Làng Mẹo tức làng Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được mệnh danh làng giàu nhất quê lúa, từ xa xưa vốn là một ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt truyền thống ở tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, diện mạo của ngôi làng đã thay đổi chóng mặt.
Làng nằm giữa cánh đồng lúa nhưng sở hữu hàng chục doanh nghiệp, những biệt thự hoành tráng theo phong cách châu Âu, hơn chục nhà thờ họ hoành tráng, ấn tượng nhất là lăng mộ lớn nhất Việt Nam cao như tòa nhà sừng sững ngay đầu làng.
Vào làng Mẹo cứ ngỡ lạc vào một khu công nghiệp hiện đại, giàu có. Chiều đến, khung cảnh làng Mẹo tấp nập, xe tải, container nối đuôi nhau ra vào làng, công nhân tan ca đông như trẩy hội, người dân hối hả chở những lô hàng dệt về nhà, tới nhà máy giao dịch.
Trong làng còn có một khu mua sắm hiện đại của đại gia Trần Văn Sen, đứng ngoài đường nhìn vào, to cỡ siêu thị BigC. Hàng chục doanh nghiệp san sát, biệt thự hoành tráng choán hết tầm mắt, giữa làng xây một ngân hàng lớn cho người dân giao dịch. Thú chơi cây cảnh, thú xây mồ mả, đền thờ ở đây mới đáng kính nể, không đâu ở đất nước này khủng khiếp bằng.
Theo số liệu mà ông Trần Văn Toán (trưởng thôn Phương La 2) cung cấp, Phương La có gần 5.000 nhân khẩu mà lại chỉ có hơn 100ha đất nông nghiệp, nhà nọ sát vách nhà kia, vườn tược không có mấy nhưng có đến hơn 100 tỷ phú sở hữu những doanh nghiệp trị giá ít thì vài tỷ, nhiều thì cả ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới.
Ông Toán kể: “Các đại gia đi lên từ nghề dệt truyền thống, trước kia các cụ chủ yếu dệt các sản phẩm thô sơ, giờ chủ yếu sản xuất các loại hàng xuất khẩu sang châu Âu. Nhờ nghề dệt mà họ trở nên giàu có lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ giàu lại càng giàu thêm. Chính vì vậy làng Mẹo trở nên nổi tiếng vì sự giàu có khắp tỉnh cũng như khắp đất nước”.
Hầu hết công ty lớn đều được lập ở ngoài tỉnh. Những công ty nhỏ thì họ để ở làng cho thuận tiện giao dịch, trong làng cũng tới 50 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm, ông Toán cho biết thêm.
Những tỷ phú nổi trội xuất thân từ làng như đại gia Trần Văn Sen- người đứng đầu trong nghề sản xuất bia, rượu và nước giải khát. Ông Sen khởi nghiệp từ nghề dệt truyền thống trăm năm của cha ông để lại. Khi có chút vốn, lại nhạy bén trong kinh doanh nên đã vươn ra nhiều lĩnh vực khác.
Không chỉ có ông Sen, nhắc tới "đại" tỷ phú Vũ Quang Huy, nhiều người trong giới kinh doanh đều nể phục. Từ đôi bàn tay trắng, ông Huy tạo dựng lên cả một tập đoàn lớn chuyên sản xuất nước khoáng, hiện là Tập đoàn Bitexco.
Rất nhiều đại gia đi ra khỏi làng đều trở thành đại tỷ phú, quản lý những công ty dệt may vô cùng danh tiếng. Số lượng tỷ phú người làng Mẹo hiện đang làm ăn ở các tỉnh, thành phố lớn cũng phải hơn chục người.
Các tỷ phú có nhiều tiền, nên họ có thể thỏa mãn ước vọng, ham muốn của mình bằng cách xây những tòa nhà tráng lệ trong làng, xây lăng mộ khổng lồ mà khoảng cách vài cây số vẫn có thể quan sát được hay thú chơi cây cảnh có một không hai. Họ cũng đóng góp, làm từ thiện cho quê hương giàu mạnh.
Theo sách “Long Hưng – đất phát nghiệp Vương triều Trần” của nhà nghiên cứu Đặng Hùng ghi, người dân làng Mẹo chỉ có giàu hay không, chứ không bao giờđói. Người Thái Bình có câu: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Người làng Mẹo không chỉ khéo léo trong nghề dệt, mà còn cực giỏi trong giao dịch bán hàng. Các sản phẩm của người làng Mẹo làm ra, người làng Mẹo tự mang đi bán không những khắp nước mà khắp thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, đàn ông Mẹo nổi tiếng giỏi giang, thành đạt, con gái làng Mẹo nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, có tài dệt cửi, lại hay nết. Con gái nơi khác lấy được con trai làng Mẹo là cái phúc, con trai ngoài làng lấy được con gái làng Mẹo thì chẳng khác gì vớ được vàng. Đó cũng phần nào lý giải vì sao làng Mẹo lại giàu có từ gần ngàn năm trước và sẽ ngày càng giàu có hơn.