Chờ tua tham quan nhà Quốc hội

Nguyễn Thế Sơn trong không gian tác phẩm nghệ thuật đương đại dưới tầng hầm Nhà quốc hội Ảnh: NVCC
Nguyễn Thế Sơn trong không gian tác phẩm nghệ thuật đương đại dưới tầng hầm Nhà quốc hội Ảnh: NVCC
TP - Nhà Quốc hội trở thành điểm tham quan là chuyện không lạ lẫm ở nhiều nước. Ở ta công trình này càng trở nên độc đáo hơn khi nằm trên nền móng chứa đựng hơn chục thế kỷ lịch sử và văn hoá. Đưa công trình này trở thành điểm đến du lịch không còn là điều xa vời.

Câu chuyện mở cửa Nhà Quốc hội từ lâu được mang ra bàn thảo với nhiều ý kiến khác nhau, phần lớn hướng tới tư duy tích cực về sự cởi mở của các nhà lãnh đạo đất nước. Nhìn ra thế giới, điểm đến du lịch Nhà Quốc hội không còn xa lạ. Nhà Quốc hội Mỹ mở cửa tự do và không thu phí du khách. Hướng dẫn viên giới thiệu cặn kẽ những nét đặc sắc về kiến trúc, văn hoá, lịch sử của toà nhà từ thời lập pháp tới nay. Khách còn có cơ hội ngồi vào dự một phiên họp thật sự của quốc hội. Điều này tương tự với Úc và các nước châu Âu, dân chủ hoá thể hiện bằng những thứ như vậy. 

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kể thời gian ông ở Úc thường xuyên tới nhà quốc hội, thậm chí vào đó để học tiếng Anh. “Nhà Quốc hội là chỗ cho mọi người đến tham quan, thậm chí dự cuộc họp giữa Thủ tướng và các thượng nghị sĩ. Sau đó giáo viên còn kiểm tra chúng tôi hiểu được bao nhiêu nội dung cuộc họp ấy”, GS Ngọc nói. 

Từ góc độ người làm du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty TransViet nêu quan điểm Nhà Quốc hội là nơi họp của đại biểu do dân bầu nên, đại diện cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia. “Quốc hội nên gần với người dân chứ không để dân đứng nhìn từ xa xa. Lúc trước chúng ta còn tranh luận về việc họp quốc hội không tường thuật trực tiếp, giờ sau khi cải cách, cử tri giám sát các đại biểu tốt hơn qua các phiên được tường thuật trực tiếp. Đó cũng là sự cải cách lớn về mặt đời sống chính trị”, ông Đạt nói.

Chờ tua tham quan nhà Quốc hội ảnh 1 Không gian trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội 
Ảnh: Nguyên Khánh
Những người làm du lịch cho rằng việc mở cửa Nhà Quốc hội như điểm đến tham quan mang ý nghĩa lớn về mặt du lịch và chính trị. Du khách bước chân vào đây không chỉ là bước tiến lớn về sự đến gần hơn với cơ quan quyền lực tối cao, họ có cơ hội được tham quan công trình kiến trúc văn hoá độc đáo.

Công trình này gắn với quần thể di tích lịch sử văn hoá xung quanh như Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột. Quan trọng hơn, Nhà Quốc hội nằm trên di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Chỉ riêng điểm này biến công trình này trở thành điểm đến độc đáo hiếm có. Tua du lịch Nhà Quốc hội không nghi ngờ gì nhanh chóng thành điểm đến hấp dẫn.

Giá trị độc đáo

Bảo tàng khảo cổ Hoàng thành Thăng Long do Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học & Xã hội) kỳ công thực hiện nằm dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. GS Nguyễn Quang Ngọc nêu ý kiến cần sớm mở cửa không gian này để người dân tiếp cận những giá trị độc đáo chứ “không thể chỉ khoanh lại cho đại biểu quốc hội được xem”.

Ông nhấn mạnh Bảo tàng Khảo cổ Thăng Long nằm trong di sản thế giới dứt khoát phải được quảng bá rộng rãi tới người dân và du khách quốc tế đúng tinh thần cam kết với UNESCO.

“Cho dù chưa thành tua chính thức, nhưng ba ngày trong tuần chúng tôi đón tiếp hàng chục đoàn tới tham quan không gian trưng bày khảo cổ dưới lòng Nhà Quốc hội”, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết. Các đoàn khách như đại biểu quốc hội, các đoàn ngoại giao cho tới người dân các tỉnh thành đều có thể đăng ký để chiêm ngưỡng không gian tái hiện sự phát triển lâu dài, liên tục của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thời Đại La tới ngày nay. 

Tầng hầm 2 Nhà Quốc hội chính là không gian trưng bày di vật, di tích của thời tiền Thăng Long thế kỷ 7-10 với diện tích gần 2.000m2. Những di tích, di vật do Viện Khảo cổ học khám phá trong các đợt khai quật trước 2010. Sự độc đáo về di vật ở khu vực này độc đáo như 17 công trình kiến trúc gỗ, 7 giếng nước và nhiều di vật từ thời Đại La, Đinh-Tiền Lê.

Tấm phù điêu Bình minh Thăng Long được ghép từ hàng ngàn viên gạch ngói khai thác được qua nhiều triều đại. Không gian tầng hầm 1 đáng chú ý ở những mô phỏng về kiến trúc cung điện thời Lý. Sự mô phỏng độc đáo thông qua 42 đèn cột ánh sáng liên tưởng với 42 cột gỗ của một kiến trúc lớn Cung điện thời Lý.

“Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi xác định không gian này dành cho mọi tầng lớp nhân dân, không riêng bộ phận nào. Không gian này còn có khu vực tương tác dành cho trẻ em. Mục tiêu Đảng, Nhà nước đưa ra khi thực hiện bảo tàng này chính là phục vụ công chúng. Bảo tàng gắn kết với di sản Hoàng thành Thăng Long, trở thành nơi quảng bá cho Trung tâm Hoàng thành mà trong đó Nhà quốc hội là điểm nhấn”, PGS.TS Bùi Minh 
Trí nói.

Bên cạnh không gian về Bảo tàng Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, mới đây Chủ tịch Quốc hội đồng ý cho một nhóm nghệ sỹ thực hiện không gian nghệ thuật đương đại. Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói rằng nếu không gian này được Quốc hội phê duyệt đi vào thực tế “hứa hẹn là một trong những điểm văn hoá nghệ thuật lịch sử thuộc thể loại độc đáo nhất ở Việt Nam.

Bởi nó nằm ngay trên nền móng kiến trúc từ thời Đại La, Lý, Trần cho tới các triều đại sau này và tiếp biến bằng nghệ thuật đương đại”. Nguyễn Thế Sơn và một số nghệ sỹ cho rằng những tác phẩm trong không gian tầng hầm Nhà Quốc hội này chính là cuộc “đối thoại với hai không gian bảo tàng cổ vật, đối thoại với giá trị di sản văn hoá nghệ thuật”. 

Phần không gian nghệ thuật đương đại do nhóm Nguyễn Thế Sơn chính thức bàn giao. Viện Nghiên cứu Kinh thành cho hay về cơ bản xong phần cơ sở vật chất, nội dung trưng bày chờ lễ bàn giao chính thức cho Văn phòng Quốc hội. Việc mở cửa đón khách không còn là điều xa vời.

Tầng hầm 2 Nhà Quốc hội chính là không gian trưng bày di vật, di tích của thời tiền Thăng Long thế kỷ 7-10 với diện tích gần 2.000m2. Những di tích, di vật do Viện Khảo cổ học khám phá trong các đợt khai quật trước 2010. Sự độc đáo về di vật ở khu vực này độc đáo như 17 công trình kiến trúc gỗ, 7 giếng nước và nhiều di vật từ thời Đại La, Đinh -Tiền Lê.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.