Cho sắc đào quê em thêm thắm

Cho sắc đào quê em thêm thắm
TP - Khi những đợt mưa phùn cuối đông như rây nước lên tán lá xanh, trời se sắt lạnh, cũng là thời điểm làng đào Phúc Lộc (Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) bước vào mùa tuốt lá.
Cho sắc đào quê em thêm thắm ảnh 1
Lính trẻ giúp dân tuốt lá đào

Xen lẫn giữa bạt ngàn màu xanh của những đào phai, đào hạt, đào bích đỏ là bóng dáng những chiếc nón lá xinh xinh của các thôn nữ và màu xanh quân phục của các chiến sỹ trẻ trường Trung học Kỹ thuật Phòng không – Không quân.

Trong vai chàng lính đi giúp dân, tôi xuống ruộng đào của trưởng thôn Nguyễn Đình Công. Thấy tôi và cánh lính trẻ cứ lóng ngóng bên gốc đào, con gái rượu của trưởng thôn đồng thời là Bí thư chi đoàn Nguyễn Thị Thu Hiền liền đến hướng dẫn tỉ mỉ: “Các anh phải giữ chắc cành và tuốt ngược lên như thế này này…” .

Vừa nói chuyện, tay Hiền vừa thoăn thoắt trên các nhánh đào. Sau cái bỡ ngỡ ban đầu ấy, anh em cũng dần quen với công việc. Hỏi chuyện mới biết, Hiền đã tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế – Tài chính, đang làm việc tại một công ty liên doanh nước ngoài. Đã nhiều lần Hiền cùng đội văn nghệ của trường THKTPK-KQ tham gia hội diễn văn nghệ Quân chủng. Ngày nghỉ, cô tranh thủ về phụ giúp gia đình.

Hiền nói: “Ngày Tết, đơn vị thích đào thì cứ ra ruộng nhà em mà chọn, bao nhiêu cũng được”. Như vậy, ngoài bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ, thì không năm nào nhà trường thiếu đào đón Tết. Hạ sỹ Trần Mạnh Tuấn, Vũ Đình Tùng hăng hái đi chọn cây đào cho đại đội mình, nhưng Hiền giải thích: “Phải đợi đến lúc đào nở thì mới chắc ăn, nhỡ đâu đến Tết, trời nắng, đào không nở hoa thì công cốc”.

Mùa tuốt lá đào năm nay làng Phúc Lộc đông vui như trẩy hội. Tất cả già trẻ, gái trai cùng nhau đổ ra đồng. Mưa phùn thấm ướt trên vai áo, trời lạnh se sắt, nhưng lòng người thì chộn rộn, tiếng cười nói râm ran cánh đồng. Đại úy Nguyễn Quang Linh, Chính trị viên Đại đội 13, Tiểu đoàn 1 cũng dẫn một tốp lính trẻ và các cô giáo Nguyễn Thanh Hảo, Nguyễn Thị Hường giúp việc cho gia đình cựu bí thư chi đoàn Nguyễn Kim Thúy.

Một số chị em đang tập văn nghệ ở nhà văn hóa xã thấy bộ đội giúp dân vui quá cũng xin tạm nghỉ để xuống đồng hưởng ứng, cổ vũ. Linh tâm sự: “Từ ngày về đây nhận công tác, năm nào tôi cũng đi giúp dân tuốt lá đào, khơi mương, đắp đường, vệ sinh xóm làng. Vì thế, đi đâu bộ đội cũng được bà con quý mến, yêu thương”.

Quá trưa, chúng tôi kéo nhau về nhà trưởng thôn ăn cơm. Phải nói Hiền không những giỏi tuốt đào mà còn nấu ăn rất ngon. Bên mâm cơm giản dị, mộc mạc của làng quê với các món rau lang luộc, cá kho tộ, canh chua, cà pháo… chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện làng đào Phúc Lộc.

Làng mới bước vào nghề trồng đào được hơn mười năm nay. Trước đây, bà con chỉ biết mỗi năm ba vụ lúa, thu nhập rất thấp. Năm 1995, một lần trưởng thôn Nguyễn Đình Công sang Nhật Tân chơi, học lỏm được cách trồng đào, ông mừng như vớ được bảo bối.

Khi về, ông quyết định trồng đào thử nghiệm. Cuối năm thu hoạch được gấp năm gấp bảy lần trồng lúa. Thắng lớn, ông táo bạo trồng hết tất cả mẫu ruộng của mình. Lúc này bà con Phúc Lộc mới hết hoài nghi, tin vào những kế sách làm giàu của ông trưởng thôn và quyết định bỏ lúa trồng đào.

Cho đến nay cả thôn có 137 hộ thì có đến 120 hộ trồng đào. Ông Công tâm đắc: “Nghề trồng đào cũng giống như môn nghệ thuật, đó là đem hết cái đẹp hiến dâng cho đời, mỗi cây đào đối với tôi là một tác phẩm, nó kết tinh biết bao công sức và niềm đam mê của mình. Đẹp lắm! Vui lắm! Nhất là những dịp giáp Tết, thấy hoa đào nở thắm mà lòng đầy phấn chấn”.

Nói chuyện đào cũng như khơi đúng mạch nguồn cảm xúc của cô sinh viên Cao đẳng Dược Hà Nội Nguyễn Ngọc Yến: “Người dân quê em, dù đi đâu, làm công việc gì cũng đều nhớ đến mùa hái lá và thu hoạch đào. Chính đào đã giúp cho người dân vượt qua đói nghèo, làm cho quê hương em ngày càng giàu đẹp. Mỗi độ Tết đến xuân về nhìn cánh đồng bạt ngàn sắc đỏ, người xe tứ xứ nườm nượp đổ về Phúc Lộc mà lòng dạ xốn xang. Mỗi cây đào, cành đào ra đi, người dân Phúc Lộc quyến luyến như tiễn một người con gái đẹp đi lấy chồng”.

Câu chuyện của ông Công, của Yến và Hiền tạo cho chúng tôi cảm giác như Tết đã gõ cửa đâu đây. Đến giờ phải về mà lòng bịn rịn không muốn rời xa. Phải chăng sắc đỏ hoa đào hay nụ cười dịu dàng, kín đáo của những người con gái làng đào níu giữ bước chân mình.

Nguyễn Thành Trung
(Quân chủng Phòng không – Không quân)

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.