Chờ giám đốc thẩm, vẫn cưỡng chế thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng quận Sơn Trà thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vào sáng ngày 9/12 Ảnh: Nguyễn Thành
Lực lượng chức năng quận Sơn Trà thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vào sáng ngày 9/12 Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Ngày 9/12, chính quyền quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã huy động phương tiện thực hiện cưỡng chế thu hồi hơn 1.200m2 đất của gia đình vợ chồng ông Nguyễn Văn Côi (62 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (59 tuổi, trú tại tổ 34, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Điều đáng nói, diện tích đất này nằm trong vụ khiếu kiện đang chờ Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trước đó.

Trả lời hôm nay, mai cưỡng chế !?

Diện tích đất nói trên thuộc thửa đất số 84, tờ bản đồ số 42 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Ngày 15/1/2019 UBND quận Sơn Trà ra Quyết định số 175 thu hồi để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Bàu Gia Phước. Đây là khu vực phát triển sầm uất của quận Sơn Trà, tuy nhiên, việc áp giá đền bù thấp nên gia đình ông Côi đã khởi kiện yêu cầu tòa án hủy Quyết định 175/QĐ-UBND ngày 15/1/2019 của UBND quận Sơn Trà và các quyết định khác.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/9/2020 của TAND TP Đà Nẵng, ông Côi thắng kiện chính quyền TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, một năm sau, ngày 17/9/2021, theo kháng án của UBND quận Sơn Trà, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm đã bác bản án sơ thẩm, tuyên chấp nhận đơn kháng án của UBND quận Sơn Trà, bác toàn bộ nội dung khởi kiện của ông Côi với các quyết định của UBND Sơn Trà và UBND TP Đà Nẵng.

Sau phiên tòa phúc thẩm, gia đình ông Côi, bà Vân đã có đơn xem xét thủ tục Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 186 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Ngày 8/11, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận được đơn kiến nghị xem xét thủ tục Giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm số 186 ngày 17/9/2021 của TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng của ông Côi và bà Vân. Đồng thời, đã chuyển đơn và tài liệu kèm theo của ông bà đến Vụ 12, Viện KSND Tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 23/11, Viện KSND Tối cao đã có giấy xác nhận về việc nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị Giám đốc thẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Côi và bà Nguyễn Thị Thanh Vân.

Theo bảng tính giá trị đền bù được UBND Sơn Trà đưa ra, thì 1.212m2 đất của gia đình ông Côi chỉ được áp giá 70.000 đồng/m2, trong khi giá đất thị trường tại khu vực này đã 70-100 triệu đồng/m2, thấp hơn 1.000 lần.

Sự việc đang trong quá trình giải quyết, ngày 16/11, UBND quận Sơn Trà ra Quyết định số 4698 áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất do không chấp hành Quyết định số 175 ngày 15/1/2019 của UBND quận Sơn Trà. Gia đình ông Côi sau đó đã có đơn xin tạm dừng cưỡng chế thu hồi đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Côi cho biết: Ông đang nằm điều tri tại bệnh viện nên vợ ông có đơn xin tạm dừng cưỡng chế theo quyết định của quận. Tuy nhiên, đến ngày 8/12, UBND quận có văn bản trả lời “không chấp nhận gia hạn việc cưỡng chế”, trong khi thời hạn thực hiện cưỡng chế theo Quyết định 4698 là đến ngày 29/3/2022. Một ngày sau (9/12), quận huy động lực lượng thực hiện cưỡng chế thu hồi.

“Gia đình chúng tôi không chống đối, chỉ mong mọi việc được thực hiện theo đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý”, ông Côi cho biết.

Quận thực hiện cưỡng chế sai luật?

Gia đình ông Côi trước đó cũng đã có đơn xin tạm dừng thi hành án đối với bản án phúc thẩm gửi Viện KSND Tối cao. Trong đơn ông Côi trình bày: Mặc dù gia đình đã nhiều lần trao đổi với chính quyền địa phương về việc đây là việc thi hành một bản án có hiệu lực pháp luật, không phải là thi hành một quyết định hành chính nên phải thực hiện thông qua Cơ quan thi hành án và theo đúng thẩm quyền, quy trình và trình tự quy định tại Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Gia đình ông Côi đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao trong thời gian chờ đợi xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, tạm dừng thi hành án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Luật sư Hà Đồng Thông (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Thông) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Nguyễn Văn Côi, cho biết: Theo quy định tại Điều 311, Điều 312 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 14 Nghị định 71 ngày 1/07/2016 của Chính phủ và Công văn số 212 ngày 13/9/2019 của TAND Tối cao, thì ông Côi có 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án phúc thẩm để tự nguyện thi hành án.

Sau 30 ngày trên, trong vòng 1 năm, phía quận Sơn Trà phải gửi đơn lên Tòa phúc thẩm yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án. Sau khi quyết định buộc thi hành án được Tòa ban hành thì phải gửi đến Viện KSND cùng cấp, Cơ quan thi hành án và gia đình ông Côi.

Sau đó, Cơ quan thi hành án sẽ phân công chấp hành viên thụ lý hồ sơ và liên hệ với ông Côi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bản án. Nếu ông Côi không chấp hành, cơ quan thi hành sẽ án ra Quyết định cưỡng chế, chứ không phải UBND quận.

“Hiện tại, với quy trình trên, UBND quận Sơn Trà đều không thực hiện, không thông qua thi hành án mà tự ý thực hiện nên cưỡng chế là không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục luật định”, luật sư Thông cho biết.

Ngày 9/12, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với lãnh đạo quận Sơn Trà để tìm hiểu thêm về việc cưỡng chế này. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày chưa nhận được phản hồi về vụ việc.

MỚI - NÓNG
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
TPO - Giá vàng hôm nay (7/10) giảm khi giới đầu tư giảm kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát và bình luận từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thêm tín hiệu.