Chợ nổi Cái Răng đang “chìm”?

Một cảnh mua bán ở chợ nổi Cái Răng - TP Cần Thơ. Ảnh: Nhật Anh.
Một cảnh mua bán ở chợ nổi Cái Răng - TP Cần Thơ. Ảnh: Nhật Anh.
TP - Trong hai ngày 8 và 9/6, thành phố Cần Thơ tổ chức “Ngày hội Du lịch chợ nổi Cái Răng” và đón nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho khu chợ nổi lớn nhất ĐBSCL này. Về khía cạnh phi vật thể, thương hồ ở chợ nổi chính là linh hồn. Và có những con số đang “nổi trôi” ẩn chứa nhiều lo lắng.

Dăm năm trước, ghe thuyền buôn bán hằng ngày ở chợ nổi có khoảng 500 chiếc, bây giờ đã giảm hơn nửa, chỉ còn 200 – 250 chiếc. Dịp lễ, tết chợ họp đông mới có 300 - 400 ghe thuyền lớn nhỏ.

Tự phát

Khảo sát của Viện Kinh tế-Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, trong đó có 38 bè nổi đậu sát bờ; khoảng 150 chiếc thuyền lớn neo đậu cố định; 100 chiếc thuyền đi lại. Về tải trọng, loại lớn 15-30 tấn có khoảng 70 chiếc, loại vừa 4-15 tấn khoảng 80 - 100 chiếc, còn lại nhỏ hơn. Sự đa dạng của hàng hoá tại chợ nổi cũng giảm so với trước, do đường bộ phát triển nên giao thương đường thủy teo tóp và nhiều bất cập trong quản lý. Xưa nay các chợ nổi hoạt động hoàn toàn tự phát.

Hình ảnh đặc trưng của chợ nổi là những chiếc ghe thuyền tròng trành theo con nước. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng máy hòa với âm thanh rao hàng, tiếng cười nói, ngã giá mua bán của thương hồ làm đậm nét văn hóa Nam bộ. Chợ nổi Cái Răng nằm ở trung tâm thành phố Cần Thơ, còn lưu giữ được những nét đặc trưng vốn có, đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách gần xa.

Có 35,8% khách trong nước và 60% khách nước ngoài đến đây với mục đích chính là tìm hiểu về chợ nổi. Tính đặc thù sông nước tạo sức hấp dẫn với 46,7% khách trong nước, 59,2% khách nước ngoài; cảnh quan độc đáo mua bán trên sông còn hấp dẫn du khách hơn nữa. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của hàng hóa tại chợ nổi đối với du khách lại thấp, với khách nội địa chỉ 35%; khách quốc tế 5%. 

Đây là vấn đề lớn sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chợ nổi, bởi chợ nổi hình thành từ nhu cầu mua bán nông sản và phát triển khi trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản. Hiện nay, nông sản mua bán tại chợ nổi Cái Răng vẫn chiếm tới 86,7% tổng lượng hàng hóa. Khi sự hấp dẫn giao thương nông sản giảm, sẽ lu mờ lý do tồn tại và dễ mất nguồn lực nuôi sống chợ nổi.

Nghèo khó

Quan sát hoạt động của thương hồ tại chợ nổi Cái Răng thấy đa phần là vợ chồng cùng buôn bán. Trình độ học vấn của thương hồ chủ yếu từ cấp 2 trở xuống, còn trên lớp 12 chỉ có 0,8%. Con em thương hồ học lên cao đẳng, đại học chỉ đếm đầu ngón tay, trong lúc nhiều trẻ em còn chịu cảnh thất học. Trình độ của thương hồ không cao nên có nhiều khó khăn trong vận động bảo vệ môi trường, ứng xử trong giao tiếp với du khách.

Quê quán của thương hồ hầu hết ở vùng ĐBSCL; buôn bán theo truyền thống gia đình. Rất nhiều người gắn bó với chợ nổi Cái Răng trên 20 năm, nên mua bán hiểu biết rành rẽ nhau. Tuy nhiên, số thương hồ mới buôn bán ở chợ nổi dưới 1 năm chỉ có 0,8% lại là một con số báo động, tính kế thừa hoạt động buôn bán trong tương lai là rất hạn chế. Nhiều người gắn với chợ nổi chỉ vì không có chỗ buôn bán trên bờ.

Khảo sát nhu cầu hỗ trợ duy trì mua bán của thương hồ, cao nhất là vốn để sửa chữa nâng cấp ghe thuyền chiếm 67,5%; kế đến hỗ trợ vốn đầu tư phát triển, bảo hiểm y tế. Để thu hút khách du lịch, thương hồ cần có các kỹ năng như ngoại ngữ, kiến thức về du lịch nhưng tỷ lệ muốn được hỗ trợ hai nội dung này chỉ có 16,7% và 10,8%.

Băn khoăn

Theo đánh giá của du khách, chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch có những nét rất hấp dẫn và cũng không thiếu những điều không hấp dẫn. Một trong những lý do không hấp dẫn là môi trường ô nhiễm, hoạt động khá lộn xộn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lẫn an toàn tính mạng.

Sau khi đón bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ sẽ triển khai dự án bảo tồn chợ nổi với phương pháp “giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp quản lý”, kinh phí hơn 63 tỷ đồng.

Dự án tập trung sắp xếp lại chợ nổi cho trật tự, đảm bảo giao thông đường thủy, bảo vệ môi trường và giúp người dân chợ nổi ổn định cuộc sống. Sẽ làm du thuyền phục vụ ẩm thực, đờn ca tài tử; nhà hàng nổi bán đặc sản và hàng lưu niệm…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại băn khoăn, khi xuất hiện những du thuyền và nhà hàng nổi mà giá mỗi chiếc đến 15 tỷ đồng thì hình ảnh ghe thuyền nhỏ bé, cũ kỹ của thương hồ chợ nổi sẽ như thế nào? Hoạt động của thương hồ bị đình trệ sẽ làm giảm sự hấp dẫn và có thể dẫn tới nguy cơ “chìm” mất chợ nổi.

MỚI - NÓNG