Chợ Vòm và số phận cộng đồng người Việt ở Moskva

Chợ Vòm và số phận cộng đồng người Việt ở Moskva
TPCN - Chợ Cherkizovsky (người Việt Nam mình gọi là chợ Vòm) không những có thể coi là khu chợ lớn nhất ở Moskva mà còn là khu chợ lớn nhất trên cả nước Nga. Nhưng chợ sắp bị giải tỏa.
Chợ Vòm và số phận cộng đồng người Việt ở Moskva ảnh 1
Cửu vạn chợ Vòm

Một phần chợ thuộc quyền quản lý của chính phủ Nga, phần kia của chính quyền Moskva.

Doanh số một ngày là 1,5 triệu USD

Không một trung tâm buôn bán nào ở Nga có nhiều người viếng thăm hơn chợ Cherkizovsky – hơn 1 triệu lượt người/ngày. Doanh thu (theo thống kê không chính thức) của chợ hơn 1,5 triệu USD/ ngày, trên thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều.

Giá thuê một điểm bán ở chợ Cherkizovsky ít nhất gấp rưỡi so với giá thuê ở những trung tâm thương mại đắt nhất Moskva. Hàng hóa ở đây được bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc bán buôn đến khắp nơi trên nước Nga.

Đây là một quần thể chợ “đa quốc gia”, “cư dân” ở đây nói bằng 8 thứ tiếng khác nhau. Tất cả các thông báo của ban quản lý chợ đều được phát đi bằng 4 ngôn ngữ. Khu chợ được chia nhỏ và cho thuê lại thành nhiều tầng. Từ người chủ chợ cao nhất đến người kinh doanh trực tiếp, có khi qua vài ông chủ trung gian.

Theo quyết định của chính quyền Moskva, khu chợ Cherkizovsky đáng lẽ ra phải được giải tán từ năm 2003, và tại đây sẽ xây dựng các khu nhà thương mại. Tuy nhiên, quyết định này cứ bị trì hoãn.

Chỉ đến 9/9 vừa qua, sau khi chủ tịch Duma Moskva – Andrei Metelsky thông báo khu chợ sẽ được giải tỏa vào cuối năm nay, có vẻ điều này sẽ trở thành hiện thực.

Nguồn nuôi sống cộng đồng người Việt

Theo con số thống kê không chính thức, tại chợ Vòm có khoảng 20 nghìn người Việt buôn bán trực tiếp hoặc gián tiếp. Phần đông người Việt làm việc ở đây đều không biết tiếng Nga, cái tên Cherkizovsky đối với họ quá dài và khó phát âm, nên không biết từ bao giờ chợ được gọi là chợ Vòm, đơn giản chỉ vì không gian nơi đây được che bằng những mái vòm.

Chợ Vòm là nguồn nuôi sống phần lớn cộng đồng người Việt ở Nga. 4/5 hệ thống phục vụ của người Việt được tập trung ở đây, 80% hàng hóa tỏa đi các tỉnh cũng chính từ đây.

Rất nhiều người kiếm được tiền triệu đô cũng từ đây, và cũng rất nhiều người khuynh gia bại sản từ chính chỗ này. Cuộc sống vật chất của người Việt gắn liền với sự chìm nổi của chợ, và cả cuộc sống tinh thần vốn rất nghèo nàn của những người xa xứ cũng thấp thoáng hình bóng chợ.

Những sinh hoạt cộng đồng muốn thu hút được đông đảo người tham gia cũng phải tổ chức đâu đó gần chợ. Với một ngày làm việc bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tận chiều tối, không ngày nghỉ, cộng thêm với suy nghĩ mỗi ngày nghỉ là mất đứt từ một đến vài trăm đô (tiền thuê chỗ bán hàng) thì vui chơi giải trí, nếu có, chỉ là một chốc một lát tranh thủ sau giờ tan chợ.

Ở Moskva, có những đứa trẻ tên gọi âu yếm ở nhà là Vòm, bởi vì bà mẹ tham công tiếc việc đến sát ngày đẻ vẫn còn ra chợ, ra đến nơi chuyển dạ phải vào cấp cứu bệnh viện và cái tên Vòm là để kỷ niệm ngày đáng nhớ đó.

Có thể nói, cuộc sống của phần đông người Việt ở Moskva gói gọn trong hai chữ - chợ Vòm. Công việc của họ là ở chợ với sự đầu tư từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn đô. Nhà thuê gần chợ cho tiện đi lại, con cái học ở những trường gần chợ.

Nếu chợ đóng cửa, cuộc sống của họ sẽ phải thay đổi toàn bộ, từ những điều nhỏ nhất. Đặc biệt trong bối cảnh nạn đầu trọc đang phát triển ở Nga thì cuộc sống của người Việt trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.

Cách giải quyết dễ nhất là về nước, còn nếu muốn tiếp tục ở nước Nga thì họ phải chuẩn bị cho cuộc sống mới ngay từ chợ chưa đóng cửa.

Mỏ vàng lộ thiên cho các ông chủ

Phần lớn cổ phần của chợ Cherkizovsky thuộc về Telman Izmailovy, sau đó đến Zarakh Iliev. Hai ông này là người gốc Do Thái, bắt đầu chinh phục Moskva chính từ chợ Cherkizovsky.

Theo đánh giá của tạp chí Forbes năm 2006, tài sản của Telman Izmailovy là 602 triệu USD, đứng thứ 76 trong danh sách những người giàu nhất nước Nga. Còn Zarakh Iliev có tài sản là 720 triệu USD đứng ở vị trí thứ 68.

Bằng tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh, năm 2003, Telman Izmailovy đã mua tòa nhà Voentorg được coi là một trong những biểu tượng kiến trúc của Moskva, sau đó ông ta phá đi để xây dựng trung tâm thương mại với chỗ để ôtô bốn tầng ngầm dưới lòng đất.

Việc này làm dấy lên làn sóng phản đối của các kiến trúc sư Nga. Đích thân bộ trưởng văn hóa Nga – Mikhail Shvydky đã viết thư phản đối gửi thị trưởng Moskva Luzhkov và tổng thống Nga Putin.

Trong thư có đoạn viết: “Voentorg là một tòa nhà độc nhất vô nhị, nó biểu tượng cho kiến trúc Moskva còn hơn cả khách sạn Moskva”. Tuy nhiên, số phận của tòa nhà lịch sử không vì thế mà được cứu vãn.

Zarakh Iliev cũng là một doanh nhân có nhiều ảnh hưởng. Ông là người đã mua lại trung tâm đồ gỗ Grand – một việc không thể thực hiện nếu thiếu sự ủng hộ “từ trên”. Ông chủ trước của Grand - Sergei Zuev là người có quan hệ mật thiết với cựu phó giám đốc FSB và hiện tại là phó chủ tịch nhà băng Vneshekombank – Yury Zaostrovstevy.

Theo đánh giá của Forbes thì đó là những doanh nhân triệu phú, nhưng nếu nhìn vào cuộc sống xa xỉ của họ thì có vẻ như sự đánh giá đó còn quá khiêm tốn.

Ngày 26/10 vừa qua, các con trai của Telman Izmailovy đã bỏ 1,5 triệu USD để mời nữ ca sĩ kiêm diên viên Jennifer Lopez tới biểu diễn nhân dịp sinh nhật bố.

Đây không phải lần đầu tiên các ngôi sao Phương Tây đến góp vui với gia đình Telman Izmailovy, ca sĩ Ricky Martin có mặt tại đám cưới của con trai ông.

Trong một cuộc vui khác Mariah Carrey, Robbie Williams đã biểu diễn để phục vụ Telman Izmailovy và bạn bè. Ricky được nhà doanh nhân trả cho một giờ diễn là 850 nghìn USD, Robbie và Carrey là nửa triệu USD.

Chợ Cherkizovsky thực sự là một mỏ vàng lộ thiên cho các ông chủ, điều đó lý giải tại sao việc giải tỏa nó lại khó đến như vậy.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.