Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng
Trò chuyện với Tiền Phong, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết: Đầu tháng 10/2016, TPHCM xảy ra trận mưa lịch sử trong vòng 40 năm trở lại đây, khiến nhiều khu vực bị ngập úng nghiêm trọng, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Sở GTVT TPHCM đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm cách khắc phục hậu quả. Tại cuộc họp, tôi đề xuất một giải pháp được cho là độc đáo và mạo hiểm: Chỉ cần đưa máy bơm đa năng đặt tại một số vị trí để bơm nước mưa ra sông là thành phố hết ngập.
Theo ông Cường, với giải pháp này, thành phố không cần lo chuyện vớt rác, cũng không cần tốn tiền đào đường để lắp cống mới. Theo đó, hệ thống máy bơm đa năng hoạt động bằng dầu hoặc điện, được đặt tại các cửa xả nước tiếp giáp với sông, vừa có thể hút nước với công suất 96.000 m3/h, vừa có thể tự động vớt bùn, rác thải, đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom.
Chỉ tính riêng việc máy bơm hút rác tắc đọng tại hệ thống cống rãnh sẽ giúp giảm chi phí hàng tỷ đồng mà lâu nay thành phố vẫn phải chi cho đội quân nạo vét cống. Doanh nhân này cam kết, với công nghệ cao của Tập đoàn Quang Trung, việc giải quyết tình trạng ngập úng cho TPHCM vừa rẻ, bền và không cần nhiều lao động. Ông Cường còn tuyên bố sẽ “chữa” thí điểm một khu vực hết ngập cho TPHCM, “nếu không hết ngập không lấy tiền”. Đây là điều chưa từng có ai dám cam kết khi thực hiện dự án thoát nước tại TPHCM.
Người gỡ bí cho nhiều công trình lớn
Ông Cường cho biết, cách đây 7 năm, Tập đoàn Quang Trung đã từng thi công một số cầu vượt kết cấu thép tại TPHCM. Chính vì thế ông có thời gian gắn bó, đi lại trên các tuyến đường ở thành phố này. Nhiều lần chứng kiến cảnh đời sống người dân bị đảo lộn bởi ngập lụt, giao thông ùn tắc, hỗn loạn do triều cường và những cơn mưa lớn gây ra, ông rất trăn trở và quyết tâm tìm phương án chống ngập úng.
“Trước khi đề xuất phương án giải quyết tình trạng ngập úng cho TPHCM, tôi đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm thị sát một thời gian dài tại các tuyến phố, đồng thời dựa vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đơn vị quản lý chuyên ngành cấp thoát nước của TPHCM từ nhiều năm qua” - ông Cường cho biết. Với các số liệu đo được từng tháng, từng quý, từng năm cho thấy, tình trạng ngập úng tại thành phố này ngày càng gia tăng. Hiện có 66 điểm ngập úng, trong đó có trên 40 điểm ngập thường xuyên và ngập nặng ở các quận 1, 2, Thủ Đức, Nhà Bè…
Theo ông Cường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như trên là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến bê tông hóa bề mặt, khiến lượng nước mưa không thẩm thấu kịp xuống đất. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn và bảo vệ các hệ thống cấp thoát nước của người dân còn hạn chế, vẫn còn việc xả rác thải bừa bãi, gây ách tắc dòng chảy. Tầm nhìn quy hoạch các hệ thống cấp thoát nước của thành phố còn bất cập, chắp vá. Hiểu rõ những nguyên nhân đó nên doanh nhân này tin rằng giải pháp của mình là cách tốt nhất để xử lý tình trạng ngập của TPHCM, chứ không phải là chuyện “chém gió” cho vui tai.
Chuyện ông nói được, làm được thực tế đã ghi nhận. Điển hình như Tập đoàn đã chế tạo thành công cầu trục có tải trọng 500 tấn cho Nhà máy thủy điện Sê San 3, Gia Lai năm 2005. Ông Cường cho biết, vào thời điểm đó, nếu mua 1 chiếc cầu trục có tải trọng tương tự của nước ngoài, giá sẽ đắt gấp 3 lần so với giá cầu trục do đơn vị ông sản xuất, chưa kể phải đợi cả năm trời mới có máy móc đưa về tới công trình. Đặc biệt năm 2008, doanh nghiệp ông sản xuất thành công cầu trục lớn nhất Việt Nam với tải trọng 1.200 tấn phục vụ cho các nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á là Sơn La và Lai Châu.
Từng trò chuyện với ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng trên công trường thủy điện Sơn La, ông Nê khẳng định: Các sản phẩm do Tập đoàn Quang Trung chế tạo đều đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn và chất lượng, đáp ứng tiến độ cho công trình, chủ động về thời gian, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, đặc biệt là phát huy được nội lực sản xuất trong nước.
Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Lai Châu nắc nỏm: Doanh nghiệp của ông Cường đi đầu trong việc chế tạo cần cẩu siêu trường, siêu trọng. Một khi họ vận chuyển thành công cần cẩu nghìn tấn bằng đường thủy, “vắt” qua 2 đập lớn của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Sơn La thì không có gì làm khó họ được.
Sẽ mất hàng nghìn tỷ để chống ngập
Trao đổi với PV Tiền Phong về cam kết của ông Nguyễn Tăng Cường giúp “TPHCM không hết ngập không lấy tiền”, ông Lại Duy Sơn - Phó phòng Quản lý Hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết: Họ (Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung) chưa có giải pháp cụ thể nào. Sở GTVT và Trung tâm đang đề nghị Tập đoàn xây dựng giải pháp cụ thể để có căn cứ báo cáo UBND TPHCM. Theo ông Sơn, vì đơn vị này chưa có giải pháp cụ thể nên chưa có nhận xét gì về đề xuất của đơn vị này.
Được biết, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ sắp xếp và hỗ trợ doanh nghiệp (giai đoạn 2015-2020) để thực hiện các dự án chống ngập cấp bách cho TPHCM với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ xây dựng gần 8km kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn, 25 cống nhỏ dưới đê, 6 cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định). Để thực hiện dự án này, thành phố sẽ phải giải tỏa 324 hộ dân, hơn 1.500 người sẽ phải di dời. Cùng đó, sẽ thu hồi vĩnh viễn 97ha đất, thu hồi tạm thời 67ha…
Máy bơm đa năng do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chế tạo để cứu ngập úng cho TPHCM
Hiện nay, để triển khai Dự án chống ngập cho thành phố, hơn 3km đường Kinh Dương Vương (từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) thuộc quận Bình Tân đang được nâng cao nền cả mét, khiến việc sinh hoạt, kinh doanh của người dân gặp vô vàn chuyện dở khóc dở cười.
Sau những ý kiến và lời cầu cứu của người dân, vào tháng 8/2016, bộ phận tham mưu của đơn vị đến khu vực nhà dân chìm trong nước hai bên đường Kinh Dương Vương để tìm hiểu nguyên nhân. Thực tế cho thấy hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Thạnh khốn đốn bởi hễ mưa là nước tràn vào nhà, không gian sống bức bí, bất tiện như sống trong hang.
Một chuyên gia của Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TPHCM) cho rằng, TP có nhiều dự án chống ngập nhưng đã lạc hậu và quá tải. Nguyên nhân chính là do lượng mưa ngày càng tăng cao hơn so với thiết kế. Riêng ở khu vực nội thành, hệ thống thoát nước chỉ mới đáp ứng được trong khu vực 100km2, trong khi diện tích đô thị hóa đã là 600km2. Để hoàn tất dự án chống ngập cho thành phố (từ năm 2016 - 2020) dự ước cần tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tăng Cường, với giải pháp xây cống, xây kè chống ngập mà thành phố đưa ra, sẽ biến TPHCM thành đại công trường rất tốn kém. Đặc biệt, quá trình thi công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Theo ông Cường, nếu thiết bị, công nghệ của đơn vị ông được ứng dụng để xử lý ngập úng ở TPHCM sẽ tiết kiệm 80% kinh phí cho ngân sách nhà nước so với cách làm truyền thống, ông Cường nói.
Trước thông tin đơn vị ông chưa có đề án, phương án cụ thể, ông Cường cho hay: Thời gian vừa qua Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã xây dựng đề án chống ngập úng rất cụ thể và chi tiết trình Sở GTVT TPHCM cùng một số cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên cho đến nay, Tập đoàn đang chờ quyết định của cơ quan chức năng. Với bài toán công nghệ giải quyết ngập úng cho TPHCM theo ông Cường là trong tầm tay. Tuy nhiên ông lo ngại có sự xung đột về lợi ích.
“Với giải pháp tiết kiệm đến 80% kinh phí đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động sẽ mất việc vì không phải thông cống, móc cống. Chính điều này sẽ phátsinh những ý kiến trái chiều không ủng hộ giải pháp áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để chống ngập úng của Tập đoàn”, ông Cường nói.
30 ngày hoàn thiện 30 cầu treo
Không chỉ là “cha đẻ” của các sản phẩm cơ khí “khủng”, ông Nguyễn Tăng Cường còn gây “bão” trong giới xây dựng bởi chuyện 30 ngày làm xong 30 chiếc cầu treo. Cụ thể, để triển khai dự án 186 cầu treo cho các xã miền núi, vùng sâu khó khăn, Bộ GTVT yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nhanh chóng thiết kế các mẫu cầu treo điển hình khổ từ 30m, 40m, 50m đến 200m. Chỉ sau 1 tháng, đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn này hoàn thiện toàn bộ các mẫu thiết kế điển hình, trình Bộ GTVT phê duyệt. Và cũng trong 1 tháng đó, với công nghệ “đúc cầu treo trong nhà máy”, đơn vị đã thi công xong 30 chiếc cầu treo. Tư lệnh ngành giao thông hồi ấy là ông Đinh La Thăng bày tỏ sự thán phục.