Cho phép nhập khẩu ô tô tự do: Thị trường xe loạn?

Cho phép nhập khẩu ô tô tự do: Thị trường xe loạn?
TPO - Giữa năm 2011, Thông tư 20 do Bộ Công thương ban hành khiến các showroom ô tô không còn được phép nhập khẩu xe về bán như trước. Ngày 1/7 tới đây, thông tư trên sẽ hết hiệu lực, và nguy cơ náo loạn thị trường xe hơi có thể xảy ra.

Trước thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực, thị trường xe hơi trong nước là sự cạnh tranh của những mẫu xe được nhập khẩu chính hãng với những chiếc xe được nhập khẩu riêng lẻ ngoài thị trường. Tương tự như thị trường công nghệ, những sản phẩm "xách tay" luôn có giá tốt hơn những sản phẩm nhập khẩu qua nhà phân phối chính hãng, thị trường ô tô cũng chứng kiến sự cạnh tranh về giá của những chiếc xe nhập khẩu không chính hãng qua các showroom ô tô.

Những chiếc xe nhập khẩu không chính hãng qua showroom, nếu không tính đến những tiêu cực như khai giá thấp để trốn thuế hay nhiều hình thức lách luật khác, thì có được giá bán ra tốt hơn những chiếc xe nhập khẩu qua nhà phân phối. Không cần lo cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn của hãng, không phải chịu ràng buộc về bảo hành bảo dưỡng chính hãng, không chịu trách nhiệm triệu hồi nếu sản phẩm xảy ra lỗi, đó là những lý do các mẫu xe từ showroom có giá tốt hơn những xe nhập khẩu qua nhà phân phối.

Không ít những xe dạng này sau đó khi có vấn đề đã bị "đem con bỏ chợ", các showroom tất nhiên chỉ có trách nhiệm bán xe, những vấn đề còn lại nhường cho những nhà sản xuất hay phân phối chính hãng xử lý. Nếu là những mẫu xe độc, lạ, chưa có nhà phân phối chính hãng, nhiều người mua còn phải chịu cảnh đắp chiếu cho những chiếc xe tiền tỷ khi gặp vấn đề.

Năm 2009, có tới hơn 100 ngàn xe lớn nhỏ được nhập khẩu về Việt Nam, tạo nên tình trạng nhập siêu lớn và góp phần không nhỏ vào khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó.

Ở chiều hướng ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô đã đầu tư rất nhiều vào nhà máy lắp ráp, hệ thống đại lý đạt tiêu chuẩn, có khả năng sửa chữa bảo dưỡng, phải chịu trách nhiệm với những mẫu xe bán ra, như triệu hồi, thay thế linh kiện hỏng lỗi... nên có mức giá bán cao hơn, và chịu sức ép rất lớn từ những mẫu xe nhập khẩu không chính hãng cho tới trước thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực giữa năm 2011.

Do vậy, khi Thông tư 20 sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây, người ta lo ngại giới buôn xe không chính hãng, vốn "ngủ đông" vài năm gần đây, sẽ quay trở lại và khiến thị trường xe hơi trở nên hỗn loạn.

Theo Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), việc bãi bỏ thông tư 20 tới đây sẽ khiến các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô ồ ạt, dẫn đến tồn kho, nhập siêu, và có thể phải bán lỗ do không kiểm soát được cung cầu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc này cũng tạo ra sự bất ổn của thị trường ô tô đang ổn định, tạo ra sự bất an đến các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Theo VAMA, việc kinh doanh ô tô cần được ủy quyền của nhà sản xuất để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiêt, đào tạo con người và cung cấp linh kiện chính hãng phục vụ bảo hành, bảo dưỡng, cũng như việc triệu hồi xe để đảm bảo xe luôn có chất lượng tốt nhất trong suốt vòng đời, qua đó đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng VIVA cũng lên tiếng cho rằng, Thông tư 20 cần được duy trì hiệu lực để không làm xáo trộn thị trường ô tô trong nước.

VAMA cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định Chính phủ thay thế cho thông tư 20 sắp hết hiệu lực, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường và ngành công nghiệp ô tô cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Ở góc độ người dùng, khi Thông tư 20 có hiệu lực, có thể sẽ có nhiều hơn những mẫu xe mới, xe lạ được nhập khẩu về Việt Nam, tăng sự lựa chọn cho khách hàng, mức giá cũng có thể cạnh tranh hơn với các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng vì nhiều lý do. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với những sản phẩm tốt. Có nhiều sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn xứ lạnh, sẽ sớm gặp sự cố khi hoạt động ở môi trường nóng ẩm như Việt Nam. Và khi hỏng hóc, những chiếc xe được nhập không chính hãng sẽ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ người bán hàng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.