Chơi nhạc giao hưởng giữa đại dịch

Nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên trong đêm diễn nhạc giao hưởng lớn nhất thế giới trong đại dịch COVID-19 Ảnh: HSBO
Nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên trong đêm diễn nhạc giao hưởng lớn nhất thế giới trong đại dịch COVID-19 Ảnh: HSBO
TP - Trong đêm biểu diễn nhạc thính phòng đầu tiên sau đại dịch COVID-19 tại Nhà hát lớn TPHCM, khán giả - có nhiều người nước ngoài, rất tò mò về nữ nghệ sĩ piano Việt Nam duyên dáng nhưng có tiếng đàn rất cuốn hút. Người đó là Nguyễn Thùy Yên, một nghệ sĩ piano đam mê nghề nghiệp hiếm có.

Những đêm mất ngủ thời sinh viên

Nguyễn Thùy Yên là thế hệ nghệ sĩ trẻ được đào tạo chính quy trong nước. Tuy vậy, giảng viên của cô tại Nhạc viện TPHCM là một cô giáo từng nhiều năm học tập ở nước ngoài. Nguyễn Thùy Yên nói: “Từ ngày ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi được cô giáo dạy rằng, chúng tôi học tập, nỗ lực và suốt đời phụng sự cho công việc biểu diễn, phục vụ công chúng”.

Nguyễn Thùy Yên sinh năm 1976 và cô bắt đầu học đàn piano từ năm 1983. Những năm tháng dài đằng đẵng, khi các bạn bè vui chơi thì cô bé lại tiêu hết thời gian của mình với cây đàn piano.  

Nghệ sĩ từng chia sẻ với cô giáo của mình, nhà giáo ưu tú Trần Thanh Thảo: “Thời đi học, mỗi tuần con ngủ không ngon hai tối trước ngày trả bài cô. Mà chắc mấy bạn kia cũng vậy thôi, không khá hơn con đâu. Nhờ cô mà bọn con đã trưởng thành như ngày hôm nay”.

Nhờ tài năng và sự khổ luyện, Nguyễn Thùy Yên được đánh giá là một tài năng piano và ngay sau khi tốt nghiệp,  cô được mời tham gia nhiều chương trình biểu diễn độc tấu và hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng - NSƯT Trần Vương Thạch, dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TPHCM dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Jan Stulen (Hà Lan).

Vẻ duyên dáng, sự thuần thục và sự sáng tạo trong biểu diễn giúp cô trở thành một nghệ sĩ được đài truyền hình TPHCM quan tâm. Hằng năm cô có các chương trình biểu diễn, ghi hình phát trên truyền hình. Cô biểu diễn trong Piano Festival 2011 của Nhạc viện TPHCM, là thành viên Ban giám khảo cuộc thi Quốc tế Tài năng trẻ Piano Steinway 2012 vòng thi quốc gia. Cô cũng là giám khảo cuộc thi Piano TPHCM 2017…

Tập 6 tháng, chơi trong 30 phút

“Mỗi tác phẩm  lớn, tôi cần khoảng 6 tháng để tập luyện” - Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Yên tâm sự.  

Đại dịch COVID-19 xảy ra, việc giảng dạy và biểu diễn ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ Tết Nguyên đán đến tận mùa hè, Nhà hát giao hưởng vẫn chưa có buổi biểu diễn khai xuân! Nguyễn Thùy Yên vẫn miệt mài với cây đàn trong cơn bão COVID-19 hoành hành toàn cầu.

Vinh dự đến với cô, khi Nguyễn Thùy Yên là nữ nghệ sĩ piano được chọn biểu diễn trong chương trình đầu tiên trong mùa diễn năm 2020 của Dàn nhạc Giao hưởng HBSO ra mắt khán giả vào trung tuần tháng 6.

Thông báo của Nhà hát HBSO nhấn mạnh: “Có thể nói Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng- Nhạc, Vũ kịch TPHCM rất vinh dự và tự hào là dàn nhạc đầu tiên trên thế giới sau đại dịch vừa qua, tổ chức biểu diễn hoà nhạc bán vé với lượng khán giả chật kín chỗ ngồi trong khán phòng hoà nhạc gần 500 chỗ. Trong khi, một số dàn nhạc trên thế giới mới chỉ bắt đầu khởi động biểu diễn với quy định khán giả phải ngồi giãn cách 1,5m-2 m”.

Trong đêm diễn lịch sử này, nghệ sĩ Nguyễn Thùy Yên và nghệ sĩ  Phạm Nguyễn Anh Vũ đã trình diễn bản Concerto viết cho 2 đàn piano, K365 của nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart.

Để chuẩn bị cho tác phẩm kinh điển của Mozart, Nguyễn Thùy Yên tập đàn ở nhà trong những ngày cách ly xã hội, rồi tập ở trường, những lúc sinh viên chưa tới thì cô giáo ngồi vào tập. Nhiều hôm cô tập xuyên trưa đến chiều! Cô tập một chương, một đoạn, để rồi kết hợp chúng lại với nhau.

Đêm diễn đầu tiên của nền âm nhạc bác học Việt Nam sau những ngày cách ly COVID-19 tràn ngập khán giả trong nước và nước ngoài, tiếng vỗ tay ca ngợi không dứt. Khán giả Mỹ Hạnh nhận xét: “Nguyễn Thùy Yên đã biểu diễn thành công. Thật tuyệt vời!:

Chút tự hào

Nguyễn Thùy Yên có một thời gian ngắn học tập biểu diễn âm nhạc tại Mỹ, còn lại, cô đều học tập tại Việt Nam. Cô nói: “Gần như một thông lệ, đa số các nghệ sĩ độc tấu trong các chương trình âm nhạc cổ điển thính phòng tại Việt Nam là nghệ sĩ nước ngoài, hoặc nghệ sĩ Việt Nam nhưng được đào tạo tại nước ngoài. Những nghệ sĩ hoàn toàn học tập trưởng thành trong nước như trường hợp của tôi là rất, rất hiếm!”.

Thùy Yên phải nỗ lực để có thể tự tin và được công nhận như một nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế, dù rằng cô chỉ học tại Việt Nam. Cô giáo của Thùy Yên, nhà giáo ưu tú Trần Thanh Thảo, người từng tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky đã giúp học trò rất nhiều trong việc hình thành và hoàn thiện kỹ năng biểu diễn. Thùy Yên cũng nói:  “Tôi cũng may mắn được giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM, nên thường được giao lưu, làm việc, biểu diễn cùng các nghệ sĩ, các giảng viên nổi tiếng thế giới tới nhạc viện làm việc. Những lần như vậy, giúp tôi hòa mình vào dòng chảy âm nhạc đương đại”.

Theo Thùy Yên, chỉ cần bỏ sân khấu vài năm, thì việc lên sân khấu sẽ “rất ngại”. Cần phải duy trì việc biểu diễn thường xuyên. Việc nắm cơ hội biểu diễn với các nghệ sĩ lớn và các dàn nhạc là điều “không thể bỏ qua”, cần phải “nắm lấy cơ hội”, muốn vậy, phải nỗ lực luyện tập liên tục. Ngoài việc biểu diễn tại Nhạc viện TPHCM, như chương trình biểu diễn song tấu Piano với nghệ sĩ Igor Chystokletov, nghệ sĩ còn ra Hà Nội biểu diễn tại Học viện âm nhạc Quốc gia trong chương trình tôn vinh nghệ sĩ Thái Thị Liên (Mẹ nghệ sĩ Đặng Thái Sơn)…

Thùy Yên nói: “Tôi phải tự mày mò nghiên cứu, biểu diễn các tác phẩm mới của thế giới. Có khi chỉ xếp ngón tay sao cho hợp lý, tôi mất cả tuần. Có khi vì một dòng nhạc, tôi mất một tháng trời để tìm ra cách xử lý. Cá biệt, có một trang nhạc tôi mất 6 tháng trời bế tắc không giải quyết được. Đến lúc Nhà hát treo quảng cáo chương trình biểu diễn, tự dưng bật ra được cách giải quyết, tôi mừng rỡ vô cùng!”.

Chụp ảnh thiên nhiên

“Tôi thường dành những ngày nghỉ ngơi cho việc chụp ảnh thiên nhiên” – Nghệ sĩ piano vui vẻ kể- “Tôi chụp được rất nhiều ảnh chim chóc mà không tìm thấy ở đâu. Những lúc như thế, tôi khoan khoái nhìn ngắm những bức ảnh của mình”.

Người nghệ sĩ Piano đi săn tìm những tổ chim, những lùm cây nơi đàn chim về làm tổ, hót cùng nhau. Chim mẹ cho chim con ăn. Tiếng chim líu lo như một bản hòa tấu tự nhiên đầm ấm. Cô lặng lẽ, hồi hộp bấm máy rồi lặng lẽ về nhà mở ảnh ra ngắm. Đó là những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi.

Nguyễn Thùy Yên tiết lộ: “Mỗi lần sắp diễn, tôi lại lo lắng, căng thẳng trong cánh gà: Tôi tự trách mình: Tại sao lại tự mình đặt mình vào tình thế như thế này chứ! Nhưng rồi, diễn xong, thấy yêu nghề thêm, liền đặt ra một dự định mới, một kế hoạch mới!”.

 

Nghệ sĩ Piano Nguyễn Thùy Yên tốt nghiệp hạng xuất sắc bậc Ðại học chuyên ngành Biểu diễn Piano tại Nhạc viện TPHCM năm 2000 dưới sự hướng dẫn của Nhà giáo ưu tú Trần Thanh Thảo.  Năm 2005, cô tốt nghiệp bậc Cao học chuyên ngành Biểu diễn Piano với sự hướng dẫn của cố GS.NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn – nguyên Trưởng khoa Piano Nhạc viện Hà Nội và GS.TS.NGND Trần Thu Hà – nguyên Giám đốc Nhạc viện  Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Cô là giám khảo cuộc thi Piano TP. Hồ Chí Minh 2017. Hiện nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên là Phó Trưởng khoa Piano, Nhạc viện TPHCM.

Chơi nhạc giao hưởng giữa đại dịch ảnh 1

Một bức ảnh thiên nhiên do nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên chụp

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.