Loạt sai phạm của Phó giám đốc
Ngày 6/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ tham nhũng xảy ra tại Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO). Trong vụ án, các bị cáo Phan Minh Nguyệt - nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ HADICO (thời điểm bị bắt đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) và Nguyễn Thị Huyền Hảo - nguyên Kế toán trưởng HADICO bị truy tố về các tội tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Có 3 bị cáo bị truy tố riêng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Đỗ Văn Hảo - nguyên Phó TGĐ HADICO và 2 lãnh đạo của Xí nghiệp Từ Liêm là Đặng Thị Thanh Tâm - nguyên GĐ và Dương Thị Chinh - nguyên Kế toán trưởng. Bị cáo Nguyễn Trọng Hùng - nguyên GĐ Xí nghiệp Bắc Hà hầu tòa về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, ông Nguyệt giữ chức TGĐ HADICO từ 2005 đến năm 2014 trước khi được bổ nhiệm làm Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội. Năm 2011, bị cáo Tâm lập tờ trình và được ông Nguyệt đồng ý phá dỡ khu nhà kho của Xí nghiệp Từ Liêm nhằm xây nhà ở cho nhân viên thuê dù không được cấp phép. Các bị cáo thống nhất cho thuê với giá 500 triệu đồng/căn gồm 261 triệu đồng để trả phí xây dựng, dịch vụ còn 239 triệu đồng để ngoài sổ sách.
Qua đây, các bị cáo thu hơn 21,6 tỷ đồng, trong đó xí nghiệp Từ Liêm giữ gần 4 tỷ đồng, bị cáo Nguyệt sử dụng hơn 17 tỷ đồng và tất cả đã nộp lại cho HADICO. Tương tự, năm 2010, xí nghiệp Thanh Trì thuộc HADICO đã sửa chữa, xây dựng 58 căn nhà để cho thuê trong đó có 19 căn giao lại cho HADICO quản lý. Thấy vậy, ông Nguyệt cho 7 người là lãnh đạo trong Cty thuê 8 gian nhà, thu hơn 2,3 tỷ đồng. Trả lời HĐXX, đại diện HADICO cho biết việc xây dựng tại Thanh Trì được UBND TP đồng ý, các căn nhà đều có sổ đỏ.
Cũng trong năm 2010 - 2011, HADICO đầu tư nhiều dự án nên Phan Minh Nguyệt chủ trương yêu cầu các nhà thầu thi công trích lại một khoản tiền nộp về HADICO. Có 5 cá nhân đã nộp hơn 2,3 tỷ đồng nhưng bị cáo Nguyệt chỉ đạo để ngoài sổ sách, sử dụng riêng. Ngoài ra, cáo trạng xác định từ 2005 - 2014, bị cáo Nguyệt chỉ đạo 12 cá nhân tạm ứng gần 37 tỷ đồng để sử dụng riêng. Đến nay, các cá nhân này và ông Nguyệt đã khắc phục gần hết.
Nhường đất xây Văn Miếu
Cơ quan truy tố xác định ông Nguyệt đã thu tổng cộng hơn 22,4 tỷ đồng từ các nguồn nói trên. Bị cáo đã sử dụng một phần để chi dùng cá nhân; kế toán Hảo khai chi hơn 4 tỷ đồng thưởng Tết, ngoại giao… và trả cho Cty FPTLand gần 2 tỷ đồng để Cty này thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư.
Phía FPTLand khai nhận từng cùng HADICO lập liên doanh xây dựng tòa nhà tại 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội). Sau đó, FPTLand góp 10 tỷ đồng góp vốn gồm 5 tỷ đồng đưa trực tiếp cho bị cáo Nguyệt, không giấy tờ giao nhận. Khi dự án không thể xây dựng, HADICO hoàn trả 5 tỷ đồng còn 5 tỷ đồng tiền mặt, ông Nguyệt mới trả được 2 tỷ đồng.
Về hành vi tham ô tài sản, cơ quan truy tố xác định bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo 5 xí nghiệp cấp dưới rút hơn 40 tỷ đồng cho mình sử dụng. Trong đó, xí nghiệp Bắc Hà nơi bị cáo Hùng làm giám đốc rút hơn 30 tỷ đồng. Bị cáo Nguyệt và gia đình đã hoàn trả toàn bộ, còn nợ lại hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi.
Tại tòa, Phan Minh Nguyệt khai mình bị tạm giam, không biết được vợ nộp tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo thừa nhận có sai phạm trong quá trình sử dụng đất đai nhưng khẳng định không tham ô tài sản. Ông Nguyệt trình bày, chủ trương xây nhà cho thuê được các phòng ban đồng ý và xuất phát từ quyền lợi người lao động.
Về số tiền bị quy kết sử dụng riêng, vị nguyên Phó GĐ Sở này nói: “Tiền rút ra vào giữa các xí nghiệp liên tục để thay phiên trả nợ ngân hàng cho một xí nghiệp nào đó hoặc chi những khoản không có trong sổ sách… thời điểm đó kinh tế rất khó khăn, các doanh nghiệp không làm như vậy không được”.
Bị cáo cho biết mảnh đất tại Sơn Tây (Hà Nội) cho bị cáo thuê nhưng HADICO trả tiền. Đại diện HADICO khẳng định việc này, nói: “Cty nhường đất ở Sơn Tây cho tỉnh Hà Tây (cũ) xây Văn Miếu nên không thể đứng ra thuê đất tại đó. Nếu thuê, thị xã Sơn Tây (cũ) sẽ không cấp đất mới nên phải để anh Nguyệt đứng tên”.
Sau một ngày xét xử, chủ tọa quyết định trả hồ sơ do những mâu thuẫn trong lời khai của ông Nguyệt. Ngoài ra, tòa yêu cầu làm rõ khoản thuế VAT, việc xây dựng tại xí nghiệp Thanh Trì có được TP Hà Nội cho phép hay không…