Choáng với đại ngôn!

Phóng viên hỏi ông Tuấn về thư mời in phản cảm.
Phóng viên hỏi ông Tuấn về thư mời in phản cảm.
TP - Các kiểu tôn vinh kỳ dị và đủ các loại danh xưng hão huyền được công khai nổ choang choác đang ngày càng khiến nhiều người hoang mang, lẫn lộn giữa các giá trị thật- giả, thậm chí tệ hơn, là không còn biết nên tin vào đâu ! Căn bệnh mua bán hư danh nếu không được chữa sẽ làm băng hoại đạo đức xã hội, hậu quả khó lường !

Danh hão bây giờ

Có lần nhạc sĩ Dương Thụ quạt thẳng vào mặt phóng viên:  Chưa bao giờ tôi thích gặp nhà báo cả, nhất là gặp vì cá nhân tôi! Báo chí quan trọng với những ai cần phải luôn luôn có mặt trên báo, hoặc có điều cần được nói lên mặt báo. Tôi không thuộc cả hai nhóm đó. Trước hết vì mình chả là cái gì! Còn tên tuổi ư? Hiện nay cái sự nổi tiếng ở ta nó hão huyền lắm! Nhiều khi chỉ nhờ dư luận lặp đi lặp lại ba cái chuyện giật gân phù phiếm, chứ chẳng phải tài năng hay cống hiến đặc biệt gì. Thực chất tôi không phải là người của công chúng, không có nhiều điều để chia sẻ với số đông...

Tôi- kẻ bị quạt, thích thú ngắm vẻ cau có khó chịu của ông. Người nổi tiếng, sâu sắc, khiêm tốn chân thành như vậy, hơi bị … ít ! Trong khi kiểu sân si chạy theo danh hão bằng mọi giá, thời nay lại hơi bị … nhiều !

Hàng trăm đơn vị tổ chức sự kiện nhạy bén khai thác loại tâm lý này, đẻ ra đủ chiêu thức “nộp tiền để được vinh danh”. Khoảng chục năm trước trò vinh danh nộp tiền mới nhen nhóm ở tầm khu vực, quốc gia, còn vài năm trở lại đây thì được nâng lên thậm chí tầm châu lục, quốc tế. Vô số trung tâm tổ chức dịch vụ vinh danh!  Tầm nào giá đó! Lắm người nghèo đi, cũng có kẻ sạt nghiệp chỉ vì danh hão!

Một lương y ở Đắk Lắk sống khá dễ chịu nhờ bài thuốc gia truyền, ngày nọ bỗng thấy ông có thể được vinh danh ở cấp nào cũng được, chỉ cần hào phóng chi trả vài chục triệu đồng cho mỗi sự kiện, mà hồ sơ mời chào chi chít dấu đỏ kèm cả chục chức danh long trọng. Nộp tiền đủ, thì muốn bắt tay choàng vai với vị X ngài R rất VIP , thậm chí muốn vinh danh ở Á, Âu, Phi, Mỹ …gì cũng được tuốt. Quan trọng hơn nữa, nhà tổ chức còn gửi tới tận nhà những chiếc đĩa DVD và khung cảnh lồng kính chứng minh thật có giây phút choáng ngợp đó, treo lên tường là thiên hạ lác mắt- Ông nghĩ vậy! Và cứ thế, ông lún vào chồng hợp đồng vinh danh mỗi ngày một dày lên, hứa hẹn không có hồi kết. Bốn mảng tường nhà ông giờ không đủ chỗ treo khung nữa, còn vợ ông nghe hỏi tới là thở dài thườn thượt trước vô số của nả đã ra đi...

Câu chuyện thâm thúy sau đây tôi được nghe từ ông Chieng Mony- thuyết minh du lịch hoàng gia của nước láng giềng, trên chuyến xe đến tham quan casino Nagar, nơi các đại gia thường đến vui chơi. Nhiều năm trước, trong số tước vị mà chính phủ Campuchia được bán cho dân chúng, có tước “đại gia”, giá vài vạn đôla. Điều vẻ vang nhất người mua tước được hưởng, là Thủ tướng đến tỉnh nào sẽ mở tiệc chiêu đãi các đại gia tỉnh đó. Vinh dự lớn, không thể bỏ lỡ ! Nào ngờ cứ nhè lúc tiệc vui, Thủ tướng tranh thủ vận động đại gia H xây cho xã cái cầu, đại gia K làm cho huyện trạm xá, đại gia S láng miễn phí đoạn đường… Mấy năm sau, mặt hàng đại gia ế dần, kiểu hội tụ trọc phú cứ thế tan rã, không kèn không trống!

Tầm cỡ thế giới (?!) 

Năm kia, có sự kiện lạ diễn ra ở dinh Thống Nhất nổi tiếng phương Nam, khiến mấy chục phóng viên trẻ nháo nhào chạy đua đưa tin nước ta lần đầu có mỹ nhân được trao danh hiệu Đệ nhất Hoa hậu một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới. Sự thực thì ngoài những cây bút kiếm sống bằng nghề PR danh hão, không ít phóng viên ngây thơ rất thiếu thông tin để hiểu rằng thực chất đó cũng chỉ là một thương vụ lăng xê đơn thuần giữa các cá nhân, chẳng giá trị gì đối với những cuộc thi nhan sắc đàng hoàng được thế giới công nhận, dù người trao có cái mác ngoại, còn người nhận chưa được trao vương miện hoa hậu chính thức của cuộc thi nào, chỉ cần bỏ ra rất nhiều tỉ đồng và công soạn kịch bản!

Choáng với đại ngôn! ảnh 1

Tự giới thiệu của ông Lê Văn Tuấn

Tháng 4/2015, nhiều cư dân thủ phủ cà phê giữa Tây Nguyên khi nhận được mẫu thư mời in màu khá đẹp mắt, đã ngỡ ngàng với lối giới thiệu về tác giả đêm nhạc chưa bao giờ nghe tên: “Tiến sĩ Lê Văn Tuấn. Nhà khoa học thế giới. Nhà thơ. Nhà văn. Nhà soạn nhạc. Với những tác phẩm bất hủ được lưu trữ vĩnh viễn trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc ”.

Tò mò, tôi quyết đi xem. Trước giờ khai mạc, tôi chìa thư mời hỏi thẳng ông Tuấn: Nếu là nhà khoa học, sao ông có thể chấp nhận mớ chữ nghĩa hoang tưởng này? Ông bảo: In thư mời là việc của đơn vị tổ chức sự kiện, tôi rất bận rộn, chả quan tâm!

Nhủ lòng nên gạt sạch mọi định kiến để xem cái nhạc CROR mới mẻ này thế nào đã, tôi nghe, khá êm ái du dương, nhưng đâu là cái bản sắc phi thường CROR như lời dẫn, thì tuyệt nhiên không thấy! Ông Tuấn giải thích CROR là chữ viết tắt của 4 dòng nhạc Classique, Romantique, Opira và Rock, được ông phối trộn vào nhau; thậm chí, trong mỗi tác phẩm CROR còn có đủ 7 thể loại nghệ thuật là thơ, nhạc, vũ, kịch, hội họa, điện ảnh, chuyện ngụ ngôn. Ông bảo không tin thì cứ đọc gần 300 bài báo  trên mạng đã viết về ông, hoặc đi mà hỏi Bộ Nội Vụ là nơi đã tổ chức lưu trữ toàn bộ các tác phẩm bất hủ do ông sáng tác (!) Tôi hỏi Cục phó chuyên trách Cục Lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ: Tiêu chí nào để Cục chọn tác phẩm lưu trữ? Lưu trữ với danh nghĩa thế nào? Cục phó im lặng!

Tôi gõ Google “nhà khoa học thế giới Lê Văn Tuấn”, chi chít kết quả. Tỉ lệ lớn nguồn tin được dẫn ra từ các website ít người biết và facebook cá nhân. Nhiều bài ca ngợi ông Tuấn “lần lượt chinh phục các kỷ lục Guiness Việt Nam - Châu Á - Thế giới ”. Tuy nhiên, tôi chú ý đến lý do thành tích bắt nguồn từ chân thành viên Hội đồng Tư vấn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam của ông , và từ kích cỡ “rất dài và rất to” của cuốn sách “Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc Cror” bề ngang 1,2m, cao 1,6m, dày 0,28 m, nặng 250 ký mà ông Tuấn là tác giả, chứ không phải bởi nội dung cuốn sách, mà Nguyễn Bách đã chỉ rõ từng điểm trong bài phân tích rất sâu sắc “Âm nhạc Cror- Sáng tạo hay ngộ nhận”, báo động quan điểm méo mó, ngộ nhận trong kiến thức âm nhạc mà ông Tuấn đã dùng để lý giải về dấu lặng, về các nốt nhạc tròn, vuông, méo, hình thoi, hình bình hành và thậm chí…. nốt thần kinh do ông đặt ra!

Thêm nữa cái học vị tiến sĩ in kèm trước họ tên ông Tuấn, lại do một ngài được giới thiệu là “Hiệu trưởng Đại học Kỷ lục Thế giới” trao cho, tại … khách sạn Rex, với cách gọi khá kỳ lạ là “Tiến sĩ danh dự Đại học Kỷ lục Thế giới của Việt Nam và Ấn Độ”.

Ông Tuấn chia sẻ ông hiện không vợ nhưng có rất nhiều nhà, đã bán bớt một căn để làm nhạc. Tôi nhớ đến những lời ông tự viết “Ngoài những quyền lợi, sự kính trọng và đặc quyền đi kèm với bằng Tiến sĩ danh dự, thì  Đại học kỷ lục Thế giới đã mở ra cho tôi một con đường để tôi có thể hoàn thành sứ mệnh sáng tạo khoa học mà tạo hóa đã ban cho - cống hiến cho nhân loại những giá trị tinh hoa cao quý nhất …” , “Về cơ bản, tôi là người của nhân loại, người của mọi người”, còn trang web do ông lập ra tha hồ ca tụng “Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của nhà thơ Lê Văn Tuấn mà còn là niềm tự hào của giới văn nghệ sĩ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung”.

Cái vòng danh lợi cong cong …

Choáng với đại ngôn! ảnh 2

Ông Chieng Mony kể chuyện bán tước đại gia ở Campuchia

Cổ nhân mưu cầu danh thơm trong sử Việt, không ai quyết liệt hơn Nguyễn Công Trứ! Suốt quãng đời lừng lẫy, gập ghềnh lên voi xuống chó (1778-1858), Nguyễn Công Trứ đã không ngừng đau đáu với chữ Danh: Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thà nát với cỏ cây; Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông …

Để đạt chút “danh gì” ấy, Nguyễn Công Trứ đã phụng sự cả đời cho dân, cho nước. Là người thực tài, ông để lại cho đời cả khối di sản quý giá nhiều lĩnh vực, từ quân sự, kinh tế, tới thi ca. Học mãi tới 41 tuổi mới đỗ giải Nguyên để được đặt chân vào chốn quan trường, nhưng bản chất kẻ sĩ ngang tàng không vì lợi danh mà nịnh bợ, hư hèn, khiến ông liên tục thăng trầm trong sự nghiệp. Lúc lên tới chức tổng đốc, thượng thư, khi suýt rơi đầu vì án trảm, rồi trả về phận lính thú, ông vẫn không thôi ngạo mạn, tự trào: Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào/ Đã sa xuống thấp lại lên cao…

Thế mà, ngấm dần sự hão huyền của danh lợi theo năm tháng, cũng chưa ai lập ngôn thẳng thừng như Nguyễn Công Trứ. Ra trường danh lợi vinh liền nhục/Vào cuộc trần ai khóc trước cười; Tiền tài hai chữ son khuyên ngược/ Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi; Tuổi 73 ông vẫn đầy tình, vẫn hào hứng cưới vợ trẻ, chỉ rũ bỏ tham vọng không tiếc nuối: Chen chúc lợi danh đà chán ngắt/ Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao/Đám phồn hoa trót bước chân vào/Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết…

Cổ nhân dạy có sai đâu: Cái vòng danh lợi cong cong/ Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào! Bài học cũ, ôn cố tri tân, càng ngấm đời mãi vòng vèo trôn ốc!

GS Nguyễn Văn Tuấn: Ở Việt Nam, danh xưng đã trở thành một vấn nạn. Vấn nạn cấp quốc gia. Nhiều trường hợp, chức danh và danh xưng còn dài hơn cái tên của đương sự khi giới thiệu! Tôi vẫn tự hỏi tại sao người ta thích danh xưng trước tên mình ? Còn tình trạng tiến sĩ giấy, tiến sĩ dỏm tràn lan khiến hễ nghe giới thiệu ai là tiến sĩ, người dân lại ngao ngán bởi vàng thau lẫn lộn. Cách dùng danh xưng như hiện nay chẳng những gây nhầm lẫn giữa chức vụ và học vị, mà còn làm trò cười cho đồng nghiệp quốc tế.

MỚI - NÓNG