Chôm Lôm - nhịp cầu của lòng nhân ái

TP - Từ sáng kiến của báo Tiền phong, chiều 10/11, cầu Chôm Lôm (Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Người dân Lạng Khê phấn khởi đón “nhịp cầu nhân ái”, được đóng góp từ những tấm lòng từ thiện của bạn đọc báo Tiền phong.

>> Nước mắt Lạng Khê

Nỗi đau và lòng nhân ái

Cây cầu xây được từ lòng nhân ái - chấm dứt cảnh “qua sông lụy đò” của người dân nơi đây

Ngay sau khi báo Tiền phong mở cuộc vận động xây cầu Chôm Lôm, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An ra thông báo số 161 (ngày 13/10/2006) chỉ đạo Tỉnh Đoàn và Đài PTTH hưởng ứng, phối hợp tổ chức cầu truyền hình nhân đạo. Trong đêm 21/10/2006, hơn 500 đơn vị, cá nhân đến Đài PTTH ủng hộ hàng trăm triệu đồng.

Anh Trần Duy Ngoãn – Giám đốc Đài PTTH một trong những thành viên tích cực tham gia cuộc vận động của Tiền phong. Vừa gửi thư đến các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, anh vừa gọi điện cho bạn bè trong Nam ngoài Bắc, vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền xây cầu Chôm Lôm.

“Hàng ngày, chúng tôi đón tiếp nhiều học sinh tiểu học, THCS đến trụ sở Đài PTTH góp tiền xây cầu, nhiều cháu nhỏ nhịn ăn sáng, bớt tiền ăn quà để ủng hộ tiền xây cầu” – Anh Trần Duy Ngoãn nói.

Cháu Bùi Quang Kiên, học sinh lớp 1 D, trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vinh nhịn 20 ngày ăn sáng, ủng hộ 100.000 đồng. Em Lê Thị Quỳnh Trâm, lớp 6C, trường THCS Lê Lợi tiết kiệm được 100.000 đồng... Tỉnh Đoàn và Sở GD&ĐT Nghệ An ký văn liên tịch phối hợp phát động toàn thể đoàn viên, thanh niên, các em thiếu niên ủng hộ tiền xây cầu.

Hưởng ứng cuộc vận động của Tiền phong, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc. Điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á ủng hộ 100 triệu đồng; Cty sữa Vinamilk 500 triệu đồng; ông Võ Hồng, Tổng Cty Bến Thành – Matxcơva (quê Thanh Chương, Nghệ An) ủng hộ 500 triệu đồng; Cty Xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới TechCo 100 triệu đồng;

TS Nguyễn Minh Hồng (quê Thanh Lâm, Thanh Chương) – Chủ tịch CLB các doanh nghiệp Nghệ An tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng các tiến bộ y học vào Việt Nam (số 28 – đường Điện Biên Phủ, Hà Nội): 50 triệu đồng; MeLinhPLAZA - Euro Window (số 30, Lý Nam Đế, Hà Nội): 100 triệu đồng, VIBank – Ngân hàng Quốc tế chi nhánh Vinh, C1, Quang Trung, TP Vinh: 100 triệu đồng...

Sau 4 tháng phát động, tổng số tiền các nhà hảo tâm quyên góp là 4,3 tỷ đồng. Ngày 21/12/2006, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật. Ngày 2/2/2007, quyết định phê duyệt kết quả thầu dự án cầu treo Chôm Lôm được ban hành.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hành (bìa trái), Tổng Biên tập báo Tiền phong Dương Xuân Nam (thứ ba từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc (thứ năm từ trái sang) cắt băng khánh thành cầu Chôm Lôm. Ảnh: Quang Long - Sĩ Minh

Một ngày không thể nào quên!

Ngày 10/11 là ngày hội của người dân Lạng Khê. Đầu giờ chiều, hơn 3.000 người tập trung hai bên mố cầu treo Chôm Lôm, đón xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ thông xe do Đài PTTH Nghệ An thực hiện.

Dự buổi lễ khánh thành cầu Chôm Lôm có ông Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập báo Tiền phong; ông Nguyễn Văn Hành- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An; ông Hồ Đức Phớc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hường- Bí thư Tỉnh Đoàn, lãnh đạo các sở, ban, ngành và Huyện ủy, UBND huyện Con Cuông.

Sân khấu nhỏ được dựng ở ngoài trời, dưới chân mố Nam cầu Chôm Lôm. Hình ảnh bến đò cũ và vụ đắm đò ngày 7/10/2006 được tái hiện qua phóng sự của PV Đài PTTH, xúc động nghẹn ngào, hàng vạn khán giả đã rơi lệ. Khi bài hát tiễn đưa 19 học sinh bị nạn của nhạc sỹ Quang Dậu cất lên, nhiều bà mẹ bật khóc nức nở.

Khi biết tin cầu Chôm Lôm khánh thành, nhiều độc giả báo Tiền phong gọi điện đến Ban đại diện của báo tại Nghệ An bày tỏ sự cảm ơn và lòng vui mừng!

Tiền phong là tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ đắm đò Chôm Lôm. Ngay sau khi nhận được tin đắm đò ở Lạng Khê, Ban biên tập đã họp bàn và thống nhất mở cuộc vận động quyên góp xây cầu Chôm Lôm góp phần chia sẻ đau thương mất mát của người dân huyện Con Cuông.

Cuộc vận động của báo Tiền phong được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An nhiệt tình ủng hộ; Đài PTTH và Tỉnh Đoàn nhiệt tình hưởng ứng. Chúng tôi xin cảm ơn bạn đọc trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm gần xa đã quyên góp tiền xây cầu với tinh thần tương thân tương ái, với đạo lý dân tộc: Thương người như thể thương thân” - Tổng Biên tập Dương Xuân Nam phát biểu tại buổi lễ.

Sẽ xây nhiều cầu treo cho đồng bào miền Tây Nghệ An

Niềm vui của người dân trong ngày khánh thàn

“Chúng tôi cảm ơn báo Tiền phong, cảm ơn các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã quyên góp tiền ủng hộ xây cầu Chôm Lôm. Tới đây, tỉnh Nghệ An sẽ xây thêm 12 chiếc cầu cho đồng bào miền núi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc nói.

Trên tuyến đường 7, dọc sông Lam lên huyện Kỳ Sơn, một số cầu treo đã được khởi công xây dựng, dự kiến đến năm 2010, hàng loạt chiếc cầu bắc qua sông Lam sẽ hoàn thành.

Như vậy, sáng kiến của báo Tiền phong đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, nhịp cầu của lòng nhân ái không chỉ hiện hữu ở Chôm Lôm mà còn ở miền Tây xứ Nghệ - vùng đất còn nhiều khó khăn.  

Từ đây, nhịp cầu Chôm Lôm trở thành một phần máu thịt của người dân Lạng Khê. Chiếc cầu hình mặt trời mọc không chỉ nâng niu bước chân của trẻ thơ đến trường, chấm dứt cảnh “qua sông luỵ đò”, mà còn tô đẹp cho bản làng.

Bí thư chi bộ bản Chôm Lôm Lộc Đình Thi nói: “Người dân Lạng Khê nói chung, Chôm Lôm nói riêng, sẽ tổ chức quản lý tốt cây cầu và xem đây là tài sản chung của mọi gia đình, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ”.

Những người thợ xây dựng của Cty TNHH 201 và Cty Ngọc Bích gần một năm bám trụ miền sơn cước, chịu cái nắng nóng khắc nghiệt của gió Lào, đội cơn mưa rét buốt của núi rừng, họ đã vượt qua thử thách làm nên cây cầu nhân ái này.

Giám đốc Cty 201 Phan Thanh Sơn tâm sự: “Vận chuyển được khối lượng sắt thép khổng lồ vượt qua sông Lam vùng thượng nguồn nhiều thác ghềnh là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn. Trong điều kiện như vậy, tốp công nhân thi công đã phải kết bè, bốc vật liệu xây dựng lên thuyền hoặc dùng phao qua sông. Tuy vất vả, nhưng ai cũng tự hào vì được thi công một công trình nhân đạo, có ý nghĩa đặc biệt!”.