Chống ngập cho... trạm bơm

Chống ngập cho... trạm bơm
TP - Toàn bộ việc tiêu thoát nước cho các quận nội thành Hà Nội đã đổ dồn lên trạm bơm Yên Sở với công suất 45m3/s. Tuy nhiên, trạm bơm này cũng bị ngập sâu trên 1m so với thiết kế.

Vì lý do đó, ngày 1/11, thành phố Hà Nội đã dồn toàn lực để chống ngập cho trạm bơm và chính là tránh cho hàng triệu dân Hà Nội khỏi phải bơi trong nước nếu như mưa lớn tiếp tục diễn ra.

Chống ngập cho... trạm bơm ảnh 1
Toàn bộ việc thoát nước mưa trong những ngày qua đều dựa vào 11 máy bơm của trạm bơm Yên Sở

“Cứu” trạm bơm bằng mọi giá!

Sau một ngày một đêm mưa với cường độ lớn (khoảng 600mm), vào sáng qua (1/11), lượng nước dồn về rốn nước Yên Sở mỗi lúc một cao.

Ban đầu là ngấp nghé mực nước thiết kế của trạm bơm (4,5m), rồi vượt lên trên 4,5m và tăng mạnh vào buổi trưa (5,4m) và chiều 1/11 có lúc lên đỉnh điểm 5,7m. Khuôn viên trạm bơm Yên Sở rộng hàng ngàn mét vuông  trong ngày 1/11 đã bị nhấn chìm sâu 1m nước.

Mực nước dâng cao trong khi trời vẫn tiếp tục mưa đã đe doạ trực tiếp đến 2 trạm điện phục vụ cho trạm bơm này.

Trong trường hợp, nước ngập vào các buồng thiết bị điện chắc hẳn trạm bơm sẽ phải ngắt điện và khi đó hậu quả gây ra cho thành phố là khôn lường.

Trạm bơm Yên Sở là một dự án thành phần của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 (200 triệu USD). Công trình có 11 máy bơm với tổng công suất bơm 45m3/s được đưa vào khai thác khoảng 10 năm và góp phần đáng kể cho việc thoát nước của Hà Nội.

17 người thiệt mạng

Đến 19 giờ ngày 1/11, thành phố Hà Nội có 17 người thiệt mạng trong lúc mưa úng. Trong đó, khu vực ngoại thành có 13 người, khu vực nội thành có 4 người - TTXVN

Ông Nguyễn Lê - Tổng GĐ Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay từ sáng sớm 1/11, Cty đã huy động lực lượng ứng cứu trạm bơm bằng việc dùng các bao đất kè xung quanh khuôn viên trạm bơm. Tuy nhiên lực lượng mỏng, lượng nước đổ dồn về nhanh với khối lượng lớn nên thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tổng lực “cứu” trạm bơm.

Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô cho biết, riêng lực lượng quân đội tham gia ứng cứu trạm bơn Yên Sở lên đến 300 người cùng một số phương tiện.

Trong ngày, các chiến sĩ đã vận chuyển hàng chục ngàn bao đất đắp bờ quanh trạm bơm. Bên cạnh lực lượng quân đội, các đơn vị thuộc ngành xây dựng cũng huy động hàng trăm nhân công tham gia ứng cứu trạm bơm.

Ông Nguyễn Hữu Sùng, GĐ Ban QLDA hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngoài lực lượng của Cty Thoát nước, Sở Xây dựng huy động thêm 40 nhân công từ Cty Vườn thú Hà Nội, Cty Môi trường đô thị và Cty Môi trường đô thị Thăng Long 80 người, Cty Phát triển hạ tầng đô thị 50 người.

Chiều qua, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã xuống thị sát hiện trường trạm bơm Yên Sở. Ông Thảo chỉ đạo các đơn vị phải bằng mọi giá đảm bảo an toàn cho trạm bơm.

Cuối chiều qua, trao đổi với Tiền phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi (trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường) cho biết, trong ngày, các đơn vị đã đắp được 40.000 bao đất.

Sau khi hình thành bờ vây, Cty Thoát nước đã cho tiến hành bơm nước từ khuôn viên trạm bơm ra ngoài. Đến 19 giờ, mức nước phía trong trạm bơm giảm khoảng 10cm. Hai trạm điện của trạm bơm đang dần an toàn.

“Trong đêm 1/11, các đơn vị vẫn tiến hành đắp bờ vây và bơm nước. Nếu thời tiết thuận lợi, việc đảm bảo an toàn cho trạm bơm chắc chắn được kiểm soát tốt”- ông Khôi nói.

Theo ông Khôi, sau khi nước rút, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng cho xây dựng hệ thống bờ vây bằng bê tông đảm bảo chống ngập bền vững cho trạm bơm.

Thiệt hại nặng nề do chủ quan?

Theo thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, chỉ tính trong ngày 1/11, lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cứu hộ được 82 người  chủ yếu người già và trẻ em (trong đó có trẻ sơ sinh) thuộc ngõ 152, 154 phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Chống ngập cho... trạm bơm ảnh 2
Lực lượng quân đội đang tham gia đắp bờ bao trạm bơm Yên Sở  Ảnh: Phùng Sưởng

Cũng theo báo cáo của UBND TP Hà Nội thì trận mưa cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Cụ thể có đến 45.000 ha cây trồng bị ngập úng khả năng không còn cho thu hoạch. Ước thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng.

Đặc biệt, mưa lớn đã xóa nhòa công sức của hàng ngàn hộ dân nuôi cá tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Nhiều hộ nuôi cá đã mất trắng tiền tỷ sau cơn mưa. Với 9.000 ha nuôi cá, ước thiệt hại lên đến trên 800 tỷ đồng.

Mưa với cường độ lớn còn gây thiệt hại lớn cho các tuyến đê như: sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông  tại huyện Mê Linh, Đan Phượng. Trên các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc các tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà nhiều đoạn bị tràn bờ, gây sạt. Nhiều hồ đập cũng bị đe dọa an toàn.

UBND TP Hà Nội cho biết, có đến 26 điểm bị ngập từ 100m đến 300m với độ ngập từ 30cm đến 100cm nên gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Có khoảng 10.000 hộ dân bị ngập, một số trường học, trạm y tế cũng bị ngập úng. Tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra tại Hà Nội lên đến 3.000 tỷ đồng.

4 - 5 ngày nữa mới hết ngập nếu không tiếp tục mưa

Theo báo cáo của Cty Thoát nước Hà Nội đến 16h30 ngày 1/11 nước tại nội thành đã rút mạnh về trạm bơm Yên Sở.

Nhiều khu vực tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm đã trở lại bình thường, giao thông thông suốt. Một số khu vực úng ngập tại các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân nước đang rút dần.

Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, với công suất hiện có của trạm bơm Yên Sở, dự kiến từ 4 đến 5 ngày nữa trên địa bàn Hà Nội mới hết điểm úng ngập nếu trời không mưa. 

Câu hỏi đặt ra là Hà Nội có bị động trước cơn mưa lớn? Chắc chắn là có.

Vì rằng, hầu như mọi giải pháp của các ngành chức năng và của UBND TP Hà Nội trước cơn mưa lịch sử này hoàn toàn mang tính tình thế.

Chỉ đơn cử, trước cơn mưa dường như người dân không hề được tuyên truyền gì về trận mưa này cũng như các biện pháp phòng tránh. Thậm chí cơ quan chức năng còn dự báo mưa 20mm (ngày 31/10) trong khi trên thực tế cơn mưa lớn trên 500mm.

Ai chịu trách nhiệm về việc này?

Công tác tổ chức và phân luồng giao thông từ xa, dường như phó mặc cho dân và hoàn toàn lệ thuộc vào thời tiết, gây nên cảnh hỗn loạn giao thông nội đô, tê liệt tại các tuyến đường QL qua Hà Nội.

Hay hàng ngàn hộ dân nuôi cá hoàn toàn “mù tịt” thông tin về cơn mưa dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Đặc biệt, Hà Nội bị ngập nặng còn bởi tất cả các hồ, ao đã được chuyển chế độ quản lý theo  “mùa khô” vì vậy chúng đã không có tác dụng điều hòa  khi trận mưa ập đến. Có thể thấy, trận mưa lớn vừa qua đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong công tác dự báo và phòng chống thiên tai tại Thủ đô, nơi được coi là “luôn an toàn”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.