Chờ quyền tự quyết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vấn đề nóng nhất tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 – 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm qua là ngành giáo dục vừa thiếu 95.000 giáo viên và vừa thừa cục bộ.

Đây là vấn đề cũ nhưng có nhiều nỗi lo mới khi ngành giáo dục bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu các trường học phải đảm bảo dạy 2 buổi/ngày. Việc giao biên chế không theo năm học, ngành GD&ĐT chịu trách nhiệm nhưng lại không có quyền tuyển dụng, không đào tạo theo nhu cầu giáo viên dạy học chương trình mới, là những lý do khiến câu chuyện thiếu giáo viên khó có hồi kết.

Dù chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, các địa phương đã có ít nhất 3 - 4 năm chuẩn bị trước đó, nhưng hầu hết các tỉnh, thành đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học; môn nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp THPT. Nhiều tỉnh, thành có biên chế nhưng những môn học mới không có nguồn tuyển do các trường sư phạm chưa đào tạo kịp.

Có địa phương phải đi “truy” những viên chức gốc sư phạm đang làm ở các vị trí khác để chuyển sang giảng dạy. Bộ GD&ĐT khẳng định trong mùa tuyển sinh năm nay, với những môn thiếu giáo viên, Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Tuy nhiên, trong một vài năm tới, tình trạng “trắng” giáo viên ở một số môn học mới, đặc biệt là Mỹ thuật và Âm nhạc cấp THPT, chắc chắn chưa thể khắc phục.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chỉ ra rằng quy trình quản lý nhân lực phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý trong ngành giáo dục. Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên có sự tham gia của ngành GD&ĐT, Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường.

Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý. Trong đó, quan trọng nhất khi tuyển dụng đội ngũ, ngành giáo dục chỉ có vai trò đề xuất, tham mưu. Còn thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh/thành hoặc UBND quận/huyện và ngành Nội vụ. Nên dẫn đến tình trạng thừa thiếu và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.

Hay như việc thực hiện Nghị định 116/NĐ-CP về việc “đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên”, trong bối cảnh giáo viên vừa thiếu quá nhiều, vừa thừa cục bộ thì việc “đặt hàng đào tạo” là giải pháp cung cấp nguồn tuyển trúng đích. Nhiều trường sư phạm sẵn sàng đón nhận “đơn đặt hàng” nhưng thực tế không có, hoặc đã kết nối rồi bỏ ngỏ do phụ thuộc vào quyết định của UBND các tỉnh/thành phố. Ở cấp cao hơn, ngay cả Bộ GD&ĐT cũng không có quyền quyết trả lương cho giáo viên. Sự chia cắt trong quản lý đã đẩy ngành giáo dục vào thế bị động trong sử dụng nhân lực như hiện nay.

Không những thế, qua những chuyến thực tế, điều đáng buồn là nhiều địa phương thực hiện giảm cơ học biên chế trong ngành giáo dục. Có Sở GD&ĐT kêu trời vì trước đây, mỗi cấp học có một phòng chuyên môn phụ trách như Phòng Giáo dục Tiểu học, Phòng Giáo dục mầm non thì nay sáp nhập thành Phòng giáo dục tiểu học – mầm non, và mỗi cấp học có một chuyên viên phụ trách…

Ngành giáo dục không chỉ nóng vấn đề thiếu giáo viên mà còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cán bộ quản lý hoặc cán bộ quản lý bị phân quá nhiều vai do các địa phương tinh giảm biên chế. Đến bao giờ ngành giáo dục được nắm trong tay quyền quyết định tuyển người và dùng người thì vấn đề thừa thiếu giáo viên mới phần nào giảm nhiệt.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.