Một đánh giá gần đây của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) đã cho thấy “việc ngồi một chỗ” - như việc nhìn chằm chằm vào iPhone - là một trong những nguyên nhân góp phần tăng cân quá mức.
Báo cáo của “Third Expert Report" thuộc WCRF về vấn đề thừa cân và béo phì có mối liên quan đến một số loại ung thư, bao gồm bàng quang, vú, cổ tử cung, tuyến tụy và dạ dày, cho biết hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ đó. "Các công nghệ mới đã khiến con người trở nên lười vận động, như: ngồi trong xe hơi và xem truyền hình, sử dụng máy vi tính, giải trí điện tử và điện thoại di động.
Việc ít hoạt động thể chất, hoặc hoạt động không đủ là nguyên nhân gây ra một số vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, béo phì, yếu xương và trầm cảm."
Báo cáo cho biết 14,1 triệu người trên toàn thế giới đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2012 và 8,2 triệu người chết do ung thư, nhưng khoảng 40% các trường hợp ung thư đó có thể ngăn ngừa được. Gánh nặng ung thư toàn cầu này dự kiến sẽ tăng lên 21,7 triệu trường hợp và 13 triệu người chết vào năm 2030."
WRCF, một tổ chức từ thiện phòng chống ung thư có trụ sở tại Vương quốc Anh, cũng cảnh báo rằng việc thiếu hoạt động thể chất sẽ dẫn đến khả năng tiêu thụ thụ động các loại đồ ăn nhẹ, đồng thời cho biết, vào năm 2016 ước tính có 1,97 tỷ người trưởng thành và hơn 338 triệu trẻ em và thanh thiếu niên được coi là thừa cân hoặc béo phì trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, theo tờ Telegraph của Anh, một nghiên cứu riêng của trường King’s College London cho biết, trẻ em thích chơi trò chơi điện tử hoặc lướt máy tính bảng có nguy cơ mắc phải chứng “cận thị kỹ thuật số” cao hơn. Cứ mỗi giờ chơi trò chơi điện tử, nguy cơ bị cận thị ở trẻ sẽ tăng lên 3%.
Số trẻ em bị cận thị đã tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua, từ 7,2 % đến 16,4 % và các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có số liệu thống kê đáng kinh ngạc này là do việc dành quá nhiều thời gian sử dụng màn hình.