Chọn nghề: Thầy trò cùng băn khoăn
> Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS
> Hơn 4.000 SV được đào tạo kỹ năng mềm miễn phí
“Em thích làm lãnh đạo thì nên học ngành nào?”, “Điển trai là lợi thế của em. Nếu muốn trở thành diễn viên nổi tiếng thì em cần phải rèn luyện những gì?”, “Em là nam có hợp với ngành... phụ sản không?”... Đó là những câu hỏi đặt ra cho ban tư vấn chương trình tổ chức chiều 12-1 tại Trường THPT Long Khánh (Đồng Nai).
Các bạn học sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 ở Trường THPT Long Khánh, tỉnh Đồng Nai chiều 12-1. Ảnh: Minh Đức. |
Đây là lần đầu tiên chương trình về với học trò thị xã Long Khánh. Ngoài lực lượng học sinh “chủ nhà”, hơn 2.000 học sinh các trường THPT Văn Hiến, Xuân Lộc, Sông Ray, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... từ các huyện lân cận như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc cũng về dự tư vấn.
Là đơn vị “đăng cai”, học sinh trường “chủ nhà” đã rất chuyên nghiệp để đón tiếp các “sinh viên tương lai” đến từ các trường bạn. Những đoàn viên mặc áo xanh, cầm bảng tên ghi “Trường THPT Xuân Lộc”, “THPT Trần Phú”, “THPT Văn Hiến”... để đón khi các bạn vừa xuống xe. Sau đó, cứ hai hàng thẳng tắp nối đuôi nhau vào những hàng ghế ngay ngắn mà ban tổ chức đã bố trí sẵn. Là học sinh lớp 10, bạn Nguyễn Thị Thanh Hà (học sinh Trường THPT Long Khánh) nói mình cũng náo nức vì được “tiếp sức cho các anh chị lớp 12”.
Điển trai chưa đủ...
Bước vào phần tư vấn, trước khi thông tin về những điểm mới trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - khiến một rừng một học sinh ồ lên, vỗ tay... cổ vũ khi thầy thừa nhận: “Tôi rất hay phát biểu trước đám đông. Nhưng nhìn các em đông quá, tôi cũng hơi khớp”. Sau đó, TS Nghĩa còn nhận những tràng pháo tay giòn giã từ phía các cô cậu học trò khi “bật mí”: “Trường này (THPT Long Khánh, Đồng Nai) có một cựu học sinh đang làm lãnh đạo một trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Đó là PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật. Các em hãy noi gương các thầy cô, anh chị đi trước của mình”.
Khi MC Trường An đọc câu hỏi: “Điển trai là lợi thế của em”, cả sân trường nhao lên cắt ngang lời. Phải khó khăn lắm MC mới đọc được tiếp câu hỏi: “Nếu muốn trở thành diễn viên nổi tiếng thì em cần phải rèn luyện những gi? Em tên là Võ Tấn Khoa, học sinh Trường THPT Văn Hiến”. Khi MC mời “chủ nhân” của câu hỏi trên đứng dậy, cả sân trường cũng đồng loạt... đứng dậy hướng mắt nhìn về phía khu vực Trường THPT Văn Hiến. “Người điển trai” vẫn chưa xuất hiện.
Được mời tư vấn câu hỏi khó, TS Phạm Tấn Hạ cười tươi nhận định “đây là một câu hỏi thú vị” trước chia sẻ: “Đẹp trai là ấn tượng ban đầu tốt khi người khác nhìn vào. Đó là lợi thế của em. Tuy nhiên, nếu em có ý định trở thành diễn viên sân khấu, điện ảnh thì phải cần có thêm năng khiếu để hóa thân vào nhân vật của mình, mang lại cảm xúc cho người xem. Em cũng lưu ý là ngoại hình chỉ tạo ấn tượng ban đầu, muốn theo nghề này em phải xem năng khiếu của mình để có thể làm tốt đam mê của mình, để có thể theo nghề”. TS Hạ cũng muốn “người điển trai” đứng dậy vì “bên cạnh điển trai cũng cần tự tin” như lời MC Trường An, nhưng chủ nhân của câu hỏi này vẫn là một ẩn số.
Cẩn thận ghi chép lời tư vấn của các thầy cô trong ban tư vấn, cô học trò có gương mặt trắng ngần và nụ cười rất xinh Trần Thị Ngọc Anh - học sinh Trường THPT Long Khánh - tâm sự rằng bạn đang băn khoăn giữa Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh và Trường ĐH Luật TP.HCM. “Nhiều người nói em hợp với điện ảnh, vì từ nhỏ em đã đi diễn kịch ở thị xã, tỉnh. Nhưng em cũng... mới thích thêm ngành luật vì em thấy nhiều người không biết luật. Biết luật em sẽ giúp ích được nhiều người”.
Băn khoăn
13h30. Chương trình tư vấn bắt đầu. Một phụ huynh ngồi trước cổng Trường THPT Long Khánh đợi con. Mời vào trong ngồi dự, bà kể lại hành trình đi nghe tư vấn của hai mẹ con từ thị trấn Gia Ray (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). “Trường có tổ chức đoàn đi nhưng cháu say xe, tôi phải đi xe buýt” - bà tâm sự. Từ 11h30, hai mẹ con cơm nước xong là lên xe. Xuống xe, ngồi nghỉ mệt ở một quán nước mía thì được học sinh Trường THPT Long Khánh đưa đến đây.
Hỏi chuyện ngành nghề, người mẹ chân chất kể: “Chọn ngành thì cháu thích nhiều ngành. Gia đình tôi cũng chưa biết cho cháu đi ngành nào”. Ngập ngừng một chút, bà nói tiếp: “Thấy lo quá, có ba đứa cháu ra trường mà vẫn ở nhà vì chưa có việc làm. Cũng nghe nói xin việc phải mất 140 triệu đồng, tôi cũng chưa biết sao. Tôi đưa con đến mong thầy cô biết lối nào tư vấn giúp mẹ con tôi”. Bà nói thêm: “Cháu thi học kỳ môn toán, thầy nói nếu không được 8-9 điểm thì đừng có mơ đậu ĐH. Tôi chưa biết sao”.
Thầy Phạm Hương Sơn - bí thư Đoàn Trường THPT Võ Trường Toản - cho biết trường có khoảng 100 học sinh đại diện khoảng 600 học sinh lớp 12 của trường đi tham dự. Trường lựa chọn các học sinh là lớp trưởng, bí thư chi đoàn đi nghe về phổ biến lại cho các bạn trong lớp. Ngồi lẫn trong những tà áo dài thướt tha, những bộ đồng phục học sinh còn có một... nhà sư đến nghe tư vấn. Nhà sư Nhuận Vân (chùa Viên Quang, Cẩm Mỹ) tâm sự: “Tôi đang theo học tại Trường THPT Võ Trường Toản. Tôi định dự thi vào ngành ngôn ngữ tiếng Trung Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sau này không ra đời làm nhưng ngành này sẽ giúp ích tôi rất nhiều”.
Lẫn trong đám đông học trò, cô giáo trẻ Hoàng Thị Thúy Nga tâm sự rằng việc chọn ngành nghề của học sinh “cả thầy lẫn trò ở trường đều băn khoăn”. “Nhiều ngành mới mở, nhiều ngành nhân lực bão hòa... thông tin hướng nghiệp không nhiều nên chúng tôi mong muốn sẽ được nghe nhiều hơn về ngành nghề, học phí, tương lai... của các trường”.
Theo Hà Bình
Tuổi Trẻ