Chống tham nhũng phải có tầm và đủ dũng khí

TP - “Đó là một quyết định đúng đắn, là điều đáng mừng. Bởi quản lý nhà nước, quản lý xã hội có những quy luật của nó, nói một cách nôm na là phải tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

> Chủ tịch nước: Chống tham nhũng phải hiệu quả hơn

Ông Vũ Quốc Hùng (ảnh) trả lời phỏng vấn của Tiền Phong về chủ trương của Hội nghị T.Ư 5, Khóa XI thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị. Theo ông, phải vừa phòng vừa chống tham nhũng; xử lý nghiêm, không dễ lọt người lọt tội.

Ban Nội chính Trung ương (được thành lập lại) sẽ là cơ quan thường trực phòng, chống tham nhũng. Để hoạt động hiệu quả, cần phải tổ chức như thế nào?

Phải có những quy định mới trong luật, sửa đổi, bổ sung luật pháp và những quy định của Đảng để Ban chỉ đạo hoạt động có hiệu quả, ví dụ sửa Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các luật liên quan.

Ban Nội chính là cơ quan thường trực, phải thực sự có đủ tầm, đủ dũng khí. Phải chọn được những người xứng đáng, đủ phẩm chất trí tuệ vào cơ quan này.

Tôi hình dung Ban Nội chính mới không phải là Ban Nội chính trước đây, đồng thời cũng không phải Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN như hiện nay, mà cần phải được thiết kế thực sự là cơ quan thường trực trực thuộc Bộ Chính trị chuyên về PCTN.

Như vậy, phải xây dựng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn tương xứng vị trí, yêu cầu đặt ra với cơ quan thường trực này, phải phù hợp với Điều lệ Đảng, quy định của pháp luật.

Phải nhấn mạnh tiêu chuẩn lựa chọn những người xứng đáng, có đủ phẩm chất, trong sạch và có đủ dũng khí.

Bởi người hiền lành quá, năng lực không đảm bảo thì không nên về đó. Cũng có thể tuyển dụng cả những nhà báo có năng lực về cơ quan này để viết bài, chứ không phải chỉ gom người cho đủ ban bệ.

Tóm lại, những người phù hợp và đáp ứng được yêu cầu công việc, phải sạch se, có trình độ, có dũng khí, không ngại va chạm, khó khăn. Phải đêm ngày làm việc, không toan tính cho cá nhân.

Báo cáo trước Quốc hội

Theo ông, về cơ chế thì cần có những đổi mới ra sao để việc PCTN hiệu quả?

Đến nay, chúng ta có rất nhiều quy định rồi, có thể nói quy định, chế tài pháp luật không thiếu, nhưng có thực hiện hay không mà thôi. Chẳng hạn, việc kê khai tài sản, rồi phải công khai như Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã nói rõ.

Ban chỉ đạo tới đây phải làm sao để biến những quy định như vậy thành hiện thực. Ở các nước, mọi quan chức cấp cao đều phải công khai tài sản, nhất là người đứng đầu mình phải bình thường hóa việc đó. Đồng tiền sạch của anh thì phải công khai, có gì mà sợ.

Nhưng không phải kê khai một cách chiếu lệ, mà phải có những cơ quan giám sát trách nhiệm, giám sát thu nhập và thẩm định tính trung thực của việc kê khai, công khai đó. Nếu những quy định nào còn vướng mắc, chưa thực hiện được, thì lần này phải cụ thể ra.

Quy định đã có và có thể nói khá đầy đủ, nhưng dường như việc thực thi vẫn chưa tốt. Phải chăng là do còn có những cản trở nào đó?

Chính vì thế mới cần Ban Chỉ đạo này, cần đích thân Bộ Chính trị phải vào cuộc, bởi bản thân việc này là khó khăn, chứ không phải cứ đứng ngoài rồi chê người này người khác không làm tốt.

Cho nên, Đảng nhận trách nhiệm về công cuộc chống tham nhũng này. Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch hơn trong xử lý vi phạm.

Chẳng hạn, Ban chỉ đạo phải báo cáo với Quốc hội hằng năm về kết quả hoạt động của mình; phải hành động đúng Điều lệ Đảng, đúng luật pháp và việc báo cáo ra Quốc hội là việc rất bình thường, nên làm.

Bộ Chính trị phải làm sao để không có vùng cấm trong PCTN bất kể ai có vấn đề gì, khi quần chúng phản ánh thì đều phải được xem xét, yêu cầu giải trình và có kết luận rõ ràng, không để xảy ra tình trạng dư luận buông trôi, làm ảnh hưởng xấu uy tín của những người chân chính, khiến nội bộ phải nghi ngờ.

Nếu dư luận chưa đúng phải thanh minh, còn dư luận đúng thì phải xử lý theo đúng qui định, đúng pháp luật những cán bộ vi phạm, dù ở bất kỳ cấp nào. Bộ Chính trị không làm thay Viện Kiểm sát, không thay tòa án nhưng Bộ Chính trị có quyền yêu cầu tổ chức Đảng ở nơi đó phải lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu về PCTN.

Thực tế, Ủy ban Kiểm tra T.Ư từng chủ động phát hiện, hoặc lắng nghe ý kiến quần chúng nhân dân, yêu cầu những cán bộ, đảng viên có vấn đề giải trình và kết luận về những vấn đề liên quan cán bộ theo hướng đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời. Đã có nhiều vụ việc đựợc xử lý minh bạch.

Trên thực tế, không thấy ai can thiệp gì cả. Từng có không ít cán bộ cao cấp bị xử lý nghiêm khắc khi có sai phạm nghiêm trọng, quá rõ ràng. Chúng ta cần lắng nghe dư luận, thận trọng xử lý theo đúng quy định, Điều lệ và pháp luật, nhưng không hấp tấp, vội vàng.

Vấn đề là làm sao Ban Chỉ đạo có nhiều thông tin nhất và chính xác nhất về mọi sinh hoạt của cán bộ, đảng viên, nhất là đối tượng do Trung ương quản lý.

Đích thân Ban Chỉ đạo phải vào cuộc khi thấy có vụ việc nổi cộm, hoặc có dư luận nhân dân về việc đó, ở địa phương hay bộ ngành đó.

Ban Chỉ đạo sẽ yêu cầu những người liên quan giải trình, rồi các Ban của Đảng có chức năng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều tra, xác minh. Ban Chỉ đạo phải giám sát việc điều tra, xác minh đó, khi thấy có dấu hiệu không khách quan thì yêu cầu làm lại.

Xử nghiêm từ trên xuống

Theo ông, đâu là thuốc đặc trị tham nhũng?

Bây giờ phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, vừa phòng vừa chống. Nhưng trước hết phải bắt đúng bệnh và kịp thời.

Thuốc là phải xử đúng người đúng tội, phải xử nghiêm từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Xử nghiêm là thuốc đặc trị. Xử nghiêm là xử đúng quy định của Đảng và pháp luật, không để lọt kẻ tham nhũng, không làm oan người vô tội.

Lâu nay, dư luận phàn nàn về một số vụ việc xử lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, có vụ việc phát hiện thất thoát, thua lỗ lớn nhưng rồi không thấy bóng dáng tham nhũng đâu?

Tôi nghĩ người lãnh đạo phải luôn trân trọng và suy nghĩ về những điều người dân đang băn khoăn, lo lắng. Và phải nói là Trung ương đã lắng nghe, nên mới có những quyết định như vừa rồi.

Còn về lâu dài chúng ta phải làm sao để người ta không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Tôi mong muốn Ban Chỉ đạo tới đây sẽ không để những hiện tượng đầu voi đuôi chuột như thế xảy ra khiến dân phải dị nghị.

Tất cả mọi việc phải được kết luận công minh, chính xác, kịp thời. Đây cũng là phương châm hành động của chúng ta.

Vậy ông nhìn nhận vai trò của báo chí như thế nào trong cuộc đấu tranh này?

Về báo chí, đã có nhiều đánh giá rồi. Còn cá nhân tôi, trong hoạt động, tôi thấy không thể thiếu lực lượng báo chí cách mạng. Vì họ là người phát hiện, cộng tác, tạo dư luận… và đã có hiệu quả.

Cảm ơn ông.

Năm 2006, lúc chúng tôi đang trong Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) (Ban Chỉ đạo về xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII), khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chúng tôi đã gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, và nên đưa về Quốc hội, chứ không nên để cơ quan hành pháp đảm nhiệm.Vì vậy quyết định của Trung ương lần này là rất sáng suốt”

Nguyễn Tuấn - Cao Nhật
thực hiện

Theo Báo giấy