Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh: CK
Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” được phê duyệt vào năm 2016 với kinh phí hơn 63 tỷ đồng, với mục tiêu tiếp tục bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng theo hướng trở thành chợ đầu mối, trung chuyển hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an sinh xã hội.
Đề án có 13 hạng mục chính, được chia thành hai giai đoạn triển khai (2016 - 2018 và 2019 – 2020). Đến nay đã có 9/13 hạng mục công trình đã thực hiện như phân luồng giao thông, duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc triển khai hỗ trợ vốn vay, xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung nguồn cho chợ nổi, tổ chức thu gom rác bảo vệ môi trường, quầy hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng trên sông…
Hiện giai đoạn 2 của đề án đang được triển khai với 4 hạng mục còn lại gồm trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền và nhà hàng nổi ven sông.
Ngày 20/3, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ có buổi khảo sát chợ nổi và làm việc với UBND quận Cái Răng cùng các sở ngành về đề án. Theo đại diện các sở ngành, đề án triển khai còn chậm, kết quả đạt được chưa như mong đợi, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đột phá.
Ông Vương Công Khanh - Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết quá trình triển khai đề án cũng đang gặp nhiều khó khăn như dự án kè dọc sông Hậu có ảnh hưởng đến một số bộ phận và công trình của dự án chợ nổi, công tác hỗ trợ cho vay vốn cũng vướng nhiều thủ tục pháp lý, việc kêu gọi đầu tư các hạng mục công trình chưa hiệu quả, chưa quản lý được về giá cả đưa khách tham quan chợ nổi...
Qua đó, quận Cái Răng kiến nghị UBND thành phố tìm các giải pháp thiết thực hơn để thương hồ bám chợ, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với sự đặc thù của chợ nổi, thành lập quỹ hỗ trợ bảo tồn, tạo điều kiện để địa phương tiếp cận các nhà đầu tư…
Theo ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cần phải hết sức cẩn trọng khi đánh giá và thực hiện đề án để có những giải pháp kịp thời phù hợp, phải có tham chiếu kết quả trước và sau khi thực hiện đề án, nhất là về số lượng tàu ghe, thương hồ, lưu lượng hàng hóa tăng giảm, những đánh giá về tác động môi trường…
Ông Nam yêu cầu UBND quận Cái Răng phải có sơ kết đánh giá về quá trình thực hiện đề án vào tháng 7 tới, trong đó cần có những đánh giá sát thực về số lượng thương hồ, các dịch vụ phục vụ du khách, dịch vụ lữ hành đưa khách đến chợ nổi.
Từ đó, các sở, ngành sẽ đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi và UBND thành phố sẽ tiếp tục báo cáo, trình HĐND thành phố để có những kế hoạch mới sau đề án, những quyết sách đột phá để tiếp tục duy trì bảo tồn và phát huy được tiềm năng chợ nổi.
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cần Thơ thuộc quận Cái Răng, cách bến Ninh Kiều khoảng 6 km, có vị trí thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán. Đây là nơi hoạt động của khoảng 200 - 250 phương tiện mua bán, có lúc từ 300 - 400 phương tiện.
Lượng hàng hóa nông sản (trái cây, rau củ, hoa kiểng, hàng thủ công, gia dụng, ẩm thực…) được mua bán tại chợ nổi ước tính 2.000 tấn/ngày, tổng doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/ngày (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng/năm), tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông và các tiểu thương mưu sinh.