Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Vẫn chờ trám lỗ hổng

Việc ghi nhãn hàng “Made in Viet Nam” của Asanzo  gần đây dấy lên nghi ngại về việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Trong ảnh: Lắp ráp tivi tại Công ty Asanzo. Ảnh: UP
Việc ghi nhãn hàng “Made in Viet Nam” của Asanzo  gần đây dấy lên nghi ngại về việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Trong ảnh: Lắp ráp tivi tại Công ty Asanzo. Ảnh: UP
TP - Về việc gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Việc cần làm hiện nay chính là làm rõ cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa dựa trên nền tảng pháp lý nào, cũng như những hướng dẫn, tiêu chí để đảm bảo cấp C/0 đúng xuất xứ theo quy định quốc tế và quy định của Việt Nam. 

Xử lý gian lận xuất xứ: Ðuổi theo sự vụ

Tại cuộc họp về triển khai đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ của Bộ Công Thương cách đây ít ngày, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Sau những thông tin liên quan  gian lận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam thời gian qua, cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến việc thực thi pháp luật trong kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập hay tiêu dùng tại Việt Nam, cũng như hàng tái xuất, xuất khẩu với sự tham gia của hải quan, biên phòng và các lực lượng khác.

 “Việc giám sát xuất xứ hàng hóa hiện thiếu sự phối hợp nên sau đó không có phản hồi, không có sự xử lý rốt ráo dẫn đến “nhờn luật”, hiệu quả thực thi luật pháp không cao. Những câu chuyện về lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ là những đề án Bộ Công Thương cần tham gia trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đang có những diễn biến mới, không chỉ gian lận xuất xứ trong việc xuất khẩu hàng hóa mà ngay thị trường trong nước vẫn thiếu vắng những khuôn khổ pháp luật để xử lý các vi phạm này. Vì vậy, Tổng cục Quản lý Thị trường phải sơ kết lại từ năm 2008 đến nay xem có những diễn biến gì mới, tồn tại gì liên quan xuất xứ hàng hóa để xử lý. “Báo chí cũng nói nhiều về hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đây là hiện tượng mới để hưởng các ưu đãi thuế quan, gây tổn hại lòng tin về hàng hóa trong nước”, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, hiện có những hoạt động đầu tư mang tính hình thức để có thể gắn với xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Dẫn câu chuyện thép có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan gian lận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam khiến mặt hàng này bị Mỹ áp thuế tới 400%, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo cần đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại, xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu cũng như bán trong nước. Các cơ quan trực tiếp quản lý phòng vệ thương mại, từ nay đến cuối năm, cần xây dựng được danh mục các mặt hàng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa, có cơ chế giám sát đặc biệt như: gỗ, dệt may, giày dép, thép, máy móc, phụ tùng cũng như các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ khác...

Về việc giả mạo xuất xứ, theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, ông Nguyễn Hồng Dương, hiện nay có tình trạng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có chứa độc tố vượt mức cho phép, đặc biệt là thực phẩm. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ vào Việt Nam, có tình trạng hàng sản xuất từ nước ngoài dán nhãn Việt Nam. Đây là đường dây câu kết giữa trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một phần do xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng Việt hơn nên một số doanh nghiệp lợi dụng việc giả xuất xứ hàng Việt để trục lợi.

Cũng theo ông Dương, có doanh nghiệp vì lợi nhuận nên họ làm, sản xuất hàng hóa rất nhanh và không ai khai ra là “tôi đang gian lận xuất xứ”. Vì vậy hầu như chúng ta đang đuổi theo sự vụ, chạy theo sau để xử lý. Chế tài để hạn chế, xử lý đã có nhưng chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe.

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm ghi xuất xứ

Về cách ghi nhãn xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Theo đó, Nghị định quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu. Nghị định cũng quy định doanh nghiệp, cá nhân lưu thông hàng hóa phải tự xác định thông tin để dán nhãn hàng hóa. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ.

Theo ông Hải, với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 trước kia), Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Theo điều 3, khoản 1, Nghị định số 31 nêu: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng đó”.

Đối với Việt Nam, dù đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với những quy định cụ thể phục vụ cho hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất quan trọng hơn ghi xuất xứ

Chia sẻ tại lễ ra mắt Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía Bắc và hội thảo Hiệp định thương mại EVFTA mới đây tại Hà Nội, bà Bùi Kim Thùy, đại diện đến từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN cho hay, trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có các nội dung như mua sắm Chính phủ, rào cản thương mại, thuế, thương mại hàng hóa… Trong đó, quy tắc xuất xứ và cắt giảm thuế quan được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo bà Thùy, mọi người vẫn quen với việc ghi “Made in” đâu đó trên nhãn hàng hóa. Nhưng thực tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất đầy đủ cho phép doanh nghiệp sản xuất “Made in the world”. Do vậy, với bất kỳ một quy tắc xuất xứ nào, quy định công đoạn gia công trên lãnh thổ một quốc gia, vùng thì hoàn toàn có thể ghi "Made in..." hay "Assembled…" tại nơi đó. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất thì sẽ thuận lợi cho chúng ta xuất khẩu vào EU và ngược lại”, bà Thùy nói.

“Nếu không quan tâm đến chống gian lận xuất xứ, sẽ ảnh hưởng rất lớn việc hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều FTA với các nước. Khi đó chúng ta sẽ bị các đối tác để ý, ảnh hưởng rất lớn đến hàng xuất khẩu”.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

MỚI - NÓNG