Chông chênh xe buýt

Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng kém sức hấp dẫn với người dân Ảnh: PV
Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng kém sức hấp dẫn với người dân Ảnh: PV
TP - Xe buýt có ưu thế vượt trội như giá cước rẻ, an toàn, tiện lợi... song người dân ở TPHCM vẫn thờ ơ vì nhiều xe xuống cấp không phanh.

> Giá vé xe buýt trợ giá cao nhất là 10 nghìn đồng

Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng kém sức hấp dẫn với người dân Ảnh: PV
Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng kém sức hấp dẫn
với người dân. Ảnh: PV.

'Lô cốt' di động

Giữ vai trò chủ lực trong giải quyết ùn tắc giao thông song hiện nay, sau một thời gian khai thác, hàng loạt xe buýt bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.

Chiều 4-5, chúng tôi đón xe buýt biển số 53N 42... chạy tuyến Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia (mã số 50). Được đánh giá là chất lượng cao song chiếc xe buýt nói trên đang xuống cấp trầm trọng. Đầu xe, đuôi xe bị móp méo, sơn trên thành xe bị bong tróc từng mảng lớn. Nội thất chiếc xe xuống cấp không kém. Hệ thống máy lạnh gần như không còn hoạt động.

Giữa trưa nắng, ngồi trong xe ngột ngạt không kém lò bánh mì. Chưa hết, đệm mút của nhiều dãy ghế bọc da đã chai cứng. Khi xe đến Xa lộ Hà Nội, tài xế nhấn ga, không thèm tránh ổ gà. Do hệ thống giảm xóc kém, hành khách bị nhấc lên rồi rơi tự do xuống chiếc ghế cứng như khúc gỗ.

Theo lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Vận tải TPHCM, đơn vị này đang quản lý 800 xe buýt của các HTX. Đa số phương tiện được đầu tư trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2004. Sau gần 10 năm hoạt động hết công suất, hầu hết xe buýt đã xuống cấp trầm trọng, cần đại tu. Xe buýt xuống cấp chủ yếu chạy trên các tuyến Bến xe Miền Đông - Miền Tây, Chợ Lớn - Miền Đông, Sài Gòn- Thới An, Sài Gòn - Nhà Bè; Bình Khánh - Cần Giờ...

Đi xe buýt tại TPHCM Ảnh: P.V
Đi xe buýt tại TPHCM. Ảnh: P.V.

Chạy đến hỏng, sửa chạy tiếp

Trợ giá xe buýt 1.200 tỷ đồng/năm

Theo thống kê của Sở GTVT, nếu như năm 2002, tiền trợ giá cho xe buýt chỉ khoảng 39 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã tăng gấp 20 lần (khoảng 800 tỷ đồng).

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho biết: Trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, ngân sách phải hỗ trợ cho hoạt động xe buýt thêm 400 tỷ đồng/năm, nâng tổng số tiền hỗ trợ xe buýt lên 1.200 tỷ đồng /năm.

Theo Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải Phùng Đăng Hải, xe buýt chạy trên 240.000 km, tương ứng 3 - 4 năm hoạt động thì phải đại tu.

Với gần 400 triệu đồng/xe, chi phí này nằm ngoài tầm tay của hầu hết chủ phương tiện. Vì thiếu kinh phí, các đơn vị, chủ xe buộc phải sửa chữa tạm thời và cho xe hoạt động liên tục cho đến khi hư hỏng mới tiếp tục đưa đi sửa chữa tạm để... chạy tiếp.

Vì sao đã được trợ giá, nhiều nhà xe vẫn khó khăn ? Theo quy định, chủ xe phải trích khấu hao phương tiện khoảng 10 triệu đồng/xe/tháng. Tuy nhiên, với mức trợ giá và khoán như hiện nay, hầu hết chủ xe lâm vào tình trạng thu không đủ bù chi, dẫn đến việc ăn vào tiền khấu hao, không còn khả năng sửa chữa khi phương tiện hư hỏng lớn.

Năm 2010, TPHCM có trên 100 xe buýt ngưng chạy vì lỗ. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phải tăng giá vé 111 tuyến xe buýt được trợ giá vào đầu năm 2011 để bù lỗ.

Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở GTVT), Lê Trung Tính, từ năm 2003 đến nay, TPHCM chi khoảng 4.000 tỷ đồng để bù lỗ cho xe buýt. Tuy tiền trợ giá năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2010 xấp xỉ 1.000 tỷ đồng) song xe buýt chỉ đáp ứng 7,2% nhu cầu đi lại của người dân và không hoàn thành mục tiêu đến năm 2010 đáp ứng 35% nhu cầu.

Đầu tư xe mới - bế tắc

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, cho biết, Sở GTVT đã trình UBND TPHCM đề án mua khoảng 1.680 xe buýt mới giai đoạn 2011 - 2013, kinh phí dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhiều xã viên HTX xe buýt băn khoăn: Với dự án mua 1.318 xe buýt (giai đoạn 2002 -2004), xã viên chỉ phải trả vốn, lãi theo quý với lãi suất thấp (0,25%/tháng), thế mà đến nay, một số đơn vị vẫn không đủ khả năng trả nợ cho Cty Đầu tư tài chính TPHCM, do hoạt động không hiệu quả.

Đối với đề án mới, với lãi suất cho vay như hiện nay, dù được ngân sách hỗ trợ, các đơn vị vẫn phải trả lãi 8 - 10%/năm.Với khoản vay từ 800 triệu đến 1,7 tỷ đồng để mua xe, tính ra mỗi tháng, chỉ riêng tiền lãi, các đơn vị phải trả 5- 10 triệu đồng/xe.

Ông Trần Văn Ngọc, một chủ xe buýt, nhận định: “Gần đây, xăng dầu liên tục tăng giá. Việc bù trượt giá của thành phố lại không kịp thời, gây rất nhiều khó khăn cho nhà xe. Trong tình hình hiện nay, các đơn vị tránh không bị lỗ vốn đã là may mắn lắm rồi. Ngay cả tiền sửa chữa phương tiện, chủ xe còn không có, phải sửa tạm bợ, chạy lây lất, lấy đâu ra tiền để mua xe mới”.

Chuyện văn hóa xe buýt

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TPHCM, từ năm 2000, những người quản lý đô thị chỉ mới vẽ quy hoạch đường, chưa tính toán đến diện tích dành cho vận tải hành khách công cộng. Thiếu diện tích lưu thông, xe buýt có nhiều và rất rộng chỗ nhưng khách thì ít, trong khi đó xe máy chen chúc trên các tuyến đường.

Hiện nay, diện tích các bến kỹ thuật chuyên dụng cho xe buýt là 9,77ha, thấp hơn 5 lần so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, diện tích các đầu mối trung chuyển hành khách chỉ đạt 9,04ha, thấp hơn 3 lần so với nhu cầu.

Theo ông Lê Hải Phong - GĐ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, năm 2010, Trung tâm nhận được hơn 7.300 ý kiến khiếu nại của hành khách, trong đó có 629 trường hợp phản ánh nhân viên xe buýt phân biệt đối xử với hành khách; 1.759 trường hợp khiếu nại xe buýt bỏ trạm, không đón khách và 579 trường hợp không cho hành khách xuống trạm.

“Văn hóa ứng xử của lái xe, tiếp viên xe buýt hết sức quan trọng. Nếu ứng xử thiếu tế nhị và có những hành vi không đúng mực thì sẽ gây mất thiện cảm của hành khách với toàn hệ thống và hành khách sẽ không mặn mà với dịch vụ xe buýt” - ông Phong khẳng định.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên nhân khiến hành khách không thích đi xe buýt là do phải chờ đợi lâu (chiếm 32,9%), phải đi bộ xa (28,9%), xe chạy không đúng giờ (26,5%),... Năm 2010, xe buýt của TPHCM mới đáp ứng được khoảng 7,3% nhu cầu đi lại của người dân, trong khi tỷ lệ này ở thành phố Hà Nội là 15%.

Có 37% số hành khách không hài lòng nạn tài xế chạy nhanh, vượt ẩu; 45% không hài lòng về thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên. Chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng được người dân đánh giá chưa cao và có xu hướng giảm.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.