Chợ cóc và lạm phát

Chợ cóc và lạm phát
TP - Có lẽ chưa ai tính được trong mức lạm phát 11,75% của năm 2010, các chợ “cóc” ở nước ta "giúp sức" bao nhiêu phần trăm. Nhưng nếu hỏi có hay không, chắc chắn câu trả lời của không ít người, nhất là những bà nội trợ, tay hòm chìa khóa, là "có".

Dù có thể các bà các chị không rành rẽ những chuyện "vĩ mô" như lạm phát hay CPI (chỉ số giá tiêu dùng - chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Tổng cục Thống kê vẫn công bố hằng tháng), nhưng họ hiểu rõ hơn ai hết cái sự vô lý của việc tăng giá ngoài chợ “cóc”.

Tết năm nay, người dân các thành phố lớn chứng kiến một cuộc “chặt chém” kinh hoàng sau mấy ngày vui Tết: Ở Hà Nội, giá bát bún ốc vọt lên 50.000 đồng, trong khi thường ngày chỉ 10.000 đồng. Rau cỏ, thịt cá được "hét" giá vô tội vạ: thịt lợn thường ngày 75-80.000 đồng/kg, lúc đó người ta "chém" 150.000 đồng. Câu trả lời của họ rất đơn giản: Tết mà lị. Nhưng mùng 2, mùng 3 Tết, siêu thị chưa mở, khối người dù biết vô lý vẫn phải bấm bụng mà mua, kèm thêm cục tức nghẹn họng được "khuyến mãi".

Chính vì những thứ vô lý ở chợ “cóc” (chưa nói chuyện mất vệ sinh, mất trật tự, ách tắc giao thông…), đã có những gia đình thành phố đoạn tuyệt với chợ “cóc”. Người ta kéo nhau vào siêu thị. Trước Tết, dân Thủ đô rình đi siêu thị lúc… 12 giờ đêm, phần vì ban ngày bận đi làm, phần vì bên ngoài nhân Tết đến mở "máy chém".

Siêu thị chỉ đắt hơn mức giá thông thường 1.000-2.000 đồng, nhưng bảo đảm sạch sẽ, hàng có địa chỉ, nhãn mác… Còn nhớ đợt mưa lũ năm ngoái, người dân Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM chen nhau vào các siêu thị để mua thực phẩm vì trong siêu thị giá cả bình ổn, trong khi ngoài chợ, dù mưa lũ qua lâu, xăng dầu giảm nhưng nhiều mặt hàng khác ngoại trừ rau đều không thấy giảm.

Trong đợt xăng tăng giá vừa rồi, lại một đợt giá "tát nước theo mưa" diễn ra tại các hàng quán, chợ cóc. Nhiều mặt hàng, dịch vụ được người ta “hét” giá tăng đến 20-25% dù tác động của giá xăng còn xa mới tới mức ấy. Giới chức và công chúng có thể theo sát được tình hình giá xăng dầu trên thế giới và trên cơ sở đó gây sức ép để các công ty xăng dầu giảm giá.

Tuy nhiên với hạt gạo, con cá, mớ rau hay bát phở ngoài chợ cóc, có vẻ chính quyền chưa thể với tới được ngày nào tập quán buôn bán nhỏ lẻ, tự phát tồn tại, ngày nào đa phần dân ta vẫn giữ thói quen mua bán ở chợ cóc, trong khi hệ thống bán lẻ hiện đại mới chỉ phát triển ở một hai thành phố lớn.Mỗi đợt biến động, thị trường lại hình thành một mặt bằng giá mới.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy khi các tập đoàn thu mua lương thực, thực phẩm từ nông dân và đứng ra phân phối đến hệ thống các siêu thị bán lẻ, nhà nước dễ dàng hơn trong việc kiểm soát giá thu mua, từ mớ rau, quả ớt... Công ty, tập đoàn muốn tăng, giảm phải thông qua hiệp hội người tiêu dùng.

Tuy vậy, ý tưởng dần xóa bỏ hệ thống chợ “cóc” ở các thành phố đồng thời phát triển mạnh hệ thống siêu thị chắc chắn cũng sẽ vấp phải những ý kiến phản đối. Người ta sẽ nói, vậy chúng ta giải quyết sao với bao nhiêu người còn phải bám vào chợ “cóc” để kiếm sống, phải bám hàng rong nuôi gia đình? Rồi đi siêu thị phải xếp hàng, gửi xe, trả phụ phí…

Nhưng hãy thử nhìn sang các nước láng giềng, ví như Thái Lan.Các thành phố lớn của họ đã không còn chợ “cóc”, thay vào đó là hệ thống chuỗi siêu thị của các công ty lớn và các siêu thị nhỏ của tư nhân. Với hệ thống chợ hiện đại, chính quyền cũng dễ thở hơn trong việc kiểm soát giá cả, người dân yên tâm hơn khi đi mua hàng.

Có lẽ đã đến lúc nên xem xét vai trò của chợ “cóc”. Và có lẽ cũng đã đến lúc ngừng dùng điệp khúc "vì đời sống của một bộ phận người lao động, chúng ta cần duy trì ngành A, ngành B, tổng công ty C cho dù làm ăn không hiệu quả", bởi cuối cùng, lợi ích của quốc gia, của toàn dân mới là trên hết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.