Sáng 26/10, Sở Công Thương TP. Cần Thơ phối hợp với Viettel Cần Thơ ra mắt mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ cổ Cần Thơ.
Theo đó, với mô hình chợ 4.0, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán mọi mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại thông qua ứng dụng Viettel Money được cài đặt trên thiết bị di động. Với mô hình này, người dân sẽ không còn gặp những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa như cách giao dịch truyền thống trước đây.
Sau hai tháng triển khai, đã có hơn 150 tiểu thương tại chợ cổ Cần Thơ và người dân xung quanh chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại lễ ra mắt mô hình chợ 4.0 |
Phát biểu tại lễ ra mắt mô hình chợ 4.0, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho rằng, chợ 4.0 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại; hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn thành phố.
“Thời gian qua, dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Cùng với đó, xu hướng số hoá đang dần len lỏi vào đời sống của người dân, xã hội. Vì vậy, việc triển khai chợ 4.0 sẽ giúp giao dịch mua bán thuận lợi, an toàn hơn”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nói.
Với mô hình chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng có thể mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng (ảnh: Nhật Huy). |
Theo ông Trường, việc ra mắt chợ 4.0 tại chợ cổ Cần Thơ là một giải pháp giúp tiểu thương, khách hàng đa dạng hóa phương thức thanh toán, thực hiện các giao dịch tiện lợi, nhanh chóng và giảm thiểu rủi ro mà giao dịch truyền thống bằng tiền mặt gặp phải.
Bà Mai Thị Tươi - tiểu thương tại chợ cổ Cần Thơ - cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp cho bà thuận tiện hơn trong việc trao đổi mua bán, không phải lo đổi tiền lẻ mỗi ngày để trả lại tiền thừa cho khách như trước đây; việc nhận tiền qua số tài khoản cũng nhanh chóng và bảo mật.
Người dân có thể mua bán mọi mặt hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại thông qua ứng dụng Viettel Money. |
“Ban đầu tôi tiếp cận công nghệ này cùng nhiều gặp khó khăn do mô hình quá mới mẻ, nhưng sử dụng từ từ cũng cảm thấy cũng quen và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng mô hình này cũng cần có thời gian để người dân, nhất là những người lớn tuổi cần có thêm thời gian để thích nghi với phương thức thanh toán hiện đại này”, bà Tươi chia sẻ.
Trước đó, Sở Công Thương TP. Cần Thơ đã phối hợp cùng VNPT Cần Thơ triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ An Thới, quận Bình Thuỷ. Đây là điểm chợ truyền thống đầu tiên của Cần Thơ triển khai thí điểm mô hình này.
Hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 29/10, tại TP. Cần Thơ sẽ diễn ra Hội thảo Thúc đẩy Chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.
Hội thảo là dịp để giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai chuyển đổi số tại các địa phương ĐBSCL, từ đó có thể lan tỏa, nhân rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực.
Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số tại ĐBSCL nói riêng.
Toàn bộ nội dung hội thảo sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Tiền Phong điện tử, tại địa chỉ tienphong.vn.