Địa điểm họp chợ là phía sau đình Cao Thượng, một ngôi đình cổ còn giữ được nhiều dấu tích của thời gian với mái ngói âm dương cong vút, thâm nghiêm. Theo nhiều cụ già trong thôn, chợ đã có cách đây hàng trăm năm và từng là chợ phiên nổi tiếng của cả một tổng Yên Thế thuở xưa. Đến khi thực dân Pháp nắm quyền đã cấm người dân nơi đây họp chợ bởi sợ lợi dụng để bí mật liên lạc, tiếp tế cho nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám. Quả thật lúc ấy, chợ nằm giữa chiến tuyến. Một bên là đội quân áo vải của người Anh hùng Hoàng Hoa Thám, một bên đồn Pháp đóng trên đỉnh Mỏ Thổ. Hai bên kình nhau ghê lắm, đại bác bắn qua chợ ào ào.
Để duy trì được chợ và cũng là cách để ủng hộ nghĩa quân, người dân Cao Thượng vác đơn lên kiện cả quan Pháp để đòi quyền họp chợ. Người Pháp vẫn cho họp chợ nhưng lại bắt chuyển địa điểm sang nơi khác (tức chợ Mọc hiện nay). Tuy nhiên, địa điểm họp chợ cũ vẫn được nghĩa quân và người dân bí mật tổ chức một phiên duy nhất vào rạng sáng ngày mồng Hai Tết hàng năm. Thực chất đây là nơi để Hoàng Hoa Thám trao đổi thông tin, tiếp cận với các nhân sĩ yêu nước ở khắp nơi đứng lên giải ách nô lệ. Dẫu sau này cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng chợ phiên độc đáo này vẫn được duy trì đến tận ngày nay.
Theo chân một gia đình đang sinh sống ở thành phố Bắc Giang nhưng chưa năm nào quên đi chợ này, chúng tôi có mặt lúc 5 giờ sáng nhưng đã thấy nhiều người tay xách nách mang đồ đạc về nhà, chứng tỏ họ đã có mặt ở đây từ rất sớm. Mấy cháu bé? theo ông bà, cha mẹ? đi chợ tíu tít đòi mua mấy đồ chơi màu sặc sỡ. Một số cụ già sau một vòng dạo quanh chợ khoan thai rủ nhau vào ngôi chùa Cao Thượng thưởng thức chén trà nóng trong nghi ngút khói hương.
Chợ? họp trên một bãi cỏ rộng hơn nghìn mét vuông ở phía sau đình Cao Thượng,? thường ngày nơi này là? chỗ bọn trẻ trong làng hay ra đá bóng. Chợ có đủ thứ: đồ chơi trẻ em, quần áo, hoa quả, bánh kẹo, nông cụ… Nhiều nhất là các loại hàng hoá mang màu đỏ - tượng trưng cho những điều may mắn đầu năm. Đó là những hộp diêm nhỏ xinh, que diêm đầu đỏ rực; quả bóng bay đỏ tươi đùa trong cái lạnh của đêm đầu xuân; những thớ thịt bò đỏ au rải dài một dãy phía cuối chợ. Đặc biệt hơn cả là những chiếc bánh đa đỏ.
Theo người dân ở đây, loại bánh đa này khá đặc biệt với màu đỏ của gấc chín. Tiếc rằng, bây giờ không còn ai làm loại bánh đa đỏ theo cách truyền thống nữa, thay vào đó là những chiếc bánh đa có phẩm đỏ nhưng vẫn khá đắt khách. Nhiều người nói mua về nhưng cũng chưa chắc đã ăn, chỉ để lấy chút may mắn đầu năm. Người dân ở đây quan niệm, đi chợ đêm là để lấy may nên việc mua bán thường diễn ra nhanh chóng, ai cũng muốn có được một thứ gì đó trong phiên chợ này. Chả thế mà nhiều người có hẳn cửa hàng lớn ở trung tâm huyện nhưng vẫn đóng cửa, đi chợ này mang một vài thứ về để bán lấy may.?
Chợ không có ki-ốt, cũng chẳng có nhà mái che, người bán, người mua cứ đội sương, đội gió mà đi mua bán. Anh Phạm Quỳnh Tung, một người dân nơi đây cho biết, chợ không thu phí cũng chẳng có thuế má, mọi người cứ tự nhiên đi cả xe vào chợ mặc cả, ngã giá món hàng yêu thích.
Còn cụ Nguyễn Văn Tiếp, 90 tuổi, nhà ở gần chợ khẳng định hầu như chưa vắng buổi chợ nào vào ngày mồng Hai Tết. Cụ nhớ lại: “Ngày còn nhỏ, tôi đã theo ông bà, bố mẹ đi chợ Tết. Lúc ấy chưa có điện, người dân mang đèn dầu, nến đi chợ mua, bán. Người dân ở đây coi việc đi chợ như một nghi lễ linh thiêng. Có những năm cả làng chạy loạn, đêm mồng Một rạng ngày mồng Hai Tết lại thấy lũ lượt kéo về họp chợ rồi lại hối hả ra đi”.?Người dân nơi đây còn lưu truyền câu vè: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ mồng Hai Tết về chơi chợ nhà”.
Hơn 7 giờ, khi đã rõ mặt người, những người bán hàng dần thu dọn hàng hóa, còn khách lỉnh kỉnh với món đồ vừa mua. Không thấy sự mệt mỏi của một đêm thiếu ngủ mà trái lại, ai nấy đều viên mãn.