Đồng loạt kiểm tra 10 địa điểm quanh khu vực chợ Hoà Bình (còn gọi là chợ Trời, thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng), Công an Hà Nội thu giữ số lượng lớn phụ tùng ô tô, chủ yếu là gương các dòng xe sang do các đối tượng trộm cắp bán lại cho đầu nậu.
Trước đó, tháng 4/2016, Công an Hà Nội đã bắt giữ Nguyễn Mạnh Đức trú tại 31B Nguyễn Công Trứ, phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng vợ là Lê Thị Nhường, sinh năm 1988 kinh doanh, buôn bán phụ tùng ô tô xe máy tại chợ Trời. Vợ chồng Đức và hàng loạt đối tượng đã bị bắt vì tiêu thụ phụ tùng ô tô do trộm cắp mà có…
Theo một số tài liệu, chợ Trời (có người còn gọi là chợ Giời) được hình thành vào khoảng những năm 1954, 1955. Đó là khi một số người tản cư (di tản) vào miền Nam cần phải bán tài sản đã sử dụng của gia đình. Thực tế tên gọi “chợ Trời” có từ thời bao cấp (1965 - 1986).
Nhu cầu trao đổi hàng không chính thống dẫn đến chợ tự phát họp ngoài giời, khác với các chợ có nhà che như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Hàng Da,... dành cho giới có đăng ký kinh doanh. Hàng hóa trao đổi ở chợ Trời có đủ các loại nguồn gốc, hàng xách tay từ nước ngoài về, hàng cá nhân sản xuất không nhãn mác, và nhiều đồ cũ, đồ “sida” và đồ trộm cắp.
Vì sao chợ Trời gắn với hàng loạt các vụ trộm cắp quy mô lớn, nguy cơ cháy nổ, lấn chiếm lòng đường vỉa hè gây nhức nhối dư luận trong hàng chục năm qua mà không được ngăn chặn dứt điểm? Theo UBND quận Hai Bà Trưng, năm 2010, UBND TP Hà Nội có chủ trương xoá chợ cóc, chợ tạm.
Quận đã “dẹp” được các chợ Nguyễn Cao, Cao Đạt… nhưng chợ Trời vẫn tồn tại bởi ở đây có số lượng các hộ kinh doanh đông, việc giải tỏa rất khó. Ngoài ra, quận Hai Bà Trưng đã hết quỹ đất, không thể di dời chợ lớn như vậy trên địa bàn. Do đó, quận phải xin ý kiến chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc bố trí nơi bán hàng cho gần 800 hộ kinh doanh tại chợ Trời.
Đại diện Đội Quản lý thị trường trên địa bàn cho biết, đội vẫn thường xuyên thực hiện công tác giám sát trên địa bàn chợ Trời và các tuyến phố lân cận. Có nhiều đợt kiểm tra phát hiện nhiều gương ô tô cũ, đội đã lập biên bản xử lý theo thẩm quyền.
Tuy vậy, việc này cần có sự phối hợp hoặc chủ trì của lực lượng công an, bởi họ có nghiệp vụ, khai thác các đối tượng buôn bán. “Nếu chúng tôi kiểm tra hóa đơn để xử lý, họ nói là mua cũ của người bán chứ không nói là đồ trộm cắp, rất khó cho lực lượng QLTT”, đại diện Đội cho hay.
Phường nói có cái khó, quận thì cho rằng không có đất di dời, quản lý thị trường loay hoay với kiểm tra xử lý! Cái kiểu vòng vo trách nhiệm này sẽ kéo dài bao lâu nữa khi mà trách nhiệm vẫn theo kiểu …chợ Trời, chẳng biết quy cho ai?