Chống buôn lậu, hàng giả: Con voi lọt lỗ kim

Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh Ảnh: Hồng Vĩnh
Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hiện nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt hàng giả, hàng lậu- “lực lượng hoành tráng, hùng mạnh” - nhưng hoạt động rời rạc, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, và hàng lậu vẫn tràn lan.

 Ngày 7/1, tại phiên họp giải trình về “Thực trạng, giải pháp phòng chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh ATTP” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải tổ chức chống tiêu cực ngay trong các lực lượng chống buôn lậu. 

Lực lượng hùng hậu nhưng thờ ơ, bất lực

Theo con số của Ban chỉ đạo 127 trung ương (Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương và các tỉnh, thành phố) do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trình bày, từ 2010 đến nay, gần 830.000 vụ vi phạm được xử lý; trong đó có gần 118.000 vụ buôn lậu, chiếm trên 14% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý. Hàng lậu, hàng giả tràn vào Việt Nam thuộc đủ mọi chủng loại, lĩnh vực...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận: Tình hình buôn lậu rất nóng, nhưng báo cáo giải trình lại “có vẻ bình bình”. Các đại biểu (ĐB) Bùi Nguyên Súy và ĐB Nguyễn Thế Trường thì lưu ý: Hiện chúng ta có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt hàng giả, hàng lậu- “lực lượng hoành tráng, hùng mạnh” - nhưng hoạt động lại rời rạc, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, và hàng lậu vẫn tràn lan.

Ở đâu cũng mua được hàng lậu, hàng giả; tư thương buôn bán ngang nhiên từ cây kim, sợi chỉ đến các mặt hàng gia dụng, cồng kềnh... nói lên sự thờ ơ, bất lực của cơ quan chức năng.

Giải đáp nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn chủ yếu vì lý do “khách quan” chung chung như: Do đường biên giới dài, lực lượng mỏng trong khi tình hình diễn biến phức tạp, thiếu kinh phí, phương tiện; chính sách pháp luật còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể; tuyên truyền chưa đúng mức...

ĐB Trần Du Lịch phản biện đặt vấn đề nguyên nhân không nhỏ của thực trạng hàng lậu tràn lan là tiêu cực trong chính lực lượng chống buôn lậu chứ không phải cơ chế.

Về ý kiến sắc sảo này của ĐB Lịch, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận chắc chắn là vẫn có hiện tượng tiêu cực trong lực lượng QLTT, tuy nhiên chỉ là số ít.

Bên cạnh đó, cũng có vấn đề lực lượng còn “mỏng” không đáp ứng được yêu cầu, Bộ Công Thương đang đề nghị tăng thêm khoảng 1.000 người đối với địa bàn trọng điểm.

Cho rằng “có bảo kê trong hoạt động buôn lậu”, ĐB Nguyễn Sĩ Cương nêu các ví dụ như vụ buôn lậu hơn 2 triệu lít dầu DO của Công ty Hoàng Sơn (Thanh Hóa) dễ dàng vượt qua kiểm soát của các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển; vụ hơn 120 thùng các tông thuốc lá (64 nghìn bao) được bốc dỡ trước mặt lực lượng bộ đội biên phòng, cửa khẩu tại Quảng Ninh, 230 kg ma túy lọt qua kiểm tra của sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).

Còn ĐB Đỗ Văn Đương cho biết ông nhận được khiếu nại tố cáo lực lượng QLTT bao che, tiếp tay cho buôn lậu khiến hàng giả, nhái tràn lan. Với con số trên 5.000 người, đại biểu Đương đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời về hiệu quả làm việc của đội ngũ này.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn con số với hơn 5.000 cán bộ QLTT một năm chi lương khoảng 200 tỷ đồng, 3 năm 600 tỷ, trong khi số tiền lực lượng quản lý thị trường xử phạt thu về cho ngân sách trong 3 năm là 1.395 tỷ. Bộ trưởng cũng nói thêm, con số này chỉ phản ánh một khía cạnh, không phải là hiệu quả cao hay thấp mà chỉ để nói là lực lượng QLTT đã có cố gắng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định công tác thanh tra lực lượng QLTT được tiến hành thường xuyên, nên phát hiện một số tiêu cực, việc luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác cũng nghiêm túc. Năm 2012 và nửa đầu 2013, 45 cán bộ quản lý thị trường đã bị xử lý; trong đó cách chức 2, buộc thôi việc 4 và cảnh cáo 39 người.

Xử người xách hàng, chưa đe đầu nậu

ĐB Trần Du Lịch không tán thành biện pháp chủ yếu bắt, rượt đuổi người làm thuê chở hàng lậu mà bỏ qua các đầu nậu, chủ hàng. “Không đánh từ gốc, mà cứ bắt ngọn làm sao giải quyết được?”, ông Lịch nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng đó là ý kiến xác đáng. “Muốn căn cơ thì phải xử lý đầu nậu và đường dây có tổ chức, còn nhỏ lẻ thì ý nghĩa không có nhiều, xin nhận là báo cáo chưa nêu đầy đủ”, ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng giải pháp biện pháp căn cơ để chống buôn lậu là tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực biên giới để họ không tham gia mang vác hàng hoá nhập lậu cho các đầu nậu như hiện nay.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Hữu Hùng cho rằng hiện nay việc xử lý hình sự buôn lậu rất ít, “vậy vướng ở khâu nào?”.

Tham gia giải trình, trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết trong giai đoạn 2010 - 2013, hơn 3.000 vụ buôn lậu đã bị khởi tố, trung bình 700 vụ và 1.000 bị can mỗi năm. Riêng 2013 là gần 1.000 vụ với 1.281 bị can.

Dù vậy, trung tướng Lực cho rằng công tác xử lý rất khó khăn vì quy định pháp lý chưa đủ răn đe khi chỉ xử phạt người buôn bán hàng lậu 300.000 đến 10 triệu đồng, không tương xứng với giá trị hàng chục tỷ đồng của lô hàng.

Để xử lý hình sự các đầu nậu rất khó khi phải chứng minh lô hàng được buôn lậu qua biên giới. Trong khi đó, các chủ hàng bị bắt đều khai là hàng hóa mua gom ở chợ biên giới - việc được pháp luật cho phép (mỗi người dân vùng biên được mua 2 triệu đồng hàng hóa mỗi ngày mang về từ bên kia biên giới).

“Tháng vừa rồi chúng tôi bắt 13 vụ, có vụ tiền tỷ nhưng không xử lý được. Tôi đề nghị có quy định nếu là hàng nước ngoài mà không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ là xử lý”, trung tướng Lực nói.

Kết thúc phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các năm qua tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp và gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta không thể xem nhẹ mặt hàng tiêu dùng, chỉ lấy ví dụ 80% tăm là nhập, ta sử dụng hàng ngày, trong khi Việt Nam tre trúc rất nhiều mà ta không sản xuất”, Phó Chủ tịch nêu ví dụ.

Buộc thôi việc 4/5.200 cán bộ Quản lý thị trường
Trước câu hỏi về việc đánh giá năng lực của cán bộ Quản lý thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết về công tác thanh tra, phát hiện tiêu cực, năm 2012 và nửa đầu 2013 đã xử lý  45 cán bộ Quản lý thị trường; trong đó cách chức 2, buộc thôi việc 4 và cảnh cáo 39 người trong tổng số hơn 5.000 cán bộ. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vấn đề mà đại biểu và cử tri mong muốn là sau các phiên họp, giải pháp mà các bộ, ngành đưa ra có hiệu quả như thế nào. Muốn vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong xử lý. “Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác chống tiêu cực trong các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.


MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.