Chợ Việt ở Nga : Đã có những mô hình thích hợp

Chợ Việt ở Nga : Đã có những mô hình thích hợp
TPO - Ngày mai (15/1), Nghị định của Nga liên quan đến chợ bán lẻ có hiệu lực. Hầu hết các cơ sở kinh doanh của người Việt ở Mátxcơva đến sát nút mới vội vã tìm “đối sách”. Trong khi đó người Việt kinh doanh ở Mêkông Emeral vẫn ung dung. Vì sao?

>> Chợ Nga trước giờ G : Các ông chủ nói gì ?

Chính tắc “từ trong ra ngoài”

Emeral là cơ sở kinh doanh của một ông chủ người Nga nằm sát đường vành đai ngoài cùng của Mátxcơva (MKAD). Trong giấy “khai sinh” nó mang tên “tổ hợp thương mại”. Và 4 chữ đó không đơn thuần là một cái tên mà phản ánh đúng thực chất của sự việc. Chúng ta hãy đọc qua bài báo của tờ “Vedomoschi” chuyên về kinh doanh và bất động sản:

 “Thị trưởng Mátxcơva Yuri Luskov đã ký văn bản có liên quan đến Tập đoàn EMERAL về việc quản lý và tiếp tục xây dựng Tổ hợp thương mại ở phía Nam Mátxcơva trị giá gần 200 triệu đôla Mỹ. Khi dự án được thực hiện thì đây sẽ là một tổ hợp kinh doanh hết sức rộng lớn của Mátxcơva với diện tích 280.000 m2.

Ông Phó tổng giám đốc Tập đoàn EMERAL Vlad Yusufov cho biết: Trước đây chúng tôi thuê diện tích đất ở giữa cây số 25 và 26 đường MKAD để xây chợ. Nhưng bây giờ, theo quy định mới, EMERAL thuê đất 49 năm với giá 582,5 triệu rúp để xây dựng khách sạn và nơi vui chơi giải trí ở 44.000 m2, phần còn lại quy hoạch thành “đại siêu thị” và nhà triển lãm hàng hóa. Chúng tôi mời những người có tiềm lực lớn đến thuê mặt bằng kinh doanh. Việc đầu tư dự kiến từ 150 đến 200 triệu đôla”.

Như vậy là Emeral đã đi đúng hướng khi tập trung nguồn vốn lớn để xây dựng trung tâm thương mại với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Là bởi, theo kế hoạch của chính quyền Mátxcơva trong số 124 chợ các loại đang tồn tại ở thủ đô những khu chợ tạm xập xệ, kém văn vinh sẽ bị loại bỏ.

Chiếu theo Nghị định của chính phủ Nga về hoạt động của người nhập cư tại các chợ bán lẻ, người Việt đang kinh doanh ở Emeral có cơ sở để vững tâm hơn là ở những “ốp”, chợ nhỏ. Người nước ngoài không bị hạn chế hoặc cấm đoán “bán lẻ tại các tổ hợp thương mại và trung tâm thương mại nếu như ở đó có các tòa nhà thiết kế riêng để làm nơi bán hàng và dịch vụ cho người tiêu dùng và có những gian để làm văn phòng, nhập hàng, kho bãi…”.

Ông Bùi Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTTM Mêkông Emeral, cho CTV báo Tiền Phong biết: “Emeral bên đường MKAD đi vào hoạt động năm 2000 với tư cách là một tổ hợp thương mại nhiều chức năng. Quần thể thực phẩm rộng 22.000 m2, quần thể hàng vải và công nghiệp rộng 30.000 m2…

Tất cả đều đáp ứng các yêu cầu của thành phố và chính quyền liên bang về xây dựng cơ bản, hệ thống sưởi ấm, phòng cháy chữa cháy, môi trường, vệ sinh dịch tễ và giao thông. Emeral khác với các “ốp” của người Việt là ở rất xa khu dân cư. Nhưng giao thông khá thuận tiện là vì từ các bến tàu điện ngầm có xe buýt chở khách đến, miễn phí..

Tổ hợp thương mại Emeral thành lập TTTM Mêkông Emeral do người Việt Nam trực tiếp điều hành và quản lý theo quy định nới của LB Nga về “Lao động nhập cư”. Mêkông là công ty của người Việt duy nhất ký hợp đồng lâu dài thuê mặt bằng trong tòa nhà chính của THTM Emeral. Những người Việt Nam có quầy hàng tại TTTM Mêkông được đăng ký buôn bán một cách hợp pháp với số lượng không hạn chế”. 

Pháp luật không có “ngoại lệ”

Theo ông Bùi Văn Hòa, vốn là luật sư, ngay từ đầu Mêkông Emeral đã xác định sẽ hoạt động theo đúng những gì pháp luật quy định. Không có ngoại lệ cho người Việt mặc dù ý thức “sống và làm theo luật” của cộng đồng chưa thực sự cao và không ít doanh nghiệp của chúng ta quan niệm “không “lách” thì không lãi”.

Những ai muốn đến kinh doanh tại Mêkông Emeral đều phải có đầy đủ giấy tờ như hộ khẩu Mátxcơva, thẻ lao động, bảo hiểm xã hội, tài khoản ở ngân hàng…

Thói quen dùng tiền mặt trong mọi khoản thu chi “không được hoan nghênh”. Lương của nhân viên được trả vào tài khoản riêng. Tiền thuế, tiền thuê chỗ cũng nộp qua ngân hàng. Rõ ràng, minh bạch như vậy chắc chắn trong kinh doanh sẽ… thiệt.

Nhưng ông Hòa chủ trương “chậm mà chắc”. Ông cho rằng nếu vì lợi nhuận trước mắt mà lôi kéo càng đông càng tốt những người thuê chỗ kinh doanh, bất chấp tình trạng giấy tờ như thế nào, thì “gậy ông đập lưng ông” ngay - tiền phạt theo luật mới đối với doanh nghiệp nặng hơn nhiều lần so với lợi nhuận kiếm được từ việc “lách luật”.

Ông cũng không sốt ruột thu hồi vốn nhanh vì ông có khoản thu từ các lĩnh vực khác đủ để ông “nuôi” TTTM của mình cho đến khi tự nó sinh lời. “Kén” như vậy nên lượng người Việt kinh doanh tại Mêkông chưa nhiều, lợi nhuận từ buôn bán chưa lớn, tuy nhiên tương lai của họ cũng như của trung tâm thương mại được bảo đảm.

Một chị bán hàng áo lông quê Hà Tây tâm sự: “Không thật dư dả nhưng được cái bọn em chỉ lo làm lo ăn, chẳng phải sợ cái gì sất. An ninh ở đây thì “thôi rồi”, bảo đảm lắm”. Đúng là xa trung tâm, nhưng Mêkông đã xây dựng “ốp” ở ngay tại chỗ, trên tầng hai, nên người kinh doanh không cần để tâm chuyện tàu xe cũng như những nguy cơ rình rập.

Chợ Việt ở Nga : Đã có những mô hình thích hợp ảnh 1

Phòng ở của người Việt tại Mêkông Emeral. Ảnh : Đức Duẩn

Ông Hòa khẳng định: “Hiện nay vẫn còn chỗ cho người mới trong số 1.200 quầy của Mêkông. Sau này nếu mở rộng tối đa thì Emeral có 12.000 – 13.000 quầy bán hàng vải và công nghiệp cùng 11.000 chỗ để xe. Mỗi năm tổ hợp chi 1,5 triệu đôla để xây dựng mặt bằng”.

 Điều “ngoại lệ” duy nhất mà người Việt ở Mêkông được hưởng là giá thuê chỗ bán hàng thấp hơn so với người SNG. Giá phòng ở cũng mềm hơn so với các “ốp” khác của người Việt. Đang trong thời gian khuyến mại mà.

Lượng khách chưa thật đông. Ông Hòa thừa nhận như vậy. Nhưng ông lại nói rằng vì Emeral ở xa khu dân cư nên ai đã xuất hiện ở đây đều là khách hàng tiềm tàng, hầu như không có người nào thừa thời gian, sức lực để dạo chơi, ngắm nghía rồi về không.

Mêkông Emeral với vị thế “sinh sau đẻ muộn” nên có ý thức cầu thị. Ông Bùi Văn Hòa bảo vậy. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp khác của cộng đồng để cùng nhau vượt qua thử thách chung rất khắc nghiệt đang chờ trước mắt.

Hai đối tác chúng tôi nhắm đến là Trung tâm hợp tác thương mại quốc tế KT (tại chợ Vòm Mátxcơva), cơ sở lớn và có uy tín nhất của người Việt tại Nga, và một doanh nghiệp nữa đang nổi lên  - Công ty Pacific (ở thành phố Ecatêrinbua, tỉnh Xvétlốp)”.

MỚI - NÓNG