Khu trưng bày ảnh ở tầng 3 khá vắng lặng trong buổi chiều, có lẽ vì vẫn trong giờ hành chính. Hầu như chỉ có các cô nhân viên của trung tâm đi lại giữa các tấm vách treo ảnh. Mỗi tác giả bám sát một chủ đề riêng. Có người chọn treo các bức ảnh chụp toàn cảnh Hà Nội về đêm, người khác lại say sưa quan sát Hội An từ trên cao. Người đắm đuối với rơm rạ làng quê, người hì hụi với các bãi biển, người lại khoe ảnh chụp các thắng cảnh nước ngoài. Có người chuyên chụp thế giới côn trùng, người chỉ chụp chim, người chỉ chụp sắt thép… Nói chung thực đơn tương đối phong phú cho khách chọn.
Hầu hết các bức ảnh đều có kích cỡ bằng nhau lồng trong khung, bo giống nhau và được bán đồng giá 3 triệu, khách chỉ việc mang về treo. Duy có các bức của tác giả Tàng A Pẩu- chuyên về sếu đầu đỏ được bán với giá 9 triệu đồng/bức. Lý do chính chắc không phải vì sếu chỉ có thể chụp theo mùa và mất công rình nhiều ngày mà là vì tác giả dùng chất liệu canvas gần giống vải dùng vẽ sơn dầu. Được biết anh tự in tại nhà với thứ mực được bảo hành tới trăm năm. Riêng anh Pẩu bán được 2 bức.
Trong khuôn khổ hội chợ nhiếp ảnh diễn ra 3 buổi nói chuyện có thu phí (100 nghìn/người) về ảnh đường phố, chụp áo dài, về cách sử dụng kính lọc.
Thoạt đầu nhóm tổ chức muốn bán ảnh với giá cao hơn, còn phía Hàng Da thì muốn giảm xuống. “Đề đúng giá trị chắc chắn không bán được”, Trịnh Vũ Hiếu - đại diện nhóm cho hay. “Nhưng nếu mình để rẻ quá thực sự không tôn trọng công sức tác giả”. Theo anh trên thị trường châu Á hiện nay một tác phẩm ảnh cùng cỡ 40x60 giá khoảng 500 đô. Tất nhiên tác giả phải có tên rồi.
Triển lãm diễn ra từ 1/12. Sau 10 ngày bán được 5 bức. Một sự khởi đầu đáng khích lệ cho một sự kiện chưa có tiền lệ. Nhưng nếu tình hình không có gì khả quan hơn, nhà tổ chức cầm chắc lỗ. Vẫn Hiếu- người “đầu têu” triển lãm phát biểu: “Chợ Hàng Da ưu ái anh em nghệ sĩ, tạo điều kiện nhiều. Cho dù cắt bao nhiêu phần trăm thì rõ ràng về hiệu quả kinh tế họ đang rất lỗ”. Trung tâm Hàng Da chỉ thu lại một tỷ lệ nhất định từ số ảnh đã bán được. Không bán được ảnh đồng nghĩa với việc Hàng Da doanh thu bằng không.
Tuy nhiên chị Nguyễn Thanh Mây - Giám đốc điều hành trung tâm Hàng Da không lấy đó làm điều: “Làm kinh doanh phải có thương mại mới duy trì được, nhưng đã làm nghệ thuật phải tính lâu dài. Chúng tôi đăng cai tổ chức hội chợ nhiếp ảnh cũng là một cách truyền thông- còn hơn in poster rải “truyền đơn”- không có tiếng nói gì cả cũng chẳng giúp đỡ được ai cả. Phải khích lệ anh em nghệ sĩ mới đưa nền nghệ thuật của mình đi lên được”.
Trịnh Vũ Hiếu vốn là họa sĩ từng lên trung tâm Hàng Da xem hai lần tổ chức chợ tranh. Cộng với việc chứng kiến triển lãm nhiếp ảnh gây quỹ phục dựng nhà lang (bị cháy) bán khá tốt (non nửa ảnh có người mua), Hiếu rủ nhà nhiếp ảnh Nguyễn Việt Hùng cùng nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh lập chợ ảnh. Tuy vậy với họ chuyện bán chác xem ra không quá quan trọng. Họ hoàn toàn có thể chọn vào chợ những tác phẩm dễ xem dễ bán. Nhưng không, như loạt ảnh của Hiếu hoàn toàn trừu tượng y như tranh anh vẽ. Đơn giản vì anh dùng thủ pháp chồng phim chụp lại các bức tranh của mình. Việc chọn các nhà nhiếp ảnh ngoài các tiêu chí chuyên môn cũng có tính ngẫu nhiên. Nhóm tổ chức có lời mời với khá nhiều nhà nhiếp ảnh, và không phải lúc nào cũng nhận được sự hợp tác.
Theo Hiếu, việc lập chợ là để các nhiếp ảnh gia bán tác phẩm một cách đàng hoàng. Anh hy vọng có thể góp phần thay đổi tư duy về bản quyền nhiếp ảnh hiện nay. “Bản quyền nhiếp ảnh hiện ở nhà mình không có nguyên tắc nào”, anh nhận xét. “Những người đầu tư công sức tiền bạc làm bộ ảnh có giá trị luôn trong trạng thái đề phòng bị mất trộm”.