Chống cứ chống, ngập vẫn ngập

Người dân bơm nước từ nhà ra mỗi khi trời mưa trên đường Phan Huy Ích (quận 12). Ảnh: Việt Văn.
Người dân bơm nước từ nhà ra mỗi khi trời mưa trên đường Phan Huy Ích (quận 12). Ảnh: Việt Văn.
TP - Hai cơn mưa đầu mùa trong vòng 4 ngày qua khiến người dân TPHCM lại đối mặt ngập lụt và kẹt xe. Nhiều dự án chống ngập tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đã và đang triển khai, nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Mưa là ngập

Đến hẹn lại lên, nhiều tuyến như: Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức), đường Phan Huy Ích (quận 12), đường An Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), đường Hậu Giang, Cao Văn Lầu (quận 6),… thường xuyên ngập nặng mỗi khi có mưa về.

Trong đó, tuyến đường An Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Phan Huy Ích (quận 12) xảy ra tình trạng ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn, gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Trên tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đã nâng đường nên khi mưa không xảy ra tình trạng ngập nhưng nhà dân lại thường xuyên bị nước chảy từ ngoài đường vào, gây ngập.

Bà Phạm Thị Minh Hòa (49 tuổi, ngụ đường An Dương Vương, quận 6), kể: “Đoạn đường này vừa được nâng lên cao nên hết ngập rồi. Nhưng nhiều nhà dân thấp hơn mặt đường, vì vậy mỗi khi mưa lớn, nước từ ngoài tràn vào, khiến căn nhà như “hầm” chứa nước mưa vậy. Cuộc sống đảo lộn mỗi khi trời mưa, rất khổ”.

Đang chuẩn bị nâng nền nhà lên thì một cơn mưa bất ngờ ập đến làm ướt hết vật liệu xây dựng, anh Thành (ngụ đường An Dương Vương, quận Bình Tân) buồn bực nói, đường đã nâng lên cao nhưng hệ thống thoát nước chưa hoàn thành khiến nước mưa không thoát kịp. Nhiều nhà có nền thấp hơn mặt đường mới tự nhiên thành “hầm” chứa nước. “Toàn bộ vật liệu xây dựng tôi mua về để nâng nền bị chìm trong nước, coi như bỏ chứ không xài được nữa”, anh Thành nói.

Trong hẻm 447/5 đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), mỗi khi mưa lớn là đường ngập lênh láng đến nửa thân xe máy. Anh Trương Văn Cần (29 tuổi, quê Kiên Giang) trọ tại hẻm này cho biết, lối vào hẻm thấp hơn nhiều so với mặt đường Hồ Ngọc Lãm nên thường xuyên bị ngập sâu. “Người thuê trọ phải bỏ nhà đi tá túc nơi khác chờ nước rút hết mới về dọn dẹp. Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa là khổ sở với nước ngập”, anh Cần than.

Để đối phó với nước ngập tràn vào nhà, anh Hùng, ở đường Phan Huy Ích, quận 12 cho biết, do lường trước việc mưa là ngập nên đã xây bậc chắn ở cửa nhà nhưng vẫn không ăn thua. Mỗi lần mưa ngập, anh Hùng phải chạy máy bơm nước. “Cuộc sống gia đình đảo lộn, ngừng buôn bán để chạy mưa lũ như thế này mỗi khi vào mùa mưa là một cực hình”, anh nói.

Chống cứ chống, ngập vẫn ngập ảnh 1 Đường Hồ Ngọc Lãm thành “sông” sau mỗi cơn mưa lớn. Ảnh: Việt Văn.

Ì ạch chống ngập

Nhiều năm qua, TPHCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng để chống ngập như dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM với số vốn gần 10.000 tỷ đồng do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt trung tâm chống ngập) làm chủ đầu tư (kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2021)…

Trung tâm chống ngập đang triển khai thực hiện 77 hạng mục công trình cấp bách (nguồn vốn ngân sách thành phố), hiện đã thi công xong 2 hạng mục, 5 hạng mục đang thi công và đang xin phép đào đường 11 hạng mục. Những hạng mục còn lại đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công để sớm triển khai trong tháng 5/2017.

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TPHCM, hiện TPHCM còn tồn tại 88 tuyến đường có tuyến cống bị xây dựng lấn chiếm với chiều dài gần 14.000km và 389 hầm ga. Hiện nay trung tâm chỉ mới khắc phục được 3 vị trí, còn lại 85 vị trí đang phối hợp với các đơn vị để khắc phục. Tình trạng kênh rạch bị lấn chiếm từ đầu năm 2017 đến nay là 67 vị trí, nhưng mới xử lý 3 vị trí. Ngoài ra, thành phố còn 53 vị trí lấn chiếm cửa xả nhưng cũng chỉ mới xử lý khắc phục được 2 vị trí.

Ông Cương cho biết, thời gian qua trước tình hình ngập diễn biến ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường sống người dân thành phố, trung tâm đã tham mưu cho UBND TPHCM và triển khai một loạt các giải pháp chống ngập. Trong năm 2017, trung tâm chỉ thực hiện các giải pháp xóa ngập do mưa gây ra trên 13 tuyến đường như đường An Dương Vương, Hậu Giang, Cao Văn Lầu, Hồng Bàng, Lương Văn Can,…

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị nhận định, cách chống ngập của TPHCM trong những năm qua không thay đổi. Cụ thể, có nhiều dự án chống ngập không phù hợp, không kết nối được với hệ thống thoát nước cũ và mới nhưng lại chưa được khắc phục.

Ở một góc nhìn khác, TS Trương Văn Hiếu (nguyên giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng, TPHCM cần nghiên cứu, đánh giá lại các giải pháp chống ngập hiện nay nếu không sẽ dẫn đến tình trạng ngày càng ngập nặng hơn. “Các dự án chống ngập của thành phố đang làm dàn trải, không tính toán kỹ. Ví dụ như việc thi công các cống thoát nước nhỏ hơn so với yêu cầu thực tế và bị quá tải, trong khi lượng mưa tăng lên hàng năm. Một số trạm bơm như trạm bơm Thị Nghè có công suất trên dưới 100m3/s, trong khi mưa lớn lưu lượng nước chảy xuống các cống của trạm này lên đến 600m3/s”- ông Hiếu dẫn chứng.  

“Qua kiểm tra hiện trạng hệ thống thoát nước cho thấy nhiều công trình xây dựng lấn chiếm hệ thống kênh rạch, miệng cửa xả, hố ga và tình trạng xả rác xuống kênh rạch còn phổ biến,…dẫn đến hệ thống thoát nước bị thu hẹp dòng chảy, gây ngập cục bộ”.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TPHCM

MỚI - NÓNG