Chống ô nhiễm không khí ở thủ đô một số nước châu Á

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chiến lược phòng chống ô nhiễm không khí của Bắc Kinh (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), New Delhi (Ấn Độ)… thường tập trung vào ba lĩnh vực chính: kiểm soát nguồn ô nhiễm giao thông, hạn chế ô nhiễm công nghiệp, và tăng cường không gian xanh cùng hệ thống giám sát chất lượng không khí.

Giao thông được xem là nguồn chính gây ô nhiễm tại Bắc Kinh. Chính quyền đã triển khai các biện pháp hạn chế xe cá nhân, như áp dụng quy định “ngày chẵn-lẻ” dựa trên biển số xe, nhằm giảm lượng phương tiện lưu thông trong giờ cao điểm. Jakarta cũng áp dụng quy định “ngày chẵn-lẻ”. Bắc Kinh, Jakarta và thủ đô nhiều nước khác cũng tăng cường khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, đẩy mạnh đầu tư vào mạng lưới xe buýt điện, tàu điện ngầm, xe đạp cho thuê để thay thế xe máy, ô tô.

Ngoài ra, các phương tiện cũ, không đạt tiêu chuẩn khí thải cũng bị loại bỏ khỏi thành phố hoặc phải chuyển đổi sang các loại xe chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch. Thủ đô Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, khuyến khích thay thế xe cũ, xe diesel bằng xe điện hoặc xe hybrid, trong khi thủ đô Ấn Độ cấm xe tải, xe máy chạy bằng dầu diesel vào các khu vực trung tâm, khuyến khích chuyển đổi sang nhiên liệu sạch như CNG (khí nén tự nhiên).

Chống ô nhiễm không khí ở thủ đô một số nước châu Á ảnh 1

Bắc Kinh khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đạp xe. Ngoài trồng nhiều cây xanh, thành phố còn áp dụng nhiều tiêu chuẩn xây dựng xanh, yêu cầu các tòa nhà mới sử dụng hệ thống lọc không khí và tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Thu Huyền

Các khu công nghiệp là một nguồn phát thải lớn, đặc biệt là khí thải từ các nhà máy và lò đốt than. Để giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp, Bắc Kinh và New Delhi đã thực hiện chính sách di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi thành phố và áp đặt tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn cho các khu công nghiệp.

Đồng thời, thành phố đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch, yêu cầu doanh nghiệp trang bị hệ thống lọc khí hiện đại để hạn chế phát tán bụi, khí độc hại ra ngoài môi trường. Bắc Kinh cũng khuyến khích các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thay vì nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Nhằm cải thiện chất lượng không khí và tạo không gian sống lành mạnh, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc xây dựng các công viên, vườn cây và hành lang xanh trong thành phố. Những khu vực này giúp hấp thụ bụi, khí độc, đồng thời tạo nhiều ôxy, làm mát thành phố. Chính quyền Bắc Kinh và chính quyền Jakarta triển khai chương trình “Một triệu cây xanh” để tăng mật độ cây xanh, để cải thiện chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bắc Kinh và Jakarta cũng triển khai một hệ thống giám sát chất lượng không khí toàn diện, đặt các trạm quan trắc đặt ở nhiều khu vực. Công khai chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực thông qua các ứng dụng di động và bảng điện tử công cộng, giúp người dân chủ động trong việc phòng tránh và bảo vệ sức khỏe. Khi chất lượng không khí đạt mức nguy hiểm, chính quyền sẽ phát cảnh báo và áp dụng các biện pháp khẩn cấp, như hạn chế phương tiện giao thông, tạm dừng các hoạt động gây ô nhiễm…

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh tích cực tuyên truyền, giáo dục người dân về tác động của ô nhiễm không khí và các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Nhiều chiến dịch truyền thông và chương trình giáo dục được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. Trong khi đó, chính quyền New Delhi và chính quyền Jakarta phối hợp với các trường học, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ để tuyên truyền về tác động của ô nhiễm, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Kinh nghiệm châu Âu

Hà Lan, Đức ưu tiên phát triển giao thông công cộng, phương tiện sạch; Pháp, Anh chú ý kiểm soát ô nhiễm công nghiệp và năng lượng sạch; Đan Mạch, Thụy Điển tăng cường không gian xanh và hành lang sinh thái; Phần Lan, Ý phát triển hệ thống giám sát chất lượng không khí và cảnh báo sớm; Thụy Sĩ tích cực chuyển đổi năng lượng sạch và tăng cường hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà, phương tiện giao thông…

Hà Lan mạnh mẽ khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thay vì xe hơi, đặc biệt trong các thành phố lớn như Amsterdam, Rotterdam… Nhiều tuyến đường dành riêng cho xe đạp và hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng được triển khai rộng rãi. Trong khi đó, Đức đầu tư mạnh mẽ vào phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt điện, tàu điện ngầm không phát thải. Một số thành phố như Berlin, Munich… cấm xe cũ chạy bằng diesel đi vào trung tâm thành phố và khuyến khích chuyển đổi sang xe điện.

Chính phủ Anh thực hiện Chiến lược Không khí sạch, bao gồm kế hoạch cải thiện chất lượng không khí trong các khu công nghiệp. Các công ty phải tuân thủ tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và được khuyến khích chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, gió, khí sinh học để giảm lượng khí nhà kính. Trong khi đó, Chính phủ Phần Lan sử dụng hệ thống hiện đại chuyên giám sát chất lượng không khí; cung cấp chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực qua các ứng dụng di động và trang web chính thức…

MỚI - NÓNG
Lý do chọn tên Ninh Bình sau khi hợp nhất 3 tỉnh
Lý do chọn tên Ninh Bình sau khi hợp nhất 3 tỉnh
TPO - Ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - cho biết việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lấy tên tỉnh Ninh Bình bởi đây là điểm nổi tiếng có giá trị thương hiệu quốc tế, mang ý nghĩa vùng đất bình yên, thanh bình.