Chưa thật sự quan tâm người tiêu dùng
Tối 5/5, giá xăng tăng lần thứ 2 kể từ đầu năm với mức tăng kỷ lục gần 2.000 đồng/lít khiến người tiêu dùng lo lắng. Chị Đỗ Thị Hai (Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ: “Mới tháng trước tăng giá điện, tháng này lại tăng giá xăng, trong khi lương không tăng khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tôi bị đội lên. Tôi lo ngại đợt tăng giá xăng lần này khiến giá lương thực, thực phẩm viện cớ tăng theo”.
“Việc xăng tăng đợt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số CPI, bởi chúng ta thấy năm 2014 vừa qua chỉ số này đã biến động như thế nào khi giá xăng giảm sâu”.
Ông Ngô Trí Long
Lo ngại giá cả leo thang là tâm lý chung của những bà nội trợ. Chị Bích Phương (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết: “Giá xăng tăng mức này vào thời điểm hiện tại thật khó khăn cho người dân vì giá điện vừa tăng tháng trước. Mức tăng quá cao trong khi mỗi lần giảm nhỏ giọt. Có vẻ việc tăng giá xăng lần này của liên bộ không quan tâm đến người tiêu dùng”. Còn anh Nguyễn Văn Huệ, lái taxi tại Hà Nội cho hay: “Chắc chắn, khách hàng sẽ lựa chọn phương tiện thay thế để tiết kiệm chi phí”.
Việc xăng tăng giá cũng được cộng đồng mạng, các trang xã hội, diễn đàn bàn tán xôn xao. Nhiều người sở hữu xe máy, ô tô đều “rủ nhau” đi đổ xăng đầy bình ngay trong buổi sáng và buổi chiều. Anh Nguyễn Hoàng Tiến (làm việc tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), vừa sở hữu chiếc ô tô mới cũng ca thán về giá xăng tăng lần này. “Mỗi bình xăng khoảng 40 lít, tính ra bây giờ mỗi lần đổ đầy bình chênh so với trước khoảng 80.000 đồng. Mất mấy ly cà phê sáng”, anh Tiến ví von.
Giá cả sẽ ồ ạt tăng theo
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cảnh báo: “Những lần trước, giá xăng dầu giảm sâu mà giá cước vận tải, hàng hóa không giảm tương ứng; lần này đừng hy vọng khi giá xăng dầu, giá điện đồng loạt tăng, giá các loại hàng hóa đứng im. Với đà này, nếu tăng lương chẳng còn ý nghĩa nữa”.
Trong khi đó, đại diện một siêu thị lớn ở Hà Nội băn khoăn: “Việc tăng giá điện, xăng liên tiếp khiến đầu vào các mặt hàng tăng theo. Hiện, siêu thị nội đang chật vật tìm cách thu hút khách hàng việc tăng giá xăng khiến khách hàng thắt chặt chi tiêu và hạn chế đến siêu thị hơn. Cơ quan quản lý nên có kế hoạch điều chỉnh tăng giá vào thời điểm hợp lý”.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội khẳng định: “Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, đợt tăng giá điện và xăng tháng 3 vừa qua khiến CPI tháng 4 tăng khoảng 0,26%, nhưng tôi cho rằng chắc chắn CPI sẽ không chỉ dừng ở mức này. Thực tế, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi giá cả hàng hóa leo thang”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Việc lấy lý do tăng giá xăng để tránh buôn lậu sang các nước xung quanh là ngụy biện. Công việc chống buôn lậu qua biên giới là của cơ quan chuyên môn như Tổng cục Hải quan hay Bộ đội Biên phòng, không phải của Bộ Công Thương hay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Hàng hóa dịch vụ đã bắt đầu tăng
Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM khẳng định đợt tăng giá xăng vào tối 5/5 không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, các phương tiện vận tải hàng hóa hầu hết sử dụng nhiên liệu dầu DO. Đợt điều chỉnh này chỉ có giá xăng tăng mạnh, còn giá dầu giữ nguyên nên không tác động đến giá cước vận tải.
“Riêng đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào giữa tháng 3/2015, dầu tăng giá gần 1.000 đồng/lít nên một số đơn vị vận tải tăng giá cước theo phụ lục hợp đồng vận chuyển. Theo đó, khi giá nhiên liệu biến động với biên độ từ 5-7% thì các doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giảm giá cước tương ứng” - ông Chung nói.
Ông Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc phát triển kinh doanh và tiếp thị Tập đoàn Mai Linh cho biết, tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá xăng đã tăng hơn 3.000 đồng/lít, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và lái xe taxi.
Theo Hiệp hội Taxi TPHCM tính đến chiều 6/5, chưa có thành viên nào thuộc hiệp hội đề xuất tăng giá cước taxi.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức (quận Thủ Đức), sản lượng nông sản, rau, củ, quả về chợ vẫn ổn định so với cuối tháng 4. Giá cả các loại hàng hóa có xu hướng giảm nhẹ vì đang vào mùa thu hoạch rộ. Giá cước vận tải không chịu ảnh hưởng bởi đợt tăng giá xăng lần này nên giá hàng hóa không tăng.
Tuy nhiên, tại một số chợ bán lẻ trên địa bàn TPHCM, giá nhiều loại hàng hóa tăng vô tội vạ với lý do mà các tiểu thương đưa ra là tăng theo giá xăng dầu do giá vận chuyển tăng.
Tại chợ Cây Quéo (quận Bình Thạnh), giá thịt heo (lợn) các loại tăng từ 2.000 -5.000 đồng/kg, giá một số loại rau xanh như cải ngọt, rau muống, mồng tơi… cũng tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.