Ngày 31/12/2014, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ký thông qua đề nghị xin gia nhập 20 công ước và tổ chức quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), mở đường cho các biện pháp pháp lý để Palestine có thể kiện Israel ra ICC.
Tổng thống Abbas khẳng định, việc làm này là đúng với quyền lợi của người Palestine hướng tới mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trên các đường giới tuyến năm 1967. Nhà lãnh đạo Palestine cũng cho biết, ông có ý định đưa các hành động của Israel trên lãnh thổ Palestine ra trước ICC.
Ngày 2/1/2015, trưởng Phái đoàn quan sát viên của Nhà nước Palestine tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Riyad Mansour, chính thức đệ đơn xin gia nhập ICC. Ông Mansour nhấn mạnh, Palestine xem đây là bước đi quan trọng nhằm đem đến công lý cho tất cả các nạn nhân thiệt mạng do sự chiếm đóng của Israel.
Theo trình tự, đơn đề nghị của Palestine sẽ được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xem xét và thông báo đến tất cả các nước thành viên ICC. Palestine sẽ phải chờ đợi ít nhất 60 ngày để có thể trở thành thành viên chính thức của cơ quan này.
Ngày 4/1/2015, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ một lần nữa trình lên Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo nghị quyết về lộ trình chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và thành lập nhà nước Palestine độc lập.
Mỹ tuyên bố động thái này của Palestine là hành động gây quan ngại sâu sắc và không giúp ích cho những nỗ lực hòa bình trong khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nhận định, đây là một bước đi khiến tình hình leo thang và sẽ không giúp người Palestine đạt được kết quả mong đợi.
Ðể bảo vệ Israel, Mỹ đã cảnh báo Palestine rằng, quyết tâm gia nhập ICC nhằm mở đường cho các biện pháp pháp lý chống Israel, có thể dẫn đến việc đình chỉ khoản viện trợ tài chính trị giá 440 triệu USD mà Mỹ dành cho Palestine hằng năm để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ngày 1/1/2015, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hối thúc ICC bác đơn của Palestine xin gia nhập tổ chức này với lý do Palestine “không được coi như một nhà nước”, mà thậm chí là “một thực thể có quan hệ với một tổ chức khủng bố”.
Ðiều này đi ngược lại với tinh thần thúc đẩy hòa bình tại Trung Ðông và không đúng với thực tế, khi năm 2012, LHQ nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên thành Nhà nước quan sát viên, qua đó mở ra khả năng cho phép Palestine được gia nhập ICC và những tổ chức quốc tế khác.
Ngày 4/1/2015, Israel quyết định hoãn chuyển cho phía Palestine tiền thuế thu hằng tháng trị giá 500 triệu shekel (125 triệu USD) mà theo kế hoạch, số tiền trong tháng 12/2014 lẽ ra phải được chuyển cho Palestine vào ngày 2/1/2015.
Các khoản tiền thuế này gồm thuế VAT và thuế hải quan đánh vào các loại hàng hóa được chuyển vào các vùng lãnh thổ Palestine qua Israel, do Israel thay mặt chính quyền Palestine thu và chuyển cho Palestine. Nếu không tính các khoản tài chính viện trợ bên ngoài, các loại tiền thuế này chiếm đến 2/3 nguồn ngân sách của Chính quyền Palestine và được dùng để vận hành chính phủ và trả lương cho công chức.
Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat cáo buộc động thái mới này của Tel Aviv là một “tội ác chiến tranh mới”. Ông khẳng định “Palestine sẽ không lùi bước trước các sức ép này” và cho biết lãnh đạo Palestine đang cân nhắc trình lên Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo nghị quyết kêu gọi đưa ra lộ trình dỡ bỏ phong tỏa của Israel từ năm 2016.