Vào chợ, người ta có thể mua được hàng chục loại chim hoang dã như cò, vạc, chim ngói, giang, bồ nông, gà đồng, vịt trời, lele, diệc...Tất cả đều còn sống, đều bị trói chân hay buộc cánh, khâu mắt. Nhiều nhất là chim ngói. Những con ngói lông nâu, béo núc, nhốt chật cả lồng.
Giá các loại chim trời này khá cao. Chim giang 700 đến 750 ngàn đồng/con. Chim vạc 500 đến 550 ngàn đồng/con. Chim lele 1 triệu đến 1,1 triệu/con. Vịt trời con đực giá 380 ngàn, con cái giá 350 ngàn, chim ngói 200 ngàn/con. Các loại cò có giá trên dưới 100 ngàn mỗi con...
Người mua chim khá đông. Phần lớn là những người ngồi trong các “xế hộp”, đi đường, dừng lại để mua. Sau khi ngã giá xong, nếu khách yêu cầu, thì chủ quầy vặt lông, mổ chim luôn cho. Nhìn những con chim bị vặt lông sống, dẫy dụa trong tuyệt vọng. Nhiều con, khi bị đưa dao lia vào bụng nhưng chân vẫn còn dẫy, mà thấy hãi hùng...
Hỏi nguồn chim từ đâu đến, các chủ quầy đều đánh trống lảng. Nhưng sau nhiều ngày dò tìm, chúng tôi cũng tiếp cận được một vài người chuyên “đánh” chim từ các nơi về đây “đổ” cho các chủ quán. Một người tên là Hùng, bảo chúng tôi:
- Nguồn thì không ổn định đâu bác ạ, vì là chim trời nên nó phụ thuộc rất nhiều vào may rủi. Chúng em có mối quen ở Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình... Ở những nơi đó, nếu bẫy được thì họ nhốt lại, khi nào được dăm bẩy con thì gọi, là chúng em phóng xe lên. Bốn giờ sáng nay em vừa phóng lên Tân Lạc (Hòa Bình) chở về 3 con giang, 2 con vạc, 2 con lele và hơn chục con vịt giời.
- Nơi nào nhiều chim nhất?
-Thường thì những nơi có rừng hay những nơi được quy hoạch là khu bảo tồn đa dạng sinh thái, như các khu vườn quốc gia Tam Đảo, vườn quốc gia Ba Vì, rừng ngập mặn ở Nam Định, Thái Bình, và những nơi có đầm nước rộng...là những nơi nhiều chim cò nhất.
- Mỗi chuyến đi như vậy, lãi có khá không?
- Cũng tùy vào loại chim bác ạ, con thì được vài ba trăm, con được hơn trăm, có con chỉ được dăm bẩy chục.
Anh Minh, người chuyên “chạy” chim ngói, khoe:
- Mùa này chính là mùa ngói. Khi lúa bắt đầu chín là chúng từ rừng kéo về, cứ hàng đàn, nhiều lúc trông như một đám mây nâu ấy. Những tay bẫy ngói chỉ chờ có thế là ra tay. Thoạt tiên họ dăng lưới lên, lưới săn ngói thường dài từ 25 đến 35 mét. Dăng lưới xong thì đưa chim mồi ra. Dùng sợi dây buộc chặt vào chân con chim mồi, rồi buộc vào một cái cọc cắm chắc xuống đất. Thả ngói mồi xong thì nấp kín một chỗ, chờ đợi. Đàn ngói hoang đang bay bên trên, nhìn thấy con mồi liền xà xuống, lúc đó mới giật cho lưới sập, úp chụp lấy cả đàn, rồi chỉ việc bắt từng con bỏ lồng. Có mẻ được đến cả trăm con.
- Ngoài chim ngói, còn loại chim nào có thể bẫy bằng lưới được?
- Rất nhiều loại. Mỗi loại có tập tính riêng, cách kiếm mồi riêng. Muốn bẫy được nó thì phải hiểu tập tính, cách kiếm mồi và thời gian đi kiếm mồi, thời gian ghép đôi của nó. Ví như loài cò chỉ đi ăn ban ngày, nhưng loài vạc lại chỉ đi kiếm mồi ban đêm. Buổi bình minh, khi giống vạc đi kiếm mồi về thì giống cò mới bắt đầu đi kiếm ăn. Nói chung, những loại chim đi ăn đàn thì mới bẫy bằng lưới được. Còn những loại đi ăn lẻ, như bồ nông chẳng hạn, thì phải có cách khác.
- Cách thế nào?
- Mỗi người có một cách bắt riêng. Nhưng em quen với một anh ở Thái Bình, anh ta có cách bắt bồ nông rất “độc”. Phát hiện ra con bồ nông đang kiếm ăn ở bờ sông, anh ta lên cách đó một quãng, lấy một nắm bèo tây phủ kín mặt rồi bơi ngửa, dìm hết người xuống nước, chỉ hở cái mũi lên để thở, và từ từ bơi xuống. Con chim cứ tưởng đó là một mảng bèo nên không để ý. Đến sát con chim, anh ta mới tóm chân nó dìm xuống...
- Mỗi chuyến, anh chở về chợ này bao nhiêu chim ngói?
- Cũng tùy thôi. Cứ điện thoại đổ chuông là đi. Lần ít thì vài ba trăm con, lần nhiều năm, sáu trăm con. Lần em chở nhiều nhất là hơn hai ngàn con. Lấy tận gốc 100 ngàn mỗi con, đổ cho chủ quầy 150 ngàn/con. Chủ quầy bán cho khách 200 ngàn/con.
Thế mới hay làm công việc này lãi to thật!
Các loại chim hoang dã, cả loài thông thường và loài nguy cấp, quý hiếm, là những loài bị cấm đánh bắt, vận chuyển và tiêu thụ. Điều này đã được quy định rõ trong các luật như Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mọi hành vi đánh bắt các loài chim hoang dã đều bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế mà không hiểu sao, cái chợ chim hoang dã này cứ ngang nhiên tồn tại từ rất lâu nay?