Chọi bò trên Cổng Trời

Quyết đấu
Quyết đấu
TP - Chọi bò là thú chơi không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào Mông ở vùng Mường Lống, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An. Đấu trường mở ra và khi cuộc chiến kết thúc, dù thắng cuộc nhưng bò không được trao giải. Bù lại, bò chọi được khách hàng mua với giá cao ngất ngưởng.
Quyết đấu
Quyết đấu . Ảnh: P.S

Săn bò chọi

Anh Và Bá Lỳ, một tay chuyên săn bò chọi cho biết: Để săn tìm được một chú bò chọi quả không dễ chút nào. Anh Lỳ phải đi lùng khắp các bản làng ở Kỳ Sơn. Có khi đi cả tháng trời mà không tìm được chú bò nào cho ưng ý.

Anh Và Chá Xà, một người chuyên chơi bò chọi tiết lộ: Để chơi bò chọi không phải ai cũng có thể chơi được. Thường ở Mường Lống nhà nào kinh tế khá trở lên mới dám đầu tư nuôi bò chọi. Vì ngoài giá bò chọi cao, cách nuôi nấng chăm sóc đòi hỏi công phu và tốn kém.

Anh Lỳ giải thích: để trở thành bò chọi, trước hết phải là những chú bò khỏe mạnh, sừng dài gấp mấy lần so với những chú bò bình thường, u to, vai nở, mình thon… Hơn hai mươi năm trong nghề săn bò chọi, giờ chỉ nhìn thoáng qua là biết ngay bò chọi được hay không.

Ngoài việc săn tìm bò chọi cho gia đình, anh Lỳ còn cung cấp bò chọi cho bà con xa gần. Vì ở Mường Lống đấu trường bò thường xuyên được mở ra nên anh Lỳ cũng như một số người làm nghề săn bò chọi lùng tìm bò chọi quanh năm.

Anh Mùa Sấu Chớ, cũng một tay có thâm niên săn bò chọi không kém tâm sự: Tuy bây giờ ở vùng núi Kỳ Sơn có số lượng bò đông đến mấy nghìn con, nhưng để chọn được bò chọi là không nhiều. Vì thế, thời gian gần đây anh Chớ phải khăn đùm khăn gói sang tận các bản làng của nước bạn Lào để săn tìm bò chọi mang về Kỳ Sơn.

Nhiều chuyến đi mất cả tháng trời mà vẫn không tìm được chú bò nào ưng ý. Còn khi đã tìm thấy những chú bò có khả năng trở thành bò chọi thì dù giá cả có cao hơn so với các chú bò bình thường cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua về Mường Lống. Giá mỗi chú bò bình thường chỉ 10 đến 15 triệu đồng, nhưng giá bò chọi có khi 20 đến 25 triệu đồng vẫn mua.

Mua được bò, hầu hết các tay săn bò chọi phải bỏ thêm một khoản tiền để thuê người dắt bò từ Lào vượt qua dãy Trường Sơn rồi leo qua Cổng Trời về Mường Lống, Kỳ Sơn. Khi đưa bò về chăm sóc một thời gian, nếu bán cũng lãi 3 đến 5 triệu đồng một con.

Tuy nhiên, làm nghề săn bò chọi luôn rủi ro và vất vả, nếu không có kinh nghiệm, nhiều khi mua phải bò có bệnh hoặc không có khả năng đấu chọi thì lỗ vốn đến hàng chục triệu đồng. Không ít người ở Mường Lống, Huồi Tụ trở thành tỷ phú nhưng cũng không ít người sạt nghiệp vì làm nghề buôn bò chọi.

Ông Lầu Giống Chua, một người dân Huồi Tụ cho hay: Cách đây dăm năm, ông mới bước vào làng nghề săn bò chọi. Vì chưa đủ kinh nghiệm nên khi sang Sầm Nưa, nước bạn Lào mua ba con bò chọi, với giá gần 60 triệu đồng, nhưng khi đưa về Huồi Tụ nuôi thì bò ngã bệnh chết mất một con, hai con còn lại thi đấu kém hơn so với những chú bò khác.

Ông Chua tiết lộ kinh nghiệm: Do khí hậu ở vùng Huồi Tụ và Mường Lống khắc nghiệt khác với ở vùng rừng núi của nước bạn Lào nên bò không thích nghi với cuộc sống ở đây. Do vậy, qua hai mùa chọi, thấy không có hiệu quả ông Chua bán bò cho các lái buôn làm bò thịt. Dù cố gắng vớt vát nhưng đận ấy ông Chua thua lỗ hơn 20 triệu đồng, chưa kể tiền công chăm sóc bò.

Việc săn bò chọi đã khó, chăm sóc bò chọi càng khó hơn. Anh Và Chá Xà, một người chuyên chơi bò chọi tiết lộ: Để chơi bò chọi không phải ai cũng có thể chơi được. Thường ở Mường Lống nhà nào kinh tế khá trở lên mới dám đầu tư nuôi bò chọi. Vì ngoài giá bò chọi cao, cách nuôi nấng chăm sóc đòi hỏi công phu và tốn kém.

Nói rồi anh Và Chá Xà giải thích tiếp: Bò chọi khi được đưa về thường nuôi nhốt chứ không thả rông ngoài núi đồi. Bò phải nhốt trong chuồng chật hẹp làm bằng ván gỗ, phía dưới có sàn để chống hơi đất. Việc nhốt bò vào không gian chật hẹp là để bò có bốn bắp chân to, khoẻ mạnh, hơn nữa việc cấm cung như vậy tạo cho bò có tính khí nóng nảy, sẵn sàng nghênh đấu mỗi khi gặp đối thủ.

Ngoài cỏ thơm ngon được lựa chọn trong rừng, gia chủ còn phải cho bò ăn cháo gạo, ngô, khoai xéo, cám trộn mật mía. Nếu thấy bò có hiện tượng béo phì thì phải giảm khẩu phần ăn. Vài ba tháng dắt bò ra bãi cho đấu thử với một số bò thường xung quanh.

Bò chọi của một người dân ở bản Mường Lống 1, Kỳ Sơn
Bò chọi của một người dân ở bản Mường Lống 1, Kỳ Sơn .

Trong những lần đấu thử, việc bò nhà ai thắng thua không quan trọng, nhưng qua những lần như vậy giúp gia chủ biết được điểm yếu của bò chọi nhà mình để bò tôi luyện thêm trước khi ra đấu trường.

Đấu trường bò

Ông Và Bá Dìa, cán bộ Phòng văn hoá huyện Kỳ Sơn cho biết: Thú chơi chọi bò của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn có từ bao đời nay. Để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá đó, hiện nay khắp các bản làng người Mông ở Kỳ Sơn đều có người nuôi bò chọi, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở trung tâm Mường Lống. Mỗi lần lễ hội lớn, có đến hàng trăm chú bò khỏe mạnh từ khắp các bản làng tập trung về đấu trường bò ở Mường Lống 1, xã Mường Lống, Kỳ Sơn giao đấu.

Hằng năm trong các ngày lễ như dịp 30-4, ngày hội thể thao của địa phương, ngày Quốc khánh 2-9, tết dương lịch… người dân nơi đây luôn tổ chức chọi bò. Vì thế, hiện nay trên địa bàn Kỳ Sơn rất nhiều gia đình người Mông đua nhau nuôi bò chọi để giao đấu. Mỗi khi bò chọi giải nghệ đem bán cũng được giá rất cao, trừ khi bò bị bệnh hoặc trong quá trình thi đấu bị gãy chân thì gia chủ mới bị lỗ vốn.

Mỗi lần tổ chức chọi bò, đồng bào Mông ở miền tây Nghệ An xem như một lễ hội. Khắp nơi trong các bản làng ở Kỳ Sơn, thậm chí cả bà con ở bên kia biên giới nước bạn Lào cũng đổ về đấu trường xem chọi bò đông nghịt.

Đấu trường bò đơn giản, không cầu kỳ như các đấu trường của Hội chọi trâu hay trường đua ngựa… Mỗi bản làng người Mông ở Kỳ Sơn đều có đấu trường bò, đó là bãi đất trống bằng phẳng như một sân vận động ở miền xuôi.

Có mặt tại bản Mường Lống 1 lúc ngày hội chọi bò diễn ra, chúng tôi vui lây không khí đấu trường khi hàng chục chú bò to khoẻ đã được chủ chăn dắt đến đợi sẵn. Bà con Mông trong trang phục sặc sỡ đã tập trung về kín cả đấu trường. Tiếng trống, khèn của bà con vang lên cả một góc rừng cổ vũ trận đấu giữa hai chú bò trên đấu trường.

Chưa đầy 10 phút, con bò của anh Xềnh Bá Giành (Mường Lống 2) đã loại con bò của anh Lầu Giống Mùa (Huồi Tụ) ra khỏi cuộc chơi. Điều đặc biệt, trên đấu trường ban tổ chức chọn ra một đội trọng tài kiêm luôn bảo vệ mỗi khi bò làm loạn trường đấu.

Anh Và Bá Tủa, một người dân Nậm Cắn tâm sự: Muốn cho bò thi đấu hăng, rất cần sự cổ vũ của người xem. Cổ vũ càng mạnh thì bò thi đấu càng hăng.

Sau ba ngày thi đấu, hai con bò được lọt vào chung kết lần này là bò của anh Mùa Giống Tủa và Xồng Dua Tồng ở xã Na Ngoi. Trước khi vào chung kết, hai con bò này đã loại khỏi cuộc chơi hàng chục con bò to khỏe khác.

Trong tiếng reo hò của hàng nghìn người tới đây cổ vũ, hai con bò hăng máu lao vào nhau hùng hục. Cuối cùng bò của anh Mùa Giống Tủa đã đánh bại bò của ông Xồng Dua Tồng bước lên ngôi vô địch trong thế giới bò chọi ở núi rừng miền tây xứ Nghệ.

Phần thưởng cho bò vô địch, ngoài những tiếng reo hò cổ vũ là một cuộc đấu giá rất cao. Cuối cùng một vị khách đến từ Trung Quốc mua chú bò vô địch của ông Mùa Giống Tủa với giá 3.200 USD.

Một cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Nghe tin bò chọi bây giờ bán rất được, nhất là những chú bò vô địch ở các đấu trường, nên người dân huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đang đua nhau nuôi bò, nhất là bò chọi. Đây cũng là tín hiệu tốt đối với đồng bào miền tây Nghệ An. Vì ngoài việc nuôi bò chọi để bảo tồn nét văn hoá dân tộc cổ truyền thì việc bà con đua nhau nuôi bò còn xoá được đói, giảm được nghèo rất hiệu quả. Để giúp đỡ bà con chăn nuôi bò, hằng năm chính quyền địa phương cắt cử cán bộ thú y huyện xuống tận từng bản làng để hướng dẫn bà con chăn nuôi một cách có hiệu quả.  
MỚI - NÓNG