Đại biểu Quốc hội: Chống dịch quyết liệt là cần thiết nhưng không nên thái quá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy góp ý.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 25/7, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) lưu ý nhiều vấn đề trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo bà, việc chống dịch quyết liệt là cần thiết song không nên áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan.

Theo bà Thủy, thời gian qua có những địa phương đã có những phương pháp phòng chống dịch COVID-19 rất sáng tạo, khoa học, trên cơ sở nắm bắt tình hình đã đưa ra những biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa đến phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đại biểu Quốc hội: Chống dịch quyết liệt là cần thiết nhưng không nên thái quá ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh Như Ý

Tuy nhiên cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, hoạt động của doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định….

“Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, bà Thủy góp ý.

Về việc không công khai lịch trình của bệnh nhân, bà Thủy cho biết: Việc này khiến nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn, thậm chí bị "ném đá" trên mạng xã hội gây tổn thương và ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của gia đình họ. “Đây không phải là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch”, bà Thủy nói.

Để ngăn chặn việc này, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị không được công khai danh tính và lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân, chỉ công khai những địa điểm có bệnh nhân đến để người dân và cơ quan y tế áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Sau hai tháng thực hiện, Bộ Y tế ghi nhận đã nhận được sự hợp tác rất tích cực của người bệnh, an tâm cung cấp thông tin để từ đó truy vết kịp thời cũng như bảo vệ quyền riêng tư của họ, tránh tổn thương cho người bệnh.

Nhấn mạnh, đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp, bà Thủy cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là một quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.

Bà Thủy đề nghị Chính phủ giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh, tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra.

Cùng với đó, Chính phủ cần giao các bộ hữu quan rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.