Cho lắp dải phân cách tại 'điểm đen' tai nạn làm 8 người chết

TPO - Các đoạn tuyến chạy song song với quy hoạch đường cao tốc Bắc Nam thì phải giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cho mở rộng tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua Bình Thuận thêm 0,5m và lắp dải phân cách ở nơi xảy ra tai nạn thảm khốc vào sáng 21/7.

Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, tuyến Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai từ km 1720+800 đến km 17704734 dài gần 50km có mặt đường rất hẹp, không có dải phân cách giữa, xe gắn máy và các loại xe thô sơ khác đi chung làn xe cơ giới, một số vị trí có yếu tố kỹ thuật bị giới hạn như cầu hẹp, nhiều đoạn cong của liên tiếp.

Cho lắp dải phân cách tại 'điểm đen' tai nạn làm 8 người chết ảnh 1 Vụ tai nạn nghiêm trọng vào sáng ngày 21/7 khiến 8 người tử vong, 7 người bị thương.

Không chỉ vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào sáng nay 21/7 mà trước đó cũng đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Chẳng hạn, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách giường nằm và xe kéo rơmooc xảy ra ngày 9/9/2017 tại km 1768+530 thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân làm 2 người chết, 9 người bị thương.

Cũng trong năm 2017 tại Km1733+700, Quốc lộ 1A thuộc thôn Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam xảy ra vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng do xe ôtô gây ra làm 2 người chết và 2 người bị thương...

“Các vụ tai nạn giao thông trên do không có giải phân cách giữa, dẫn đến khả năng đối đầu cao. Trước mắt, khi chưa thể làm đường 4 làn xe thì cần phải làm dải phân cách mền, phản quang. Về việc lắp camera, trước mắt tỉnh sẽ phối hợp với Bộ giao thông Vận tải trang bị ở những nơi trọng yếu”, ông Phong nói và cho biết thêm, vụ tai nạn xảy ra vào đêm khuya, đường vắng, lực lượng tuần tra kiểm soát cũng không thể nắm hết được.

Sẽ cho lắp dải phân cách

Phát biểu tại buổi họp báo về Diễn biến và công tác phối hợp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng ngày 21/7/2020 tại Km 1767 Quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói rằng, đây là vụ tai nạn thảm khốc. Nguyên nhân vụ tai nạn không phải là do hạ tầng mà do ý thức của tài xế.

Ngày 18/4/2017, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai theo hình thức BOT tại Quyết định số 1141/QĐ-BGTVT (Đoạn km 1720+800 đến km 17704734). Trong đó, phê duyệt bổ sung đầu tư mở rộng nền, mặt đường, lắp đặt dải phân cách (19,6 km) các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và mở rộng 3 cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh, cầu Tà Mon. Tuy nhiên, đến nay chỉ thi công lắp đặt dải phân cách giữa 6,3 km, còn lại 13,3 km dải phân cách giữa và mở rộng 3 cầu chưa triển khai.

Cho lắp dải phân cách tại 'điểm đen' tai nạn làm 8 người chết ảnh 2 Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Sẽ cho lắp dải phân cách tại nơi xảy ra tai nạn làm 8 người chết.

“Theo hợp đồng BOT, sẽ triển khai thêm 45km có dải phân cách thì tại ví trí xảy ra tai nạn không có lắp dải phân cách ở hai vị trí này. Chúng tôi sẽ bổ sung. Muốn lắp dải phân cách, phải mở rộng mỗi bên 0,5m nữa”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm, năm 2011, các đoạn tuyến chạy song song với quy hoạch đường cao tốc Bắc Nam thì phải giữ nguyên hiện trạng. Ngoài Đồng Nai, Bình Thuận thì ở miền Trung còn có Quảng Nam, Đà Nẵng cũng gặp trường hợp khó khăn khi mở rộng Quốc lộ 1.

Ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, phải làm thế nào khởi công được đường cao tốc Dầu Dây-Phan Thiết trong tháng 9/2020. Khi có nguồn lực thì sẽ bố trí để mở rộng Quốc lộ 1. Đồng thời, phải đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt mạnh việc vi phạm an toàn giao thông. Ban đêm, cũng cần phải tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát. Hay xảy ra tai nạn chỗ nào thì chỗ đó tài xế thường chạy xe tốc độ cao.

Như Tiền Phong đã thông tin, rạng sáng 21/7, trên Quốc lộ 1 đoạn qua thôn 2, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc làm 8 người chết, 7 người khác bị thương.

Vào thời điểm trên, xe tải 79N-0315 do tài xế Phan Thanh Tùng (SN 1991, trú phường Ba Ngoài, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) điều khiển chạy theo hướng Đồng Nai đi Phan Thiết.

Khi chạy đến đoạn đường nói trên, xe tải này đã đối đầu trực diện với xe khách 16 chỗ ngồi (trên xe có 14 người, gồm 1 lái xe và 13 khách) do tài xế Lê Thanh Trúc (SN 1972, ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận điều khiển) chạy hướng ngược lại.

Qua theo dõi dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, Ban An toàn giao thông Bình Thuận xác định nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là do xe khách chạy không đúng phần đường, làn đường. Tại thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, xe khách chạy với tốc độ 69km/giờ, còn xe tải chạy với tốc độ 60km/giờ. Cả 2 xe đều không vi phạm tốc độ. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.