác nhau. Xe đi trên 15km/h gọi là đi chậm, đi dưới 15km/h gọi là ùn. Mà giao thông thì ùn là bình thường. Còn không đi được nữa mới gọi là tắc. Vụ ở cầu Tó vừa qua đúng là tắc thật”, ông Quang nêu quan điểm.
Giao thông hỗn loạn trên đường Tây Sơn - Chùa Bộc - Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Giành lại vỉa hè
Trong bối cảnh quy hoạch chưa thực hiện nghiêm, hạ tầng không thể mở rộng thêm… TS Khuất Việt Hùng cho rằng, việc đầu tiên có thể làm được ngay mà không phải đầu tư bất kỳ thứ gì là chính quyền giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Vì nếu mỗi vỉa hè rộng 2m - 2,5m dành cho người đi bộ thì giảm được số xe thường tập trung ở đó, người dân không phải lội xuống đường để đi. Về lâu dài, giải quyết ùn tắc bằng cả hai hướng: Phát triển vận tải công cộng và quản lý sử dụng xe cơ giới cá nhân. “Đừng mơ đến một đô thị văn minh mà đi đến đâu cũng có thể dùng ô tô, phải nghĩ đến đô thị có 80% người dân dùng vận tải công cộng (VTCC) thì mới văn minh. Hà Nội tắc đường nhưng cũng chưa quá tệ. Nhưng nếu không giải quyết được các vấn đề tôi vừa nói thì còn tệ hơn nhiều”, ông Hùng cảnh báo.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cái gì đã thuộc về quy hoạch thì phải làm nghiêm chỉnh. Không ít nơi quy hoạch bãi đỗ xe, rồi trở thành nhà hàng, trung tâm thương mại. Đó có phải là lợi ích nhóm hay không? Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Hạ tầng Giao thông, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội hướng nguyên nhân ùn tắc sang một vấn đề khác khi cho rằng, Thủ tướng đã phê duyệt về quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông đô thị Hà Nội rất rõ ràng. Trong quá trình triển khai, thành phố rất quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Nhưng đô thị đang phát triển hơi nhanh so với hạ tầng, dẫn đến ùn tắc.
Chốt vấn đề trên, ông Hà Huy Quang phát biểu, ùn tắc giao thông không dừng lại theo hướng mình nghĩ và muốn làm. Khu vực này giải quyết xong lại sẽ có thêm khu vực khác. “Trong 5 năm tới, chúng tôi phải phân luồng, tổ chức lại giao thông, trong đó có cả vỉa hè. Chúng tôi tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách liên tỉnh, đi lại cho hợp lý và theo đúng quy hoạch. Với những tuyến xe thường gây ùn tắc cho khu vực đường vành đai, chúng tôi sẽ cắt giảm. Các việc này từ giờ đến cuối năm nay phải thực hiện được”, ông Quang khẳng định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Hạn chế xe cá nhân, nói “cấm” là hỏng
Để giảm ùn tắc, theo các đại biểu dự buổi tọa đàm, việc kiểm soát xe cá nhân sớm muộn gì cũng phải làm. Tuy nhiên, theo KTS Phạm Thanh Tùng, cơ quan quản lý rất hay dùng từ cấm. Hà Nội từng cấm xe ngoại tỉnh vào Hà Nội, nhưng nếu các tỉnh khác cũng cấm ngược lại thì sao? Quyền công dân đã được hiến định, vì vậy chúng ta nên hạn chế chứ đừng cấm. Kiểm soát xe cá nhân mà cứ nói cấm là hỏng.
Đánh giá đề án hạn chế xe cá nhân của Sở GTVT Hà Nội đưa ra là nhanh và kịp thời, nhưng TS Khuất Việt Hùng cũng không đồng tình với một số câu, ý khi đặt vấn đề kiểm soát xe máy. Ông Hùng nêu thực tế, việc Hà Nội thực hiện phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm được người dân ủng hộ nhưng chính quyền rất lúng túng. Vì sau những tuần thực hiện đầu tiên, việc “cấm” quá nhiều đã khiến các tuyến phố đi bộ thiếu thân thiện, nhất là những hôm mưa, nắng. “Thay vì cấm trắng phương tiện, ta nên khuyến khích sử dụng loại xe phi cơ giới là xe đạp để thân thiện với môi trường và tạo điều kiện cho mọi người thuận tiện trong di chuyển”, ông Hùng đề nghị.
Với nội dung bạn đọc quan tâm, như nếu cấm xe máy người dân đi lại bằng gì khi xe buýt đang sụt giảm? Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty vận tải Hà Nội cho rằng, trong hơn năm qua, đúng là lượng người đi xe buýt có chiều hướng giảm. Nguyên nhân chính là có tới 20 trên 70 tuyến buýt của Tổng Cty bị điều chuyển để phục vụ các công trường thi công. Cùng với đó là sự cạnh tranh của một số loại hình taxi giá rẻ, xe đạp, xe máy điện… Tuy nhiên trong các tháng 8 và tháng 9 vừa qua, lượng hành khách đã bắt đầu ổn định và tăng nhẹ do lượt tuyến trên trục Nguyễn Trãi đã khôi phục...
Ông Hà Huy Quang khẳng định, chuyện quản lý phương tiện cá nhân là điều tất yếu phải làm và Sở GTVT đang tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án. Vừa qua, người dân đã hiểu nhầm rằng đề án quản lý phương tiện cá nhân là hạn chế sở hữu phương tiện.
Nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ là thảm họa
Nói về các nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý vấn đề quản lý đô thị. Theo ông Hải, với tốc độ tăng dân số như hiện nay, việc tiếp tục xuất hiện những điểm ùn tắc giao thông là dễ hiểu nhưng quan trọng là phải có giải pháp. “Việc này cần làm tốt hơn nữa. Những điểm ùn tắc lên tới 2 tiếng đã có. Nếu không có giải pháp phù hợp thì thời gian tắc sẽ kéo dài hơn nữa, 3 - 5 tiếng. Nếu không giải quyết quyết liệt, lúc đó sẽ là thảm họa”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, lượng phương tiện trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã ở con số khoảng 6 triệu, trong đó có 5,5 triệu xe máy và 500.000 ô tô. So với hơn 10 năm trước, con số phương tiện tại Hà Nội hiện nay đã tăng gần gấp đôi (100%). Tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông trong đó có đường sá hầu như không có chuyển biến, nếu tính toán chỉ được 2 đến 3%. Có thể thấy điều này tại một số dự án đường được coi là phân luồng phương tiện, giảm ùn tắc cho vành đai 1, vành đai 2… vậy nhưng các dự án này đã được thành phố Hà Nội triển khai 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Với tốc độ tăng phương tiện cá nhân từ 12 đến 16% như hiện nay và hạ tầng giao thông tăng trưởng 2-3%, Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, đến năm 2025 (thời điểm hạn chế xe máy), Hà Nội sẽ có 8,6 triệu xe cá nhân (trong đó 1,3 triêu ô tô; 7,3 triệu xe máy), tốc độ tăng trưởng 8%/năm. Theo đó, nếu số phương tiện này cùng đổ ra đường sẽ vượt 144% diện tích mặt đường.