Chờ Thủ tướng quyết?

TP - Nhà chức trách địa phương đang tìm các giải pháp hiệu quả để ổn định cuộc sống cho người dân thuộc diện di cư do (DCTD). Thế nhưng, theo các vị này, vướng mắc lớn nhất vẫn nằm ở thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất ở, đất sản xuất…

Trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho rằng, theo các văn bản của Trung ương, đất có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp, phải có quy hoạch thành đất ở, tiếp đến sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng, người dân mới làm được giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đăng ký kết hôn. Hiện nay, Sở TNMT Đắk Lắk đang có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ các giải pháp ổn định di dân tự do.

Phó giám đốc Sở TNMT Đắk Lắk Trần Đình Nhuận xác nhận, sở đã tham mưu bằng văn bản cho UBND tỉnh gửi Bộ TN&MT trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp đất đai tại các dự án di dân tự do. “Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế chung toàn tỉnh, chúng tôi kiến nghị Trung ương xin cơ chế, chính sách. Nếu các khu dân cư có nguồn gốc lấn chiếm từ đất lâm nghiệp đã sinh sống ổn định từ trước ngày 1/7/2014, sẽ làm thủ tục chuyển đổi thành đất ở, hoặc đất sản xuất, đất công cộng... Đây là ý kiến của địa phương, thẩm quyền quyết định cuối cùng là Thủ tướng Chính phủ”, ông Nhuận nói.

Đắk Nông hiện còn một lượng lớn dân DCTD ở trong rừng và các khu vực vùng sâu, vùng xa có đời sống khó khăn, thiếu thốn và cần được sắp xếp ổn định. Trong khi đó, quỹ đất bố trí đất ở, đất sản xuất cho dân DCTD còn hạn chế. Nhu cầu chuyển đổi đất rừng để bố trí đất cho các hộ dân di cư tự do khoảng 8.300 ha, nhưng việc chuyển đổi đất rừng ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) rất khó khăn. Mặt khác, nguồn kinh phí bố trí cho các dự án sắp xếp dân DCTD mới đạt 58% so với tổng vốn đã được phê duyệt; dẫn đến nhiều dự án đầu tư chưa đồng bộ, kéo dài.

UBND tỉnh Đắk Nông đã lập và triển khai 12 dự án ổn định dân DCTD với tổng số vốn đầu tư gần 850 tỷ đồng (trong đó có 4 dự án đã hoàn thành, 8 dự án còn dang dở với số vốn đã được bố trí gần 500 tỷ đồng). Địa phương này phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân DCTD. Tới năm 2030, đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân DCTD; Giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất… ở các công ty lâm nghiệp.           

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.