Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 2 dự án trên thông xe được vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương tuyến đường đi qua. Với Hoà Bình, đây là tuyến đường ngắn nhất, tốt nhất hiện nay nối với Hà Nội.
“Thời gian qua vấn đề BOT giao thông có xảy ra một số vấn đề, một số trạm thu phí bị người dân phản đối. Tuy nhiên, 2 dự án này được nhà đầu tư làm tuyến đường mới hoàn toàn, song song với các tuyến đường cũ, người dân có quyền lựa chọn để đi. Do đó, tôi tin tưởng dự án này sẽ tạo được đồng thuận của người dân, và phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội”, ông Thể nói.
Dự kiến tuyến đường mới Hoà Lạc - Hoà Bình sẽ thu phí từ 1/11 tới, với mức phí thấp nhất 35.000 đồng/xe con, cao nhất 180.000 đồng/xe tải
Dự án BOT đường nối Hoà Lạc (Hà Nội) – Hoà Bình là một hợp phần cùng với dự án nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai (Hà Nội) – Hoà Bình, do Cty BOT Quốc lộ 6 – Hoà Lạc – Hoà Bình làm chủ đầu tư (liên danh Tổng Cty 36 – Hanco – Trường Lộc).
Tuyến đường Hoà Lạc – Hoà Bình mới dài 25,6km, theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, với tổng mức đầu tư hơn 2.723 tỷ đồng. Nhà đầu tư thu hồi vốn bằng thu phí qua trạm đặt tại đại phận Hoà Bình, với thời gian thu phí là hơn 27,6 năm. Thời gian thu phí chính thức dự kiến từ ngày 1/11, với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con, và cao nhất là 180.000 đồng/xe tải.
Với tuyến đường mới, thời gian đi lại giữa Hà Nội – Hoà Bình chỉ còn khoảng 1h30 phút, thay vì hơn 2 tiếng đi theo Quốc lộ 6.
Sáng cùng ngày, dự án BOT cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) – Việt Trì (Phú Thọ) cũng được thông xe, nối thông Quốc lộ 32 và 32C. Cầu Văn Lang do Cty BOT Phú Hà làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án hơn 9,4 km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1,5km, khởi công từ tháng 8/2016.
Theo hợp đồng, thời gian thu phí qua cầu Văn Lang là 19 năm 10 tháng, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con, cao nhất 185.000 đồng/xe tải, dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 12 tới.