Việc cân bằng giữa ngoại giao và khả năng quân sự sẽ quyết định Nga có thể bảo vệ lợi ích chiến lược của mình hay không khi phải đối mặt những thách thức từ các liên minh mới và sự cạnh tranh quyền lực ngày càng gay gắt trong khu vực.
Sau khi lực lượng nổi dậy tiến vào Damascus mà không gặp sự kháng cự, Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và rời Syria, chấm dứt gần sáu thập kỷ cầm quyền.
Dù Nga đã đạt được bảo đảm an ninh cho các căn cứ quân sự tại Syria, tầm ảnh hưởng địa - chính trị và sự hiện diện quân sự lâu dài của nước này tại khu vực vẫn đứng trước nhiều thách thức.
Diễn biến này cho thấy nỗ lực của Mátxcơva thích ứng với bối cảnh chính trị thay đổi nhanh chóng của Syria trong khi bảo vệ lợi ích chiến lược của mình.
Ông Bashar al-Assad (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và ông Sergei Shoigu xem xét tài liệu trong cuộc gặp tại thành phố Sochi của Nga hồi cuối tháng 11/2017. Ảnh: Kremlin.ru. |
Tính toán ngoại giao của Nga
Quyết định cấp quyền tị nạn cho ông Assad vì lý do nhân đạo thể hiện nỗ lực cân bằng giữa lòng trung thành và sự thực tế trong ngoại giao của Nga.
Sự can thiệp của Mátxcơva vào Syria từ năm 2015 đã củng cố chính quyền Assad, giúp Nga duy trì hai căn cứ quân sự quan trọng, gồm căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim. Đây là những cơ sở chiến lược giúp Nga gia tăng sức mạnh tại Trung Đông, Địa Trung Hải, thậm chí châu Phi.
Việc cấp quyền tị nạn cho ông Assad phục vụ nhiều mục đích, gồm khía cạnh nhân đạo, thiết lập lại ngoại giao, duy trì lợi ích chiến lược.
Việc nhấn mạnh khía cạnh nhân đạo giúp Nga tránh bị cáo buộc bỏ rơi đồng minh. Với sự ra đi của ông Assad, Mátxcơva có thể định vị lại mình như một nhà hòa giải trong tiến trình hòa bình của Syria, hợp tác với phe đối lập và các cường quốc toàn cầu dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, thỏa thuận đảm bảo các căn cứ quân sự của Nga giúp duy trì quyền tiếp cận Địa Trung Hải ngay cả khi tình hình chính trị Syria còn bất ổn.
Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga bảo vệ căn cứ hải quân tại cảng Tartus. Ảnh: Defense Express. |
Duy trì hiện diện quân sự gặp khó khăn
Bất chấp các bảo đảm từ lãnh đạo phe đối lập Syria, sự hiện diện quân sự của Nga vẫn không được đảm bảo chắc chắn. Các blogger quân sự Nga có ảnh hưởng, bao gồm Rybar đã bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh biến động, ngày càng xấu đi quanh các căn cứ của Nga.
Tại căn cứ hải quân Tartus, các tàu chiến Nga đã rời Tartus và di chuyển ra ngoài khơi để đảm bảo an toàn.
Tại căn cứ không quân Hmeimim, lực lượng nổi dậy đã làm gián đoạn các tuyến tiếp tế chính, khiến căn cứ bị cô lập.
Trong khi đó, hai căn cứ của Nga phải đối mặt sự thù địch từ lực lượng người Kurd và phe nổi dậy. Lực lượng người Kurd đã phong tỏa các cơ sở của Nga phía bên kia sông Euphrates, trong khi các vị trí của Nga tại một cơ sở dầu mỏ ở thành phố Homs bị bao vây.
Những diễn biến này cho thấy việc bảo vệ cơ sở quân sự của Nga có thể phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực tác chiến tại chỗ thay vì các thỏa thuận ngoại giao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm căn cứ không quân Hmeimim ở Syria, ngày 11/9/ 2017. Ảnh: Kremlin.ru. |
Những mục tiêu chính
Với sự ra đi của ông Assad, Nga phải đối mặt bài toán ngoại giao cấp bách. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh cam kết giải quyết khủng hoảng Syria bằng biện pháp hòa bình, kêu gọi các bên kiềm chế và tránh bạo lực.
Mátxcơva đã liên hệ với các nhóm đối lập Syria, cho thấy họ sẵn sàng tham gia định hình tương lai chính trị của Syria thời hậu Assad.
Ngày 11/12/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad thăm căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, Syria. Ảnh: Sputnik. |
Những mục tiêu chính của Nga bao gồm duy trì ảnh hưởng, tránh bị cô lập, thu được lợi ích kinh tế, tác động địa chính trị…
Tham gia vào các cuộc đàm phán giúp Nga giữ vai trò trung gian quyền lực tại khu vực. Việc tăng cường hợp tác có thể giúp Nga giảm bớt sự cô lập trên trường quốc tế, vốn đã trầm trọng hơn bởi xung đột với phương Tây liên quan Ukraine.
Hình ảnh Tổng thống Syria Bashar Assad được nhìn thấy trên mặt tiền của văn phòng chính quyền tỉnh sau khi phe đối lập chiếm thành phố Hama của Syria, ngày 6/12/2024 Ảnh: AP. |
Sự ổn định tại Syria sẽ giúp Nga theo đuổi các hợp đồng tái thiết và tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng tại đây.
Việc Nga ngừng hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền Assad cho thấy sự điều chỉnh trong chiến lược Trung Đông của nước này. Sự sụp đổ của chính quyền Assad đã loại bỏ một đồng minh lâu năm nhưng cũng mở ra cơ hội để Nga hợp tác với các thế lực mới tại Syria.
Các chiến binh đối lập đốt cháy một tòa án quân sự ở thủ đô Damascus của Syria, ngày 8/12/2024. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, vị thế của Nga vẫn bấp bênh khi các thỏa thuận quân sự mong manh và tình hình chiến sự còn biến động.
Trong khu vực, sự rút lui của Nga có thể thúc đẩy Mỹ và châu Âu can dự mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái thiết và hòa giải tại Syria. Đồng thời, điều này có thể dẫn đến việc gia tăng ảnh hưởng của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ tại Syria, làm phức tạp thêm các nỗ lực cân bằng quyền lực của Nga.
Các chiến binh đối lập Syria lái xe qua một chiếc xe bọc thép của quân chính phủ đang bốc cháy ở thành phố Hama của Syria, ngày 7/12/2024 Ảnh: AP. |
Xung đột ở Syria kéo dài do có sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phương Tây cùng khối Ảrập và bên kia là Nga, Trung Quốc và Iran, những nước bảo vệ chính phủ Syria.